Củng cố tin cậy chính trị, mang lại tầm vóc mới cho mối quan hệ, kiến tạo không gian hợp tác

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc và Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, có nhiều bài viết đánh giá cao vị trí của Việt Nam trong những cân nhắc chiến lược của Trung Quốc. Tờ báo dẫn đánh giá từ nhiều chuyên gia cho rằng chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình phản ánh thực tế là cả hai bên đều coi mối quan hệ song phương là quan trọng và đặc biệt.

Nguồn: AFP

Nguồn: AFP

“Lời hứa giữa chúng ta, cam kết của tôi”

Với tiêu đề “Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình tiếp sức sống mới cho mối quan hệ, củng cố sự tin cậy lẫn nhau”, bài viết trên Thời báo Hoàn cầu có đoạn: Vào cuối năm 2023, chính sách ngoại giao nguyên thủ quốc gia Trung Quốc hướng sự chú ý về Việt Nam. Ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Trung Quốc, thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12-13.12, chuyến đi được kỳ vọng sẽ vạch ra lộ trình cho sự phát triển trong tương lai của quan hệ song phương, tiếp thêm sức sống cho mối quan hệ, cho sự tin cậy lẫn nhau về chính trị và mối quan hệ hợp tác cùng có lợi.

Dẫn lại báo chí Việt Nam khẳng định “Chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sẽ tạo dấu mốc nổi bật và là điểm nhấn quan trọng nhân dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”, ông Shen Yi, giáo sư tại Đại học Phúc Đán, nói với Global Times: Đối với một nhà lãnh đạo cấp cao của một quốc gia, điểm đến của các chuyến thăm cấp nhà nước vào đầu hoặc cuối năm có những cân nhắc và ý nghĩa chiến lược.

Ông Shen cho rằng, việc Việt Nam trở thành điểm đến trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình vào cuối năm 2023 đã truyền tải một thông điệp rõ ràng: Trung Quốc coi trọng các nước láng giềng và những nước đã đáp lại thiện chí đối với nguyên tắc thân thiện, chân thành, cùng có lợi và toàn diện của Trung Quốc trong quan hệ với Trung Quốc.

Vào tháng 11.2015, ông Tập Cận Bình lần đầu tiên đến thăm Việt Nam với tư cách nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lời mở đầu của ông Tập Cận Bình là: “Đây là lời hứa giữa hai chúng ta, và cũng là cam kết của tôi, rằng sẽ có các chuyến thăm lẫn nhau của Tổng bí thư hai nước chúng ta trong vòng một năm”.

Hai năm sau, khi ông Tập Cận Bình đến Việt Nam lần thứ hai vào tháng 11.2017, lãnh đạo cấp cao của hai đảng và hai nước đã thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau hai lần trong ba năm. Và đó là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập sau Đại hội toàn quốc lần thứ XIX mang tính bước ngoặt của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngày 31.10.2022, Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình đón chính thức Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ nước ngoài tới Trung Quốc ngay sau khi kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chuyến thăm mới nhất, bắt đầu từ ngày 12.12.2023 là lần thứ ba hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng thực hiện chuyến thăm lẫn nhau trong khoảng một năm.

Như Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết vào ngày 1.12 trong chuyến thăm Hà Nội, hai Đảng và hai nước đã chứng kiến những trao đổi cấp cao chặt chẽ và liên lạc thường xuyên như “những chuyến thăm người nhân”, điều này thể hiện đầy đủ mối quan hệ giữa hai Đảng, mức độ cao và tính chất đặc biệt của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.

Kỳ vọng ở một tầm vóc mới, vị trí mới

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẽ mang lại cho cái nhìn toàn diện và khách quan về mối quan hệ song phương. Con đường tương lai của mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam rất rõ ràng. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của mình, đều coi quan hệ Trung Quốc-Việt Nam là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình và cả hai đều coi sự phát triển của nhau là cơ hội cho sự phát triển của chính mình. Như Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã chỉ ra, sự phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam phù hợp với lợi ích cơ bản của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho sự phát triển hưng thịnh của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. cũng như duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới, thúc đẩy phát triển và thịnh vượng.

Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng tốt, là bạn bè tốt, nối liền núi sông. Hai quốc gia, hai dân tộc cũng là những người đồng chí, đối tác tốt, có chung khát vọng và vận mệnh. Họ tạo thành một cộng đồng có ý nghĩa chiến lược với một số phận chung. Trong bối cảnh bối cảnh quốc tế đang thay đổi, tinh thần “bốn tốt”: láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt mà hai nước thiết lập từ năm 2000 vẫn không hề phai nhạt; thậm chí tinh thần này còn trở nên nổi bật hơn và sâu sắc hơn bao giờ hết. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ nâng tầm hơn nữa mối quan hệ “bốn tốt” giữa Trung Quốc và Việt Nam, tạo động lực mới cho sự phát triển ổn định và thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như mang lại sự chắc chắn và ổn định hơn cho tình hình đầy biến động của thế giới.

Kiến tạo không gian mới cho hợp tác

Ông Xu Liping, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc khẳng định với Thời báo Hoàn cầu: Mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam có lịch sử lâu đời, phản ánh tầm quan trọng và tính độc đáo của mối quan hệ song phương, khác biệt so với mối quan hệ với các nước khác.

Năm ngoái, hai Tổng bí thư đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về mở rộng trao đổi kinh tế và thương mại, kết nối đường sắt và hợp tác thương mại điện tử giữa hai nước.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này của ông Tập, hai bên dự kiến sẽ đạt được những đột phá trong một số dự án đã đạt được sự đồng thuận, như việc kết nối các tuyến đường sắt Trung Quốc - Việt Nam và nâng cấp tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Hai nước cũng được kỳ vọng sẽ đạt được những đột phá mới trên hàng loạt lĩnh vực như công nghệ cao, năng lượng xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường.

Trung Quốc từ lâu vẫn giữ vững vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường cung ứng hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc và lớn nhất trong ASEAN. Người dân hai nước đã thu được những lợi ích hữu hình từ mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước.

Nhưng dư địa hợp tác vẫn còn rất lớn. Như ông Xu Liping nhận định, Trung Quốc và Việt Nam có nhiều không gian mới để hợp tác trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao.

Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập được kỳ vọng sẽ mở rộng và thúc đẩy khai thác không gian hợp tác mới này trong một loạt lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại điện tử, công nghiệp kỹ thuật số và công nghiệp năng lượng xanh.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/cung-co-tin-cay-chinh-tri-mang-lai-tam-voc-moi-cho-moi-quan-he-kien-tao-khong-gian-hop-tac-i353938/