Cùng nhà nông phát triển kinh tế
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Từ 4 con dê giống ban đầu được hỗ trợ, hằng năm gia đình ông Lâm Ri ở ấp 9, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh đều bán 5-10 con
Hộ chị Lương Thị Tâm ở ấp 2, xã Lộc Thuận đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo trong năm 2019. Trước đây, hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn do bị bệnh và thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm trong sản xuất, chưa biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt nên hiệu quả kinh tế thấp. Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, từ năm 2016-2019, xã Lộc Thuận đã tạo điều kiện cho chị Tâm tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc dê sinh sản và cấp cho gia đình 4 con dê giống. Gia đình chị được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 25 triệu đồng để phát triển kinh tế và được xây tặng nhà đại đoàn kết. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của gia đình, cuối năm 2019 hộ chị Tâm đã vươn lên thoát nghèo. Chị Tâm xúc động: “Trong năm 2017, Nhà nước tặng gia đình tôi 1 căn nhà và 4 con dê giống. Bản thân học hỏi cách chăm sóc và lấy thức ăn, đến năm 2018 đàn dê đã phát triển lên 20 con. Gia đình bán 10 con, còn 10 con gầy để lấy giống. Giờ gia đình đã thoát nghèo, tôi mừng lắm”.
Gia đình chị Thị Diệp và anh Lâm Sai ở ấp 9 là hộ nghèo dân tộc thiểu số của xã Lộc Thuận. Khi mới lập gia đình ra tự lập, không có vốn sản xuất, không có nhà ở ổn định, anh chị đi làm cỏ thuê để trang trải cuộc sống. Năm 2017, hộ anh được cấp 4 con dê giống. Chăm sóc tốt nên năm 2018 đàn dê phát triển lên 20 con, kinh tế gia đình anh ngày càng ổn định hơn. Cũng trong năm 2018, gia đình được tặng căn nhà đại đoàn kết, anh chị bán bớt bầy dê để góp tiền xây nhà thêm khang trang và mua bò về chăn nuôi. Đến đầu năm 2020, gia đình anh đã thoát nghèo.
Cùng ở ấp 9, xã Lộc Thuận, gia đình ông Lâm Ri được hỗ trợ ban đầu 4 con dê giống từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã. Nhờ chăm chỉ làm ăn và chăm sóc đàn dê tốt, giờ gia đình ông cũng dần ổn định và vươn lên thoát nghèo bền vững. “Trước đây, gia đình rất nghèo khổ, đất đai không có. Nhờ Đảng, Nhà nước hỗ trợ dê giống, gia đình tôi gây đàn đến nay được 3 năm, năm nào cũng bán từ 5-10 con. Kinh tế phát triển, bản thân cũng cố gắng lao động, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nữa, để Nhà nước giúp những hộ nghèo khác” - ông Lâm Ri nói.
Từ năm 2015 đến nay, xã Lộc Thuận đã hỗ trợ đầu tư thực hiện 7 mô hình phát triển sản xuất, gồm: chăn nuôi bò, dê, gà, trồng măng tây, hệ thống nước tưới nhỏ giọt cho cây tiêu..., trong đó mô hình chăn nuôi dê sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó hỗ trợ 285 hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Với sự hỗ trợ về vốn, cây - con giống, kinh nghiệm sản xuất, nhà ở đúng đối tượng, cộng với ý chí tự lực vươn lên của từng hộ nghèo, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Lộc Thuận. Thời gian tới, xã tiếp tục tranh thủ mọi nguồn vốn để hỗ trợ giúp người dân thoát nghèo bền vững, phấn đấu đến năm 2025 toàn xã sẽ xóa 100% hộ nghèo.
H.Mỹ - T.Trang
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/cung-nha-nong-phat-trien-kinh-te-31611