Cục thuế Hà Nội chỉ ra nhiều vi phạm của Dịch vụ Petrolimex Hà Tây

Kết luận thanh tra thuế của Cục thuế TP Hà Nội cho thấy, Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hà Tây xác định doanh thu, thuế giá trị gia tăng hàng hóa, chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp chưa chính xác; vi phạm quy định mua hóa đơn; cùng những tồn tại về kê khai thuế, nộp thuế...

Theo kết luận thanh tra thuế của Cục thuế TP Hà Nội ban hành mới đây, về việc mở, ghi chép, hạch toán trên sổ sách kế toán, Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hà Tây (PTS Hà Tây) đã thực hiện chế độ sổ kế toán, tài khoản kế toán, báo cáo tài chính theo quy định.

Tuy nhiên, việc xác định doanh thu, thuế giá trị gia tăng (GTGT) hàng hóa, dịch vụ mua vào được khấu trừ; chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) còn chưa chính xác.

Về việc sử dụng hóa đơn, tại thời điểm kiểm tra, qua rà soát hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ niên độ năm 2022, 2023 bằng ứng dụng TMS 2.9.1 ngày 11/9/2024 và qua rà soát hóa đơn mua hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro theo các văn bản cảnh báo rủi ro của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác, đoàn kiểm tra phát hiện PTS Hà Tây mua hóa đơn của 19 đơn vị không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Tổng hóa đơn PTS Hà Tây sử dụng là 64 hóa đơn với tổng giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào 551.628.074 đồng, thuế GTGT: 44.732.292 đồng.

 Cửa hàng xăng dầu Đồng Mai thuộc Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hà Tây (PTS Hà Tây).

Cửa hàng xăng dầu Đồng Mai thuộc Công ty cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hà Tây (PTS Hà Tây).

Qua rà soát, đoàn thanh tra phát hiện công ty này sử dụng 3 hóa đơn GTGT của 1 doanh nghiệp có kết luận là các doanh nghiệp bán hóa đơn. Bản án số 115/2023/HS-ST ngày 29/12/2023 của TAND tỉnh Phú Thọ gồm Công ty TNHH DV nhà hàng Ẩm thực Nét Huế, MST: 0108318380; thuế GTGT: 1.416.000 đồng, thuế TNDN: 3.540.000.

Sau khi nhận được thông báo yêu cầu giải trình và cung cấp thông tin tài liệu của Cục Thuế Hà Nội ngày 13/7/2023, đơn vị đã thực hiện kê khai bổ sung điều chỉnh giảm thuế GTGT (kỳ kê khai tháng 7/2022) và thuế TNDN kỳ kê khai năm 2022) vào ngày 24/7/2023, trước thời điểm có kết luận hóa đơn bất hợp pháp của bản án số 115/2023/HS-ST ngày 29/12/2023 của TAND tỉnh Phú Thọ.

Số tiền thuế GTGT tăng sau kê khai điều chỉnh là 1.416.000 đồng thuế GTGT, tăng số thuế TNDN phải nộp năm 2022, số tiền: 3.540.000 đồng.

Cũng theo Cục thuế TP Hà Nội, rà soát hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ bằng ứng dụng TMS ngày 11/9/2024 cho thấy, PTS Hà Tây sử dụng hóa đơn mua vào của 18 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký (trước thời điểm cơ quan thuế ra thông báo). Tổng hóa đơn sử dụng: 61 hóa đơn, tổng giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào: 533.928.074 đồng, thuế GTGT: 43.216.292 đồng.

PTS Hà Tây đã hạch toán kế toán, thực hiện phản ánh đầy đủ trên sổ sách kế toán và khẳng định việc mua bán là có thật. Tuy nhiên, nhận thấy có rủi ro, đơn vị thống nhất và đề nghị điều chỉnh giảm toàn bộ số hóa đơn nêu trên.

Việc giảm thuế GTGT đầu vào khấu trừ và giảm chi phí nêu trên đã được Đoàn thanh tra phản ánh vào kết quả thanh tra. Số tiền thuế GTGT tăng sau thanh tra là 43.216.292 đồng; số thuế TNDN tăng sau thanh tra: 106.785.614 đồng.

Liên quan đến những tồn tại về kê khai thuế, nộp thuế, Cục thuế TP Hà Nội cho biết, về thuế GTGT, PTS Hà Tây kê khai sai, thiếu doanh thu hoạt động hoa hồng đại lý bảo hiểm, kê khai khấu trừ hóa đơn của đơn vị không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, kê khai hóa đơn đầu vào của nguyên liệu vượt định mức vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 15 Thông tư 219/2023/TT-BTC.

Về thuế TNDN, công ty kê khai hạch toán đối với chi phí của hóa đơn của đơn vị không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 78/2014 ngày 18/6/2014 của Bộ Tài Chính.

Về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), doanh nghiệp kê khai sai chỉ tiêu số thuế khấu trừ trên tờ khai thuế TNCN tháng 7, 8, 12/2022; tháng 7, 11, 12/2023 dẫn đến nghĩa vụ thuế TNCN trên tờ khai 12 tháng trong năm có chênh lệch với tờ khai quyết toán năm. Ngày 13, 17/9/2024, đơn vị kê khai bổ sung các tờ khai sai làm tăng số thuế phải nộp sau khi Cơ quan Thuế đã công bố quyết định Thanh tra nhưng đơn vị đã tự giác nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước trước thời điểm cơ quan thuế kết thúc thời hạn thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Hành vi trên vi phạm quy định tại khoản 4, Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Từ các nội dung nêu trên, đoàn thanh tra xác định tổng số thuế truy thu qua thanh kiểm tra năm 2022 và 2023 là 222.803.152 triệu đồng, trong đó thuế GTGT là 116.017.537 triệu đồng, thuế TNDN là 106.785.615 triệu đồng.

Cục thuế TP Hà Nội yêu cầu PTS Hà Tây nộp đầy đủ, kịp thời số tiền thuế truy thu, tiền phạt và số tiền chậm nộp, tổng số tiền: 346.371.227 đồng vào tài khoản của cơ quan thuế khi có quyết định xử lý của cơ quan thuế.

Trong đó, với hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, doanh nghiệp bị phạt 83.593.348 triệu đồng. Tổng tiền thuế truy thu qua thanh tra, số tiền là 222.803.152 đồng. Tiền chậm nộp, số tiền là 39.974.727 đồng.

Cục thuế TP Hà Nội đề nghị PTS Hà Tây chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, sai sót trong hạch toán kế toán, kê khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế theo đúng quy định của pháp luật thuế, pháp luật kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hà Tây (PTS Hà Tây) thành lập vào năm 2000, là thành viên của Petrolimex Việt Nam. Công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải xăng dầu và dịch vụ kho bãi tại Việt Nam. Năm 2010, cổ phiếu của công ty chính thức được giao dịch trên thị trường UpCom.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của PTS Hà Tây thông qua ngày 10/4, kế hoạch sản lượng vận tải năm 2024 là gần 75,7 triệu m3.km – bằng 113% so với thực hiện năm 2023; sản lượng bán xăng dầu 30.350 m3.

Công ty đặt doanh thu 731.660.000.000 đồng – bằng 99% so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ở mức 3.800.000.000 – bằng 123% so với thực hiện năm 2023, nộp ngân sách Nhà nước 8.750.000.000 đồng, bằng 98% so với thực hiện năm ngoái.

Tổng giá trị đầu tư là 14.880.000.000 đồng – bằng 64% so với thực hiện năm 2003. Trong trường hợp giá trị đầu tư tăng so với kế hoạch, ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT công ty thực hiện các trình thủ tục báo cáo tổng công ty phê duyệt chủ trương trước khi thực hiện.

Ngày 23/7, ông Lê Tự Cường - Chủ tịch HĐQT PTS Hà Tây đăng ký mua 3.000 cổ phiếu với mục đích đầu tư cá nhân, theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, ông Lê Tự Cường chỉ mua 2.532 cổ phiếu. Nguyên nhân Chủ tịch HĐQT PTS Hà Tây không thực hiện giao dịch hết số cổ phiếu đăng ký là do không đạt giá kỳ vọng.

Minh Thu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chung-khoan/cuc-thue-ha-noi-chi-ra-nhieu-vi-pham-cua-dich-vu-petrolimex-ha-tay/20241021020143542