Cung thủ Ánh Nguyệt và hành trình ngoạn mục đến Olympic 2020
Cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt là một trong những cái tên nổi bật của thể thao Việt Nam cũng như Hà Nội trong năm 2019 khi giành vé trực tiếp tham dự Olympic 2020 đồng thời giành Huy chương vàng (HCV) tại SEA Games 30. Đối với cô gái này, đó chỉ là khởi đầu cho một chặng đường dài phía trước với những mục tiêu cao hơn. Ngày áp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cô gái người Hưng Yên này vẫn miệt mài tập luyện để thực hiện giấc mơ.
Từ bóng rổ đến bắn cung
Nữ cung thủ Hà Nội Đỗ Thị Ánh Nguyệt là trường hợp hiếm trong làng thể thao Việt Nam về thời gian tập luyện để chinh phục tấm vé dự Olympic. Có người mất vài năm, có người mất cả chục năm nhưng Ánh Nguyệt chỉ mất gần 2 năm tập luyện, bắt đầu từ những bài học vỡ lòng, để được vé góp mặt ở đấu trường Olympic.
Nhờ đó, cô cũng trở thành vận động viên đầu tiên của Hà Nội giành vé tham dự Olympic 2020, là cái tên liên tục được nhắc đến trong các buổi gặp mặt, tổng kết của ngành Thể thao Hà Nội dịp cuối năm 2019 và đầu năm 2020 này.
Con đường đến với bắn cung của cô gái sinh năm 2001 này thực sự bất ngờ với chính Ánh Nguyệt. Ban đầu, cô gắn mình với đội bóng rổ nữ trẻ của Hà Nội sau khi được Phó Trưởng bộ môn Bóng chuyền – Bóng rổ, phụ trách môn bóng rổ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội) Đào Văn Kiên trực tiếp tuyển chọn vào tháng 7-2016. Trong trí nhớ của ông Đào Văn Kiên, cô bé người xã Lạc Hồng (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) này có chiều cao khá tốt và nhanh nhẹn so với bạn cùng lứa.
“Thực sự, lúc ấy tuyển được những vận động viên từ tỉnh ngoài cũng là may mắn cho hệ thống đào tạo bóng rổ nữ Hà Nội. Tất nhiên, cũng phải thuyết phục gia đình thì Ánh Nguyệt mới có thể gia nhập đội trẻ Hà Nội” – ông Đào Văn Kiên nhớ lại.
Còn Đỗ Thị Ánh Nguyệt kể thêm rằng, bố mẹ cô cũng muốn con gái tiếp tục học văn hóa ở quê nhà dù kinh tế của gia đình còn vô số khó khăn. Tuy nhiên, cô không muốn bỏ lỡ cơ hội đi theo thể thao đỉnh cao nên đã cố gắng thuyết phục bố mẹ. Cuối cùng, bố mẹ cô cũng xiêu lòng, để cô con gái đi theo giấc mơ trở thành vận động viên thể thao thành tích cao.
“Tập thể thao chơi chơi thì thấy đơn giản. Nhưng đến lúc tập chuyên nghiệp mới thấy nghề vận động viên thực sự cực nhọc. Cơ bắp đau nhức vì những bài tập thể lực, người như rã rời sau mỗi buổi tập” - Ánh Nguyệt nhớ lại. Trong 7 tháng tập luyện sau đó tại đội bóng rổ trẻ nữ Hà Nội, Đỗ Thị Ánh Nguyệt cũng phần nào chứng tỏ được khả năng.
Thế nhưng, chính các huấn luyện viên ở đội bóng rổ Hà Nội lại nhìn ra những tố chất phù hợp với môn bắn cung của Đỗ Thị Ánh Nguyệt. Họ cho rằng, chiều cao 1m65 của cô bé này có thể không quá lý tưởng với môn bóng rổ nhưng lại có thể hữu ích nếu theo tập bắn cung.
Cho nên, họ mới liên hệ với huấn luyện viên của đội trẻ bắn cung Hà Nội để đưa Đỗ Thị Ánh Nguyệt đến với môn thể thao này. Đấy là quyết định không hề dễ dàng nhưng như những huấn luyện viên bóng rổ Hà Nội chia sẻ thì cần làm những điều tốt nhất cho thể thao Hà Nội chứ không phải là bóng rổ hay bắn cung Hà Nội.
Khi nhận lời đề nghị đến tập luyện ở đội bắn cung, chính Đỗ Thị Ánh Nguyệt cũng mất nhiều thời gian suy nghĩ. Thậm chí cô bé đã tính về nhà, rời bỏ hẳn môi trường thể thao đỉnh cao. Nhưng được các thầy, cô ở đội bóng rổ và cả bắn cung Hà Nội thuyết phục, động viên, Ánh Nguyệt cũng “thử” bắn cung cho biết. Ai dè, “thử” lại thành “thật”. Tập bắn cung một thời gian ngắn, cô bé đâm ra mê môn thể thao này.
Khi giành ngôi vô địch nội dung đồng đội nữ ở SEA Games 30, cô kể: “Cũng lạ là tôi có thể thích nghi với môn bắn cung khá nhanh chóng. Đang từ môn thể thao vận động liên tục như bóng rổ mà sang môn thể thao đòi hỏi sự kiên nhẫn, tĩnh lặng cũng là khó khăn. Nhung có lẽ, tôi có duyên với bắn cung nên mới gắn bó với nó và đạt được những cột mốc mà chính tôi cũng không ngờ”.
Phải nhìn về phía trước
Khi Đỗ Thị Ánh Nguyệt đến với bắn cung, các huấn luyện viên ở Hà Nội đã hướng cô vào nội dung cung 1 dây – vốn đòi hỏi tố chất kỹ thuật nhiều hơn hẳn so với cung 3 dây. Tất nhiên, để trụ được ở môn này, vẫn cần đến nền tảng thể lực cực tốt. Những người gắn bó với môn bắn cung kể lại, cây cung nặng khoảng 5kg nhưng lực kéo khiến cây cung nặng tương đương 17kg.
Mỗi ngày, các cung thủ phải bắn ít nhất 400 lần, không kể những lần giương cung để tập kỹ thuật. Rồi những ngày oi nóng, rét mướt đều phải tập ngoài trời khiến mỗi cung thủ phải có sức chịu đựng cũng như “độ lì”, độ kiên nhẫn để làm chủ đường bắn, thích nghi với tốc độ gió...
Tất cả để thấy không dễ thành tài ở môn bắn cung. Tuy nhiên, Ánh Nguyệt có tố chất với môn thể thao này nên thăng tiến vùn vụt, nhất là khi được các huấn luyện viên, các cung thủ giàu kinh nghiệm như Lộc Thị Đào ( cũng là vận động viên khác của Hà Nội) chỉ bảo, hỗ trợ...
Chỉ tập hơn 1 năm, Ánh Nguyệt đã được góp mặt ở đội tuyển quốc gia rồi sau đó là giành tấm vé dự Olympic 2020 tại vòng loại châu Á cũng như giành HCV nội dung đồng đội nữ ở SEA Games 30.
Trong đó, tấm vé dự Olympic 2020 của cô mở ra những cơ hội, tính toán mới tại đấu trường này cho thể thao Việt Nam cũng như Hà Nội. Như người trong nghề đánh giá, cô gái người Hưng Yên này đã có bước tiến ngoạn mục kể từ khi bén duyên với bắn cung từ cách đây 2 năm.
Như Ánh Nguyệt kể thì cô không ngờ lại sớm có được những thành công như vậy. Đó là sự khích lệ lớn lao dành cho cô, để có thể vững tin theo nghiệp vận động viên. Cũng nhờ có thành tích quốc tế mà cô có tiền thưởng để hỗ trợ gia đình và có một khoản để dành. Điều đó càng tạo thêm động lực cho cô và nhiều vận động viên khác.
Tất nhiên, không thể không kể đến sự đầu tư quyết liệt từ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội cho các vận động viên trẻ, tài năng có khả năng vươn đến tầm châu lục và thế giới. Giám đốc Trung tâm Đào Quốc Thắng kể rằng, ngay sau Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, Trung tâm đã giao các bộ môn chọn lọc những vận động viên trẻ có khả năng đạt thành tích tốt trong tương lai.
Bộ môn bắn cung Hà Nội đã tiến cử Đỗ Thị Ánh Nguyệt để rồi sau đó, cô và một số trụ cột khác của bắn cung Hà Nội được đi tập huấn tại Hàn Quốc, ở trung tâm huấn luyện bắn cung cùng đội tuyển Hàn Quốc – nền bắn cung hàng đầu thế giới. Trong thời gian tới, Ánh Nguyệt và các đồng đội sẽ tiếp tục được ngành thể thao Hà Nội cho đi tập huấn tại Hàn Quốc để nâng cao trình độ cũng như bản lĩnh.
Những ngày này, khi nhiều người đang bận rộn sắm Tết thì Đỗ Thị Ánh Nguyệt cùng các đồng đội vẫn mang cung tên đến trường bắn để tập ngày 2 buổi. Như cô tâm sự thì:“ Tôi còn cả một chặng đường dài trước mặt để có thể thực hiện những mục tiêu khác ở cấp độ Olympic, châu lục hay Đông Nam Á... Bản thân tôi cũng cần hoàn thiện rất nhiều về chuyên môn, bản lĩnh thi đấu nên vẫn phải trui rèn hàng ngày, hàng giờ”.