Cục QLTT Hà Nam: Quyết liệt đấu tranh có hiệu quả Kế hoạch 888

Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT Hà Nam đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt Kế hoạch 888, góp phần giữ vững ổn định thị trường địa phương.

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nam cho thấy, công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) từ đầu năm đến nay, đã được lực lượng QLTT Hà Nam tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, góp phần giữ vững ổn định thị trường địa phương.

Kiểm tra 127 vụ; xử lý 130 vụ

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nam nhận định: Hiện nay trên thị trường hàng giả được sản xuất ngày càng tinh vi, khó phân biệt, do vậy công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp mới hiệu quả.

Bên cạnh đó Thương mại điện tử ngày càng phát triển, việc mua bán trực tuyến (online) diễn ra mạnh mẽ, tiềm ẩn nhiều hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên thị trường và lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ gây khó khăn trong quá trình kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm.

Đội QLTT số 2 - Cục QLTT Hà Nam kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas.

Đội QLTT số 2 - Cục QLTT Hà Nam kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Adidas.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục QLTT về việc “Phê duyệt Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025” (Kế hoạch 888). Ngay từ đầu năm 2024, Cục QLTT Hà Nam đã ban hành Quyết định số 133/QĐ-QLTTHNA ngày 26/02/2024 về việc đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ năm 2024.

Từ đó, chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc đẩy mạnh nắm bắt các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn để kịp thời đưa vào theo dõi, quản lý, tuyên truyền; nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo đúng quy định. Qua đó, đã đạt được kết quả nhất định.

Kết quả, trong 10 tháng năm 2024, Cục QLTT Hà Nam đã thực hiện kiểm tra 127 vụ; xử lý 130 vụ (03 vụ năm 2023 chưa xử lý chuyển sang). Trong đó: Xử lý hành chính 127 vụ, chuyển sang cơ quan điều tra 03 vụ (cả 03 vụ đã khởi tố); tổng số tiền thu phạt 1.074.500.000 đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 1.736.796.910 đồng.

Khởi tố 3 vụ “Buôn bán hàng giả” do QLTT Hà Nam chuyển giao

Điển hình, ngày 27 tháng 12 năm 2023, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Hà Nam phối hợp với Đội 1, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hà Nam kiểm tra đột xuất Hộ kinh doanh Trần Thị Hồng; địa chỉ: Thôn Duy Dương, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Kết quả kiểm tra tại thời điểm kiểm tra: Hộ kinh doanh đang bày bán thuốc thành phẩm Clorocid TW3 Cloramphenicol 250mg, SĐK: VD-25305-16; số lô sản xuất: 0603; ngày sản xuất: 11/8/2023; hạn sử dụng: 11/8/2026; nhà sản xuất: Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 3, trụ sở: 16 Lê Đại Hành - Minh Khai - Hồng Bàng - Hải Phòng; nhà máy sản xuất: Số 28 - đường 351 - Nam Sơn - An Dương - Hải Phòng; quy cách đóng hộp: 400 viên nén; số lượng 110 lọ. Trị giá hàng hóa tính theo giá niêm yết trên sản phẩm là 15.400.000 đồng.

Chủ hộ kinh doanh Trần Thị Hồng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến số hàng hóa là thuốc thành phẩm Clorocid TW3 Cloramphenicol 250mg nêu trên. Căn cứ Văn bản số 1729/QDL-CL ngày 24/02/2023 của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và Công văn số 226/SYT/NVD ngày 28/02/2023 của Sở Y tế tỉnh Hà Nam về việc thông tin thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, nhận thấy số thuốc nêu trên có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa.

Xét thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo quy định tại Điều 194 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Đội QLTT số 1 đã chuyển giao toàn bộ hồ sơ, tang vật nêu trên đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra, xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/01/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam ra Quyết định số 22/QĐ-CSKT về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại Hộ kinh doanh Trần Thị Hồng; địa chỉ: Thôn Duy Dương, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

 Đội QLTT số 1 kiểm tra việc chấp hàng pháp luật trong lĩnh vực y tế đối với các cơ sở kinh doanh dược phẫm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn.

Đội QLTT số 1 kiểm tra việc chấp hàng pháp luật trong lĩnh vực y tế đối với các cơ sở kinh doanh dược phẫm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn.

Tương tự, ngày 24/5/2024, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy - Công an huyện Bình Lục tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh Quầy thuốc Khánh Liên, địa chỉ: thôn Ô Mễ, xã Tràng An, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam do bà Đ.T.L làm chủ hộ kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra cho thâýbà Đ.T.L có hành vi buôn bán 21 hộp thuốc thành phẩm Clorocid TW3 Cloramphenicol 250mg nhưng không có bất kì hóa đơn, chứng từ, tài liệu nào liên quan đến hàng hóa; có dấu hiệu là hàng giả.

Ngày 10/7/2024, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Nam ra Quyết định khởi tố bị can đối với bà Đ.T.L về tội: Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh quy định tại khoản 1, Điều 194 Bộ Luật Hình sự.

 Buôn bán 21 hộp thuốc thành phẩm Clorocid TW3 Cloramphenicol 250mg là hàng giả. Bà Đ.T.L chủ Hộ kinh doanh Quầy thuốc Khánh Liên bị khởi tố về tội: Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh quy định tại khoản 1, Điều 194 Bộ Luật Hình sự.

Buôn bán 21 hộp thuốc thành phẩm Clorocid TW3 Cloramphenicol 250mg là hàng giả. Bà Đ.T.L chủ Hộ kinh doanh Quầy thuốc Khánh Liên bị khởi tố về tội: Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh quy định tại khoản 1, Điều 194 Bộ Luật Hình sự.

Tiếp theo đó, vào ngày 11/9/2024, Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy - Công an huyện Bình Lục tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh quầy thuốc tân dược Tâm Anh; địa chỉ: thôn Nguyễn, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh đang bày bán 21 hộp thuốc thành phẩm - thuốc bán theo đơn Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg); 23 hộp thuốc thành phẩm - thuốc bán theo đơn Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg) là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa.

Tổng trị giá hàng hóa tính theo giá niêm yết trên từng sản phẩm là: 6.140.000 đồng. Căn cứ theo các quy định của pháp luật Đội QLTT số 1 chuyển giao toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Công an huyện Bình Lục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 14/10/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Lục có Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra ngày 11/9/2024 tại thôn Nguyễn, xã An Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Ký cam kết đối với 113 tổ chức, cá nhân

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục QLTT Hà Nam cho biết: 4 năm triển khai Kế hoạch 888, Cục QLTT Hà Nam luôn xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật, ký cam kết đối các cơ sở kinh doanh thương mại, các cơ quan, tổ chức quản lý chợ - trung tâm thương mại, phường, xã, làng nghề, hội, hiệp hội ngành nghề và nhân dân trên địa bàn... là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.

Hình ảnh cán bộ, công chức Đội QLTT, tuyên truyền, hướng dẫn, phát tờ rơi cho người kinh doanh.

Hình ảnh cán bộ, công chức Đội QLTT, tuyên truyền, hướng dẫn, phát tờ rơi cho người kinh doanh.

Kết quả, trong 10 tháng năm 2024, các Đội QLTT trực thuộc đã thực hiện kiểm tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền, đã ký cam kết đối với 113 tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn về việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thương mại, không buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Qua đó giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo chuyển biến trong công tác QLTT, đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đội QLTT 2 buộc chủ cơ sở kinh doanh tiêu hủy hàng hóa hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bằng hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.

Đội QLTT 2 buộc chủ cơ sở kinh doanh tiêu hủy hàng hóa hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ bằng hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện Kế hoạch 888 đạt hiệu quả cao hơn, Cục QLTT Hà Nam sẽ chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường bám sát chặt chẽ địa bàn, nắm sát đối tượng để tổ chức kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, ký cam kết và phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Đặc biệt sẽ tập trung các nhóm mặt hàng theo Kế hoạch 888, chú trọng các thương nhân kinh doanh qua Website thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng… nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Cục QLTT Hà Nam khuyến cáo các cá nhân, tổ chức và người dân cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong việc phòng, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng; không tiếp tay cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là qua thương mại điện tử. Nếu người dân, tổ chức phát hiện hành vi vi phạm liên quan đến hàng hóa có thể liên hệ các đội QLTT địa bàn để được hướng dẫn, giải quyết, bảo đảm quyền lợi của mình.

Hoàng Dương - Lê Hoa

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/cuc-qltt-ha-nam--quyet-liet-dau-tranh-co-hieu-qua-ke-hoach-888-128691.htm