Củng cố lợi ích đồng minh
Cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (T.Éc-đô-gan) bên lề Hội nghị cấp cao NATO mới đây là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế bởi nó 'định vị lại' vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong mối quan hệ với Mỹ.
Hóa giải bất đồng, củng cố lợi ích của hai đồng minh NATO là chủ trương mà cả Washington (Oa-sinh-tơn) và Ankara (An-ca-ra) đều hướng tới, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống G.Biden đang đưa nước Mỹ trở lại hợp tác mạnh mẽ hơn trong mối quan hệ chiến lược xuyên Ðại Tây Dương.
Cuộc gặp tại Brussels (Brúc-xen, Bỉ) là hội đàm đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ J.Biden và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan với hy vọng sẽ giúp mở ra “một kỷ nguyên mới” sau thời gian dài quan hệ giữa hai nước gặp nhiều trắc trở.
Nhà lãnh đạo hai quốc gia thành viên NATO đang cố gắng hàn gắn những rạn nứt sau khi mối quan hệ đồng minh chứng kiến không ít thăng trầm. Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ð.Trăm), hai bên mâu thuẫn về việc dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen (Ph.Gu-len) - người mà Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành năm 2017 và việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào năm 2019.
Hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Ankara được coi là rạn nứt lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước thành viên NATO cho rằng, hệ thống S-400 sẽ đe dọa các máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ cũng như hệ thống phòng thủ mở rộng của NATO.
Lo ngại việc này ảnh hưởng tới an ninh NATO, Washington đã áp biện pháp trừng phạt Ankara dựa trên Luật chống các đối thủ của Mỹ (CAATSA). Hai bên cũng bất đồng sâu sắc về việc Mỹ “chống lưng” cho lực lượng người Kurd (Cuốc) ở Syria (Xy-ri), một vấn đề đã đẩy Thổ Nhĩ Kỳ về gần với Nga hơn trong phối hợp giải quyết khủng hoảng ở quốc gia Trung Ðông.
Ankara phản đối mạnh mẽ việc Mỹ cung cấp vũ khí và huấn luyện cho lực lượng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và ở Syria. Các lực lượng này bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố, ngang hàng với tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và coi là mối đe dọa an ninh quốc gia khi PYD và YPG bị cáo buộc liên kết với đảng Công nhân người Kurd (PKK) nổi dậy ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, những lấn cấn giữa hai nước chỉ là “nốt trầm” trong “khuông nhạc lợi ích” của mối quan hệ đồng minh. Tổng thống T.Erdogan từng nhấn mạnh rằng, lợi ích chung giữa Ankara và Washington vượt xa điểm khác biệt giữa hai nước. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ muốn tăng cường hợp tác lâu dài với Mỹ trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và lưu ý thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện vai trò của mình phù hợp với mối quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược giữa hai nước.
Là quốc gia có quy mô quân sự lớn thứ hai và hiệu quả nhất trong NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng giúp Mỹ duy trì các lợi ích an ninh chiến lược của khối. Tại cuộc hội đàm mới đây, Tổng thống J.Biden và Tổng thống T.Erdogan đã nhất trí rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đóng vai trò chính trong việc bảo đảm an ninh cho sân bay Kabul ở Afghanistan (Ca-bun, Áp-ga-ni-xtan) sau khi Mỹ rút binh sĩ khỏi quốc gia Nam Á này. Ðổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn có được các hình thức hỗ trợ nhất định của Mỹ về ngoại giao, hậu cần và tài chính.
Tổng thống Biden đã có cuộc hội đàm tích cực và mang tính xây dựng với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Ông bày tỏ tin tưởng quan hệ giữa hai bên sẽ đạt được những tiến bộ thật sự. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết, Washington và Ankara sẽ làm việc theo nội dung chi tiết mà hai bên nhất trí. Sau cuộc hội đàm, Tổng thống Erdogan cũng tự tin phát biểu rằng, không có vấn đề tồn đọng nào giữa Washington và Ankara mà không thể giải quyết.
Kỳ vọng về bước đột phá trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí giải quyết các bất đồng với thái độ xây dựng, đồng thời sử dụng hiệu quả các kênh đối thoại giữa hai nước để “hồi sinh” hợp tác song phương.
Những nhận định lạc quan đến từ hai phía cho thấy mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã được cải thiện đáng kể. Hai bên hy vọng “sóng gió” đã qua và một “bình minh mới” trong quan hệ sẽ giúp hai quốc gia đồng minh NATO tìm thấy sự đồng điệu hơn trong xử lý các vấn đề tồn đọng, vì lợi ích của cả hai bên.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/cung-co-loi-ich-dong-minh-651426/