Cùng khách hàng tái sản xuất, kinh doanh

Dịch Covid–19 tác động toàn diện lên nền kinh tế, hàng nghìn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng. Tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, ngành Ngân hàng đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp cấp bách, đồng bộ, giúp giảm thiểu tác động của dịch bệnh và tái khởi động nền kinh tế.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp. ảnh:: Tư Liệu

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh giải đáp kiến nghị của doanh nghiệp. ảnh:: Tư Liệu

Thực tế, hoạt động ngân hàng cũng chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, hộ gia đình giảm; nguy cơ nợ xấu tăng do khách hàng không có nguồn trả nợ, công tác huy động vốn gặp khó khăn. Qua rà soát, toàn tỉnh có hơn 20.760 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với dư nợ trên 7.275 tỷ đồng, chiếm 33% tổng dư nợ tín dụng.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã ban hành 22 văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động nắm bắt tình hình, nghiêm túc áp dụng các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; điều chỉnh giảm mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và cho vay; cân đối nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của khách hàng; phối hợp với các huyện, thành phố, sở, ngành liên quan thực hiện các giải pháp xử lý rủi ro cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại; triển khai gói hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng, thực hiện miễn, giảm phí thanh toán điện tử; thiết lập đường dây nóng hỗ trợ khách hàng; khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, HTX, nhà đầu tư, ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng để thống nhất giải pháp hỗ trợ.

Trên cơ sở đó, các TCTD đồng loạt giảm lãi suất cho vay; mặt bằng lãi suất huy động giảm ở tất cả các kỳ hạn, bình quân giảm từ 0,6 – 0,75% và mặt bàng lãi suất cho vay giảm từ 0,5 – 3%/năm so với đầu năm. Các TCTD triển khai gói tín dụng hỗ trợ khách hàng vay vốn, như: Gói tín dụng ngắn hạn 5.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng dịch; gói tín dụng ngắn hạn 30.000 tỷ đồng cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường; gói tín dụng trung hạn 20.000 tỷ đồng cho vay nhà ở, sản xuất, kinh doanh. Triển khai cho trên 9.890 khách hàng vay mới ưu đãi lãi suất với doanh số đạt trên 2.322 tỷ đồng; cơ cấu lại hạn trả nợ cho 227 khách hàng với dư nợ 213,3 tỷ đồng; miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 37 khách hàng với dư nợ 32,7 tỷ đồng; giảm lãi suất cho trên 9.990 khách hàng với dư nợ trên 3.089 tỷ đồng. Toàn ngành Ngân hàng đã hỗ trợ cho 20.151 khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ trên 5.666 tỷ đồng, chiếm 77,9% dự nợ bị ảnh hưởng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, bàn các giải pháp hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của tỉnh và các doanh nghiệp, HTX; chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tăng cường tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp có thêm thông tin về tiếp cận nguồn vốn; mạnh mẽ hơn trong cơ cấu nợ, hạ lãi suất sâu hơn, kéo dài thời gian hơn, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh để phục hồi nền kinh tế.

BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202007/cung-khach-hang-tai-san-xuat-kinh-doanh-762364/