Cục Xuất nhập khẩu chỉ đạo khẩn vụ Lộc Trời trúng thầu gạo giá thấp

Theo Cục Xuất nhập khẩu, hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có văn bản hỏa tốc số 400/XNK-NS liên quan đến xuất khẩu gạo vào Indonesia.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thông tin từ một số cơ quan truyền thông, trong đợt thầu ngày 21/5/2024 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu.

Để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai một số nội dung:

Thứ nhất, tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Thứ hai, xác minh thông tin mà các cơ quan truyền thông đăng tải trong thời gian vừa qua về việc một số doanh nghiệp “bỏ thầu giá thấp”.

Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên để nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, pháp luật cạnh tranh và phòng vệ thương mại.

Thứ tư, tăng cường theo dõi hoạt động xuất khẩu của hội viên để kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý về Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có liên quan (nếu có).

Cục Xuất nhập khẩu ra văn bản 'hỏa tốc' vụ Lộc Trời trúng thầu gạo giá thấp. Ảnh: LTG.

Cục Xuất nhập khẩu ra văn bản 'hỏa tốc' vụ Lộc Trời trúng thầu gạo giá thấp. Ảnh: LTG.

Báo cáo nội dung nêu trên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề nghị gửi về Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương trước ngày 31/5.

Như Báo Giáo dục và Thời đại đã đưa tin, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố kết quả mở thầu tháng 5.

Trong đợt mở thầu này, có 2 doanh nghiệp Việt Nam là Lộc Trời và Thuận Minh trúng thầu với số lượng 90.000 tấn.

Theo đó, Công ty Lộc Trời trúng thầu 2 lô, số lượng 60.000 tấn, với mức giá 563 USD/tấn, giảm tới 16 USD so với giá chào ban đầu 579 USD/tấn.

Đơn vị còn lại là Công ty Thuận Minh trúng thầu 30.000 tấn, chào giá thấp nhất trong số các doanh nghiệp dự thầu, chỉ 564,5 USD/tấn.

Trong đợt thầu trên, các doanh nghiệp Thái Lan chào 3 lô mỗi lô 30.000 tấn với các mức giá thấp nhất 649 USD/tấn - bằng với giá mà Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) công bố.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Thái Lan đã không trúng thầu vì không giảm giá gạo như một số doanh nghiệp Việt Nam.

Văn bản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Văn bản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Theo một số doanh nghiệp trong ngành gạo, thông thường khi có thông tin trúng thầu gạo với số lượng lớn thì thị trường nội địa sẽ sôi động, giá tăng vì có đầu ra thuận lợi. Tuy nhiên, tình hình hiện nay ngược lại khi thị trường trầm lắng, giá giảm.

Nguyên nhân do giá trúng thầu của Lộc Trời quá thấp, mức 563 USD là giá CFR - giao hàng tại cảng bên mua, do đó phải trừ thêm khoảng 30 - 40 USD chi phí đóng gói và vận chuyển; nên giá thực mà đơn vị này bán chỉ 523 USD/tấn.

Do đó, nếu tính đúng tính đủ thì giá trúng thầu thấp hơn đến 64 USD/tấn so với giá VFA công bố (giá FOB).

Việc một số doanh nghiệp Việt Nam bán gạo với mức quá thấp khiến cho những nhà nhập khẩu từ các thị trường khác căn cứ vào đó để thương lượng, thậm chí nhiều khách hàng tiếp tục kéo dài thời gian với kỳ vọng giá sẽ giảm thêm.

Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuc-xuat-nhap-khau-chi-dao-khan-vu-loc-troi-trung-thau-gao-gia-thap-post685461.html