'Cuộc chiến' dầu mỏ

Saudi Arabia đã phát động một 'cuộc chiến' dầu mỏ với Nga sau khi Moscow từ chối tham gia kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu cùng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

SaSaudi Arabia là quốc gia dẫn đầu OPEC đã tuyên bố giảm giá dầu từ 6 đến 8 USD/thùng cho các khách hàng ở châu Á, châu Âu và Mỹ, đồng thời công bố kế hoạch tăng sản lượng đáng kể lên trên mức 12,3 triệu thùng/ngày vào tháng 4 tới bất chấp tình hình kinh tế thế giới suy thoái và nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm. Đáp trả động thái nói trên của Saudi Arabia, Nga cũng tuyên bố tăng sản lượng khai thác dầu.

 Một cơ sở sản xuất thuộc Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco của Saudi Arabia

Một cơ sở sản xuất thuộc Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco của Saudi Arabia

Quyết định này được Riyadh đưa ra sau khi OPEC không nhận được sự ủng hộ từ Nga về việc giảm khai thác sản lượng nhằm kiềm chế đà sụt giảm của giá dầu trên thị trường thế giới do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nga và các công ty dầu mỏ nước này đang ngày càng mất kiên nhẫn đối với những nỗ lực của OPEC trong việc cân bằng thị trường dầu mỏ.

Trong nhiều năm, Nga đã hợp tác với OPEC cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, mỗi lần cắt giảm lại buộc Moscow nhường lại thị phần cho ngành công nghiệp năng lượng của Mỹ. Mục tiêu của nhà lãnh đạo Nga là giành lại thị phần từ các nhà đầu tư dầu mỏ Mỹ. Bên cạnh đó, những "ông lớn" trong ngành công nghiệp dầu mỏ Nga lo ngại rằng, chính sách cắt giảm sản lượng mạnh tay hơn nữa sẽ làm doanh thu sụt giảm và khiến thị phần rơi vào tay các đối thủ khác.

Giá dầu thế giới đang trên đà lao dốc trong bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải công bố dịch bệnh này là đại dịch toàn cầu. Nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” toàn cầu suy giảm do các quốc gia đưa ra quyết định hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) lây lan. Giữa lúc này, cuộc chiến dầu mỏ do Saudi Arabia khơi mào càng khiến giá dầu chao đảo.

Hai cường quốc dầu mỏ Nga và Saudi Arabia đã tích lũy được tiềm lực tài chính khổng lồ có thể giúp họ vượt qua một "cuộc chiến" giá cả kéo dài. Đó là một cuộc chiến cân não, tuy nhiên, nếu không ai chịu nhượng bộ trong thời gian tới, cuộc chiến dầu mỏ chắc chắn sẽ khiến cả hai bên bị ảnh hưởng. Saudi Arabia đang có dự trữ ngoại tệ 500 tỷ USD và tỷ lệ nợ trên GDP thấp chỉ 25%, mang lại cho nước này nhiều tiềm năng đi vay.

Trên thực tế, Riyadh đã tăng nợ thêm trên 100 tỷ USD bằng ngoại tệ mạnh kể từ năm 2016 để bù đắp tác động của giá dầu thấp. Vấn đề đối với Riyadh là giá dầu thấp kéo dài nhiều khả năng sẽ hạn chế chi tiêu của chính phủ cho các dự án vốn là một phần trong nỗ lực của Thái tử Salman nhằm đa dạng hóa nền kinh tế vốn dựa nhiều vào lĩnh vực dầu mỏ của nước này. Trong khi đó, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nước Nga đã tích lũy được khoản dự trữ ngoại tệ trị giá 570 tỷ USD, cùng với chính sách đồng ruble linh hoạt, cho phép nước này nhanh chóng tiến hành các điều chỉnh theo diễn biến thị trường.

Theo các nhà phân tích, Nga đang ở trong vị trí tốt hơn nhiều để chống chịu với một cú sốc kinh tế so với thời điểm năm 2014, khi phương Tây đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt xung quanh sự kiện sáp nhập Crimea hoặc so với thời điểm 2008, khi Moskva hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Ngoài ra, dầu mỏ chỉ đóng góp 37% vào ngân sách Nga, còn Saudi Arabia là 65%. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để giúp cân bằng ngân sách nhà nước thì Nga cần giữ giá dầu ở mức 42,4 USD/thùng nhưng Saudi Arabia-quốc gia phụ thuộc nhiều vào việc bán dầu phải cần duy trì giá dầu từ 83,6 USD/thùng. Từ đó có thể thấy, việc duy trì giá dầu thấp trong thời gian càng dài sẽ khiến Saudi Arabia gặp nhiều khó khăn tài chính hơn so với Nga. Tuy nhiên, chắc chắn một "cuộc chiến" tiêu hao sẽ gây thiệt hại và buộc cả hai nước phải thực hiện những điều chỉnh khó khăn cho nền kinh tế của mình trong thời gian dài hơn.

Hoài Anh (t.h)

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/cuoc-chien-dau-mo-78447.html