Cuộc chiến bảo vệ thần tượng trên mạng xã hội
Chuyên gia cho rằng hiếm nghệ sĩ nào công khai chấn chỉnh khi fandom xúc phạm người khác trên mạng xã hội. Thậm chí, có nghệ sĩ còn tiếp tay cho hành vi sai trái.
Ethan (đã đổi tên) bị hàng loạt người dùng Twitter nhục mạ sau khi nêu quan điểm trên báo: "Rapper nên nghỉ một năm thay vì sản xuất album mới".
Vào một sáng đẹp trời, Ethan thức dậy và hoảng hốt khi có rất nhiều email, tin nhắn được gửi đến chứa ngôn ngữ kỳ thị đồng tính, các meme được chỉnh sửa thành hình nghệ sĩ hip hop cầm súng kèm bình luận yêu cầu anh phải câm miệng.
Từ Twitter, dân mạng tràn qua Instagram quấy rối Ethan. Đỉnh điểm là bằng cách nào đó, địa chỉ nhà của Ethan đã bị công khai trên mạng xã hội.
Cách đổi tên người dùng không thể khiến Ethan ngăn chặn mối thù của dân mạng. Anh chỉ bớt áp lực khi chuyển tài khoản sang chế độ riêng tư và nhờ tờ báo xóa đoạn chia sẻ.
Theo South China Morning Post, đối với những nhà báo như Ethan, hành vi quấy rối của "Stan" - thuật ngữ bắt nguồn từ lời bài hát của Eminem mô tả người hâm mộ, sẵn sàng công kích người khác để bảo vệ thần tượng - là điều quá đỗi quen thuộc.
"Phản ứng quá mức để bảo vệ thần tượng"
Từ "Stan", Urbandictionary đưa ra định nghĩa rộng hơn là "Stan Twitter" - cộng đồng người dùng Twitter quá khích, thường chia sẻ ý kiến liên quan đến âm nhạc, phim ảnh, người nổi tiếng... Họ được chia làm 2 dạng: hoạt động như cộng đồng gắn bó, giúp nâng tầm nghệ sĩ và quyên tiền cho tổ chức từ thiện hoặc đàn áp những người phát ngôn ảnh hưởng đến nghệ sĩ.
Các báo cáo về hành vi quấy rối liên quan tới Stan Twitter trở nên thịnh hành vào năm 2016, khi Affinly Magazine nhận định rằng cộng đồng này đã biến "sân chơi mạng xã hội thành nơi của những kẻ bắt nạt".
Chiến dịch quấy rối thường được khơi mào bởi những phê bình, đưa tin sai lệch hoặc không công bằng về một thần tượng hay người nổi tiếng nào đó.
Emma A Jane - phó giáo sư tại Đại học New South Wales - cho rằng ngay cả khi nghệ sĩ được chuyên gia hoặc truyền thông góp ý với lời lẽ nhẹ nhàng, các thành viên fandom cũng sẽ nổi đóa.
Tháng 7/2020, người hâm mộ Taylor Swift đã chỉ trích và công khai thông tin cá nhân của biên tập viên thuộc ấn phẩm âm nhạc Pitchfork, chỉ vì người này chấm điểm 8/10 cho album Folklore.
Tháng 4/2019, Roslyn Talusan - nhà văn và nhà hoạt động chống hiếp dâm người Canada gốc Philippines - phản ứng gay gắt với Ariana Grande vì nữ ca sĩ nói rằng những nhà phê bình hoạt động không mục đích, lạc lõng giữa thị hiếu số đông. Talusan bức xúc viết: "Bạn hiểu các blogger/nhà văn là những người sáng tạo, đúng không? Chúng tôi không hát hoặc nhảy múa nhảm nhí để kiếm tiền. Chúng tôi không khiến nghề nghiệp của mình trở nên kém giá trị".
Trong một tweet khác, Talusan gọi giọng ca 7 Rings là "cô gái da trắng hư hỏng của Boca" (Grande sinh ra ở Boca Raton, bang Florida). Theo BuzzFeed News đưa tin, chỉ một lát sau, Talusan đã bị nhục mạ dữ dội, thậm chí đe dọa mạng sống.
Nhà văn 27 tuổi cảm thấy sốc vì sau khi đã giải quyết hiểu lầm với Grande, cô vẫn tiếp tục bị công kích. Talusan hy vọng Grande bớt thụ động trước tình trạng người hâm mộ thay mặt cô hành động trên mạng xã hội.
"Trải nghiệm này là sự bực bội quá mức, nhưng cũng không đáng ngạc nhiên", Talusan chia sẻ trên South China Morning Post. Những năm sau này, cô vẫn đọc được bình luận mang tính thù hằn đến từ cộng đồng fan Ariana Grande.
Người hâm mộ cũng là nạn nhân
Theo South China Morning Post, bản thân fan đôi khi cũng bị miệt thị nếu họ chê hoặc chỉ trích người nổi tiếng. Càng tệ hơn, nhiều trường hợp bị mang màu da, xuất thân và tính ngưỡng ra để cười cợt.
"Đặc điểm về danh tính của tôi (da màu, người Latin...) và xuất thân của người quấy rối tôi (da trắng, dân Mỹ bản địa) phản ánh hình dạng của việc tôi sẽ phải hứng chịu sự công kích ra sao", Stitch, phóng viên của Teen Vogue, nhận định.
Trong bài phỏng vấn trên Refinery29, Tiwa Omolade - người sáng lập trang blog văn hóa đại chúng South Sonder - nói rằng nhóm fan K-pop da màu, đặc biệt là nữ, luôn đau đầu với các vụ quấy rối. Họ cố chịu đựng từ ngữ đe dọa và tấn công dưới sự nhúng tay của những người hâm mộ khác.
Michelle Cho, giáo sư về văn hóa đại chúng Đông Á tại Đại học Toronto, nhận định hành vi xúc phạm người da đen diễn ra theo chu kỳ quen thuộc: Fan này chia sẻ lo ngại hoặc chưa hài lòng về thần tượng, những fan khác sẽ tức giận và lục đục nội bộ diễn ra.
Gần đây, kịch bản tương tự xảy ra trên ứng dụng Weverse khi thành viên nhóm Enhypen viết một từ chưa phù hợp, cộng đồng fan bắt đầu chia thành 2 luồng ý kiến. Một bộ phận đã thốt ra từ ngữ phân biệt chủng tộc nhắm đến thành viên có thái độ góp ý với nhóm nhạc K-pop.
Bertha Chin - giảng viên truyền thông và mạng xã hội tại Đại học Công nghệ Swinburne ở Sarawak, Malaysia - nhấn mạnh hiếm nghệ sĩ nào, đặc biệt là các ngôi sao nhạc pop sở hữu lượng fan hùng hậu, lại lên tiếng chấn chỉnh hành vi sai trái hoặc công kích người khác trong fandom mình. Thậm chí, có nghệ sĩ còn khơi mào cuộc kích động.
Hai năm trước, Lana Del Rey công khai đáp trả nhà phê bình album Norman Fucking Rockwell! của cô. Fan dựa vào điều này để quấy rối nhà phê bình kia, theo Los Angeles Times đưa tin.
Trường hợp khác vào năm 2018, một chuyên gia âm nhạc khi bình luận về định hướng nghệ thuật của Nick Minaj đã bị chính nữ nghệ sĩ và fandom của cô tấn công. New York Times tiết lộ rapper Bang Bang đã chỉ trích chuyên gia là "xấu xí và ganh tị".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chien-bao-ve-than-tuong-tren-mang-xa-hoi-post1264609.html