Cực hiếm cảnh BMP-1 bắn tên lửa chống tăng AT-3

Hình ảnh xe chiến đấu bộ binh BMP-1 ở Việt Nam và trên thế giới có rất nhiều, nhưng cảnh BMP-1 bắn tên lửa chống tăng AT-3 thì rất hiếm.

BMP-1 là dòng xe chiến đấu bộ binh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 1966 tới nay. BMP đã đem đến khái niệm mới về xe bọc thép chiến đấu trên thế giới. Theo đó, ngoài khả năng chở quân như xe thiết giáp BTR thì BMP-3 còn sở hữu sức mạnh như xe tăng với pháo lớn và đặc biệt là tên lửa chống tăng. Thời bấy giờ, những chiếc BMP-1 được trang bị các tên lửa chống tăng AT-3.

Tuy có tới 40.000 chiếc xe chiến đấu bộ binh BMP-1 được sử dụng trên toàn thế giới, nhưng có một điều lạ lùng là rất hiếm các hình ảnh BMP-1 bắn pháo mà đặc biệt là tên lửa chống tăng. Thật may trong cuộc tập trận gần đây ở Ba Lan, khoảnh khắc BMP-1 bắn tên lửa AT-3 đã được ghi lại. Ảnh: Một người lính vác quả đạn AT-3 tới xe.

AT-3 được lắp vào bệ phóng đặt ngay trên gốc nòng pháo chính 73mm 2A28 Grom của BMP-1.

Khoảnh khắc tên lửa chống tăng AT-3 được khai hỏa từ xe chiến đấu bộ binh BMP-1.

AT-3 là định danh của NATO dành cho tên lửa chống tăng 9M14 Malyutka do Liên Xô phát triển cùng thời với BMP-1. Đây cũng là một trong những loại tên lửa chống tăng đầu tiên trên thế giới, phổ biến nhất mọi thời đại. Có đến 25.000 quả tên lửa được chế tạo trong những năm 1960-1970. Thậm chí, việc chế tạo các phiên bản cải tiến vẫn tiếp tục đến tận ngày nay.

Các xe chiến đấu bộ binh BMP-1 có khả năng triển khai hai loại đạn 9M14 Malyutka (AT-3) gồm: 9M14M Malyutka-M (AT-3B) và 9M14P Malyutk-P (AT-3C) có thể hạ gục xe tăng chủ lực và xe bọc thép ở cự ly từ 500-3.000m, có khả năng xuyên giáp dày 400mm.

Cơ số AT-3 trên xe chiến đấu bộ binh BMP-1 tối đa 5 quả gồm: 2 quả trong tháp pháo; 2 quả trong xe và một quả lắp sẵn trên bệ phóng đặt ngay trên gốc nòng pháo chính 73mm.

Tuy có nhiều ưu điểm như điều khiển đơn giản, không bị gây nhiễu thì nhìn chung tên lửa AT-3 trên BMP-1 hiện nay bị coi là lạc hậu cần phải thay thế. Bởi việc khai hỏa chúng đòi hỏi xe phải đứng yên, tên lửa bay với tốc độ quá chậm, tầm bắn tối thiểu 500m là quá lớn (dưới 500m thì không tấn công được), hệ thống dẫn đường MCLOS đòi hỏi trình độ pháo thủ phải rất cao. Sự chính xác của AT-3 phụ thuộc nhiều vào pháo thủ hơn là hệ thống dẫn đường của riêng nó.

BMP-1 còn được trang bị pháo nòng trơn bán tự động 73mm 2A28 Grom được trang bị bộ nạp đạn tự động cho tốc độ bắn 8-10 phát/phút. Tuy nhiên, bộ nạp đạn này được cho là không đáng tin cậy và đã bị khuyến cáo là không nên sử dụng.

Chiến Xa

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/vu-khi/cuc-hiem-canh-bmp-1-ban-ten-lua-chong-tang-at-3-766486.html