Cùng nông dân làm nên những mùa vàng

Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do diễn biến bất thường của thời tiết, dịch bệnh, nhưng với sự nỗ lực của hệ thống trồng trọt và bảo vệ thực vật (TT&BVTV) trong công tác tham mưu, dự tính, dự báo sâu bệnh, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, chuyển đối cơ cấu cây trồng phù hợp… nên sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh năm 2020 vẫn đạt gần 289.500 tấn, vượt 11,35% so với kế hoạch; chất lượng nông sản ngày càng được nâng cao.

 Cán bộ Chi cục TT&BVTV hướng dẫn phòng trừ bệnh khảm lá hại sắn do virus tại huyện Hải Lăng - Ảnh: L.A

Cán bộ Chi cục TT&BVTV hướng dẫn phòng trừ bệnh khảm lá hại sắn do virus tại huyện Hải Lăng - Ảnh: L.A

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Bùi Phước Trang cho biết, chức năng của chi cục là đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành về sản xuất trồng trọt, giống cây trồng nông nghiệp, phân bón, thuốc BVTV, kiểm dịch thực vật… Để chủ động trong công tác phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ sản xuất cho 2 vụ lúa trong năm, ngay trước khi bước vào mỗi vụ sản xuất, Chi cục TT&BVTV tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành khung thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống hợp lý và các biện pháp thâm canh phù hợp với tình hình thời tiết. Hướng dẫn việc sử dụng thuốc BVTV hợp lý để hạn chế đến mức thấp nhất các đối tượng sâu bệnh gây hại trên cây lúa. Chỉ đạo trạm TT&BVTV các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào điều kiện thời tiết, đất đai của từng địa phương xây dựng cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp; tăng cường phối hợp với các địa phương trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và phòng trừ dịch hại hiệu quả; tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích.

Cùng với đó, lực lượng cán bộ của chi cục từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực bám sát đồng ruộng để tổ chức kiểm tra chỉ đạo sản xuất; sử dụng công cụ, thiết bị chuyên ngành hiệu quả, phục vụ tốt trong công tác dự báo thời kỳ phát sinh và phân bố của từng đối tượng dịch hại cây trồng qua từng thời kỳ sinh trưởng. Từ đó xây dựng phương án phòng trừ kịp thời, hiệu quả các loại sâu bệnh như chuột, ốc bươu vàng, rầy các loại, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn lá, nhện gié… Nhờ vậy, năm 2020, mặc dù diễn biến thời tiết, sâu bệnh gây hại khá phức tạp nhưng năng suất và sản lượng lúa vẫn đạt cao, thiệt hại do sâu bệnh gây ra dưới 3% tổng sản lượng.

Bên cạnh cây lúa, Chi cục TT&BVTV thường xuyên và kịp thời chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trên rau màu các loại, cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày như bệnh chết nhanh, chết chậm, ngập úng trên cây hồ tiêu; bệnh đốm dầu, ruồi đục quả trên cây chanh leo; sâu keo mùa thu trên cây ngô… Đặc biệt, bệnh khảm lá virus hại sắn lần đầu phát sinh trên địa bàn tỉnh từ giữa tháng 1/2020 với diện tích nhiễm hơn 424 ha nhưng với sự hướng dẫn kịp thời của cán bộ chi cục trong việc điều tra, phát hiện và xử lý theo đúng quy trình nên dịch bệnh đã được kiểm soát, không lây lan, đảm bảo an toàn cho hơn 10.000 ha trồng sắn toàn tỉnh. Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện mô hình “xây dựng vùng không nhiễm sinh vật gây hại và an toàn thực phẩm, sản xuất theo hướng hữu cơ trên cây hồ tiêu” trên diện tích 38 ha với 98 hộ tham gia. Thông qua mô hình đã giúp người dân thực hiện quy trình sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm an toàn có thể xuất khẩu đến các thị trường khó tính trên thế giới.

Trong công tác quản lý nhà nước, Chi cục TT&BVTV đã thực hiện tốt việc kiểm dịch thực vật nội địa; kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức hội thảo giới thiệu giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV; tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới về thuốc BVTV và phân bón cho các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Trong năm 2020 đã thực hiện 2 đợt điều tra, thu thập mẫu và phân tích, giám định các đối tượng dịch hại nông sản tại các trung tâm, cơ sở kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh với trên 1.500 tấn hàng hóa; 1 đợt kiểm dịch các đối tượng dịch hại thuộc diện kiểm dịch thực vật và bệnh khảm lá, rệp sáp bột hồng hại cây sắn trên địa bàn toàn tỉnh. Tiến hành 10 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 322 tổ chức, cá nhân hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, phân bón và giống cây trồng; lấy 15 mẫu thuốc BVTV đang lưu thông trên thị trường; qua kiểm định đã phát hiện 2 loại thuốc không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở kinh doanh 2 loại thuốc này. Đặc biệt, sau các đợt mưa lũ lớn cuối năm 2020, Chi cục TT&BVTV đã tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp; hướng dẫn bảo quản thuốc BVTV, phân bón an toàn, không để rò rỉ ra môi trường bên ngoài; yêu cầu các đơn vị cung ứng hoặc nhà sản xuất thu gom và vận chuyển các loại thuốc BVTV, phân bón bị ướt về cơ sở tái chế theo quy định.

Bên cạnh đó, Chi cục TT&BVTV còn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, các giống cây trồng mới… đem lại hiệu quả cao trong điều kiện diện tích đất sản xuất ngày càng thu hẹp. Cụ thể, đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức, địa phương liên quan rà soát, đánh giá hiện trạng 12 mã số vùng trồng chuối đã được cấp trên địa bàn huyện Hướng Hóa; gần 100 ha hồ tiêu được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Phối hợp với Công ty TNHH cây giống Bảo Nguyên tổ chức theo dõi, đánh giá các giống cây ăn quả triển vọng, từ đó đề xuất đưa giống cây bơ 034 và cây sầu riêng Monthong vào sản xuất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp triển khai mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích hơn 1.334 ha; liên kết “6 nhà” trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với quy mô 200 ha; liên kết với Công ty Nafoods Tây Bắc xây dựng mô hình trồng chanh leo xuất khẩu với diện tích trên 80 ha… Qua đó, đã góp phần giải quyết các “điểm nghẽn” trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy hình thức sản xuất trên cánh đồng lớn, tập trung, tích tụ ruộng đất.

Ông Bùi Phước Trang cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT các giải pháp để phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Phấn đấu diện tích cây lương thực có hạt đạt 53.800 ha, sản lượng trên 260.000 tấn. Xây dựng sẵn sàng các phương án bảo vệ an toàn cho các vụ sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên các cây trồng chính dưới 5% sản lượng. Duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, xây dựng các mô hình sản xuất mới, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ. Quản lý tốt vật tư nông nghiệp; tăng cường quản lý dư lượng thuốc BVTV tồn dư trên nông sản… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để chủ động phòng ngừa có hiệu quả các đối tượng dịch hại theo nguyên tắc “phòng bệnh là chính, trừ bệnh phải triệt để”. Tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM, 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu… Khuyến khích nông dân sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV sinh học, từ đó hướng tới một nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156134&title=cung-nong-dan-lam-nen-nhung-mua-vang