Cục Nhà giáo nêu lý do đề xuất giáo viên được tăng một bậc khi xếp lương lần đầu

Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, việc đề xuất tăng một bậc lương cho giáo viên mới được tuyển dụng xuất phát từ thực tế.

Đề xuất giáo viên được tăng một bậc khi xếp lương lần đầu

Tại dự Luật Nhà giáo mới nhất, Bộ GD&ĐT (cơ quan soạn thảo) đã thiết kế 10 chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo với nhiều ưu đãi.

Trong đó đề xuất nhiều chính sách mới về tiền lương, đãi ngộ với giáo viên trong cơ sở giáo dục công lập. Lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng, theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp 38 cũng đã bổ sung đánh giá tác động chính sách, dự kiến nguồn lực, điều kiện đảm bảo cho việc thi hành luật sau khi được thông qua. Báo cáo đánh giá quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Theo khảo sát, giáo viên mầm non, tiểu học có thời gian làm việc ở trường dài, điều kiện làm việc khó khăn hơn trong khi thu nhập lại thấp hơn. Ảnh minh họa

Theo khảo sát, giáo viên mầm non, tiểu học có thời gian làm việc ở trường dài, điều kiện làm việc khó khăn hơn trong khi thu nhập lại thấp hơn. Ảnh minh họa

Theo số liệu báo cáo, tính đến tháng 5/2024 của địa phương, số giáo viên tuyển dụng trong năm học 2023-2024 là 19.474 người. Trong đó, mầm non 5.592 người, tiểu học 7.737 người, THCS 4.609 người, THPT 1.536 người. Nếu được thực hiện chính sách xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, thì ngân sách nhà nước cần bổ sung thêm để chi trả tiền lương cho nhà giáo sẽ khoảng 22 tỷ đồng/tháng, tức là hằng năm ngân sách cần bổ sung 264 tỷ đồng.

"Muốn giữ chân giáo viên, thu nhập phải tăng lên"

Về đề xuất tăng một bậc lương so với bảng lương hành chính thông thường cho những thầy cô mới được tuyển dụng, tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện, các nhà giáo được hưởng phụ cấp thâm niên và ưu đãi nghề, cùng một số hỗ trợ khác, như phụ cấp dành cho người công tác ở khu vực đặc biệt khó khăn. Riêng phụ cấp ưu đãi nghề, hiện giáo viên mầm non, phổ thông được nhận mức 35-70%, tùy từng cấp học, vùng miền công tác; giảng viên đại học 25-40%.

Theo khảo sát, giáo viên mầm non, tiểu học có thời gian làm việc ở trường dài, điều kiện làm việc khó khăn hơn trong khi thu nhập lại thấp hơn cả. Tại nhiều diễn đàn của Quốc hội, các đại biểu cũng nhiều lần nói về tâm tư của giáo viên hai cấp học này và mong muốn tăng phụ cấp ưu đãi.

"Vì vậy, chúng tôi dự kiến giáo viên mầm non và tiểu học được hưởng ưu đãi nghề cao hơn cấp học khác, tăng thêm lần lượt 10 và 5%. Điều này nhằm giúp giáo viên có cuộc sống tốt hơn, yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Mức này, theo tính toán của chúng tôi, cũng phù hợp với nguồn lực quốc gia".

Đề xuất tăng một bậc lương cho giáo viên mới được tuyển dụng cũng xuất phát từ thực tế. Giáo viên trẻ hiện có lương khởi điểm thấp. Người có bằng đại học hưởng hệ số lương 2,34, tổng thu nhập của nhiều giáo viên ở mức 6,8 triệu đồng. Người có bằng cao đẳng ra trường nhận mức thấp hơn.

Theo khảo sát của Bộ GD&ĐT, khoảng 61% giáo viên bỏ việc ở độ tuổi dưới 35, tức là thuộc nhóm giáo viên trẻ. Nhóm này phải nuôi sống bản thân, gia đình và phải học lên để trau dồi chuyên môn. Muốn giữ chân họ, thu nhập phải tăng lên. Đề xuất này cũng nhằm cụ thể hóa chính sách lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Theo tính toán, nếu tăng một bậc, lương giáo viên cũng chỉ cao hơn 14% so với các ngành, nghề khác.

Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết thêm, kể từ tháng 7, lương giáo viên tăng khi mức lương cơ sở tăng, tương tự viên chức ở ngành nghề khác. Điều này giúp cải thiện đời sống giáo viên. Tuy nhiên, so với mong muốn và nhu cầu của nhà giáo thì vẫn còn khoảng cách.

"Chúng tôi mong muốn đưa ra được những chính sách tốt hơn, ở mức phù hợp, để tiếp tục cải thiện đời sống giáo viên, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề, thu hút được nhiều người giỏi vào nghề. Chúng tôi cũng quan niệm, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo không phải chỉ ở chính sách tiền lương, mà còn thể hiện ở nhiều chính sách khác như quy định vị trí, vai trò, chức danh nhà giáo; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu các đề xuất để đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo sao cho phù hợp, được đồng thuận cao".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cuc-nha-giao-neu-ly-do-de-xuat-giao-vien-duoc-tang-mot-bac-khi-xep-luong-lan-dau-169241011160443788.htm