Cuộc chiến trên không gian mạng
BPO - Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những giá trị to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ đối với cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo trực tuyến.
Bài 1:
“MA TRẬN” LỪA ĐẢO CÔNG NGHỆ
Lừa đảo trên không gian mạng không còn mới, nhưng luôn là vấn đề “nóng” bởi hình thức, chiêu trò, thủ đoạn liên tục biến hóa khó lường. Đối tượng lừa đảo thường xuyên nắm bắt các xu hướng, sự kiện, hoạt động mang tính thời sự, đánh vào tâm lý của nạn nhân để tạo thành “ma trận” dẫn dắt, lôi cuốn bị hại. Hiểu biết và tỉnh táo chính là “tấm khiên” bảo vệ bản thân trước cạm bẫy.
“Thả con săn sắt, bắt con cá rô”
Vẫn là thủ đoạn xây dựng mối quan hệ tình cảm cá nhân để tạo sự tin tưởng, các nhóm lừa đảo hướng tới phụ nữ nhẹ dạ cả tin, dễ dàng bị “đánh gục” trước những lời đường mật để dẫn dụ vào “cái bẫy” chúng đã lập sẵn.
Người dân đến Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh trình báo vụ việc bị tội phạm sử dụng công nghệ cao liên tiếp lừa đảo - Ảnh: Đoàn Dự
Mới đây, bà H.T.T ở phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài kết bạn với tài khoản facebook tên “Yadni Bentos” và hằng ngày, cả hai người thường xuyên nhắn tin qua lại. Khi bà T đã bị thao túng tâm lý, đối tượng bắt đầu khoe sự giàu có của mình, giới thiệu là nhân viên của một chính phủ quốc tế. Bố là người Việt Nam nhưng đã mất, để lại 600 ngàn USD và muốn gửi về Việt Nam để bà T đầu tư kinh doanh.
Để nhận được “món quà” này, bà T phải đóng phí và thuế cho nhân viên hàng không. Trong khoảng gần 1 tuần, bà T đã nhiều lần chuyển tiền với tổng gần 1 tỷ đồng đến các tài khoản của người tự xưng là nhân viên hàng không nhưng mãi vẫn không nhận được “quà”. Lúc này, bà T mới phát hiện mình bị lừa.
Đã có hàng trăm vụ lừa đảo diễn ra tương tự, hàng ngàn khuyến cáo từ cơ quan chức năng và đã có nhiều bài học từ người trong cuộc nhưng trước những món lợi khủng, nhiều phụ nữ nhẹ dạ cả tin vẫn dễ dàng bị “sập bẫy”. Tội phạm trên không gian mạng tận dụng triệt để thế mạnh của công nghệ nhằm tạo ra hệ thống lừa đảo giống như thật khiến nạn nhân dù đề phòng nhưng cũng khó nhận diện. Như trường hợp chị N.T.L ở ấp 6, xã Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài vừa vực dậy sau quãng thời gian dài bị stress vì tất cả tài sản phút chốc “bốc hơi”.
Đối tượng lừa đảo tiếp cận chị L qua Facebook và giới thiệu là nhân viên Công ty ACV. Ban đầu, chị L cũng có chút nghi ngờ nhưng nghĩ chỉ nói chuyện cho vui. Hằng ngày, đối tượng thả “mồi nhử” bằng những lời hỏi han tinh tế, thậm chí gọi cả video để chị L tin tưởng. Khi đã dẫn dụ được “con mồi”, đối tượng bắt đầu giới thiệu về việc công ty đang mở các gói đấu thầu dự án Sân bay Long Thành và mời chị L tham gia đầu tư qua website: wed.techc.top với cam kết lợi nhuận từ 3-13%, tùy gói đầu tư.
Sau đó, đối tượng gửi đường link và nói chị L tải ứng dụng (app) “Sân bay Long Thành” về đăng ký tài khoản và thử đầu tư vào các dự án trên app. Lần đầu chị L nạp 50 triệu đồng vào tài khoản trên app đầu tư thử với lợi nhuận 0,3%, thì hệ thống báo chị đã đầu tư thành công và chuyển tiền lãi cùng tiền gốc vào tài khoản ngân hàng của chị. Đầu tư dự án có lời và được chuyển khoản đầy đủ nên chị L tin tưởng tiếp tục nạp thêm tiền đầu tư và cũng được trả lãi rất nhanh.
Thấy đầu tư dễ, sinh lợi nhanh, chị L bắt đầu dốc hết tài sản và vay mượn thêm để đầu tư nhiều lần sau đó với tổng 2,8 tỷ đồng. Lúc này, chị L muốn rút tiền lãi và gốc thì đối tượng yêu cầu chị thực hiện nhiều bước gây cản trở. Sau đó chặn Facebook, chị cũng không thể đăng nhập vào app “Sân bay Long Thành”.
Theo các chuyên gia, trong các dạng lừa đảo qua mạng thì lừa đảo bằng hình thức lợi dụng tình cảm là khó đề phòng nhất. Bởi một khi đã chiếm được tình cảm của nạn nhân thì những kẻ lừa đảo rất dễ sai khiến, dẫn dụ.
Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh phát hiện các đối tượng thường xuyên sử dụng 7 phương thức, thủ đoạn để lừa đảo trực tuyến người dân trên địa bàn tỉnh như: Lừa đảo tham gia đầu tư sàn chứng khoán ảo, tiền ảo, đa cấp… sau đó khóa, đánh cháy tài khoản hoặc đánh sập sàn. Lừa đảo tình cảm, sau đó dẫn dụ đầu tư tài chính, làm nhiệm vụ online hoặc gửi tiền, quà có giá trị. Lừa đảo qua hình thức tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử, việc nhẹ lương cao. Giả danh cơ quan công quyền (công an, viện kiểm sát, tòa án, hải quan…), văn phòng luật sư, ngân hàng… gọi điện thoại đe dọa yêu cầu chuyển tiền hoặc hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa đảo. Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, sau đó giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện yêu cầu chuyển tiền. Lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân (thuê bao di động, VNeID, tài khoản ngân hàng…) để yêu cầu truy cập hoặc cài đặt ứng dụng độc hại…
Các hình thức lừa đảo trực tuyến nhắm vào nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, chủ yếu tập trung vào người cao tuổi, người có thu nhập thấp, nhất là phụ nữ (đối tượng đánh vào tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập từ các công việc trên mạng, không mất thời gian đi làm…), có cả trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hiểu biết cũng trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Trung tá NGUYỄN MINH HIẾU, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh
Liên tiếp bị lừa
Ăn theo các hình thức lừa đảo trực tuyến, trên mạng xã hội xuất hiện nhan nhản lời mời chào hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo. Vì vậy, nhiều người bị lừa lần một, sau đó tiếp tục bị lừa lần hai và nhiều lần khác bởi những hội, nhóm mạo danh lực lượng an ninh mạng, các văn phòng luật và ngân hàng. Các fanpage thường xuyên có nhiều bình luận đăng tải quảng cáo dịch vụ lấy lại được tiền bị treo, bị lừa đảo với thông tin mập mờ. Khi bị hại muốn lấy lại tiền đã mất thì phải bỏ ra một mức phí.
Như trường hợp bà V.T.T ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài vừa bị lừa hơn 1 tỷ đồng, sau đó tiếp tục dính bẫy dịch vụ “lấy lại tiền” và mất thêm hơn 300 triệu đồng.
Ban đầu, bà T tham gia gói đầu tư chứng khoán qua mạng. Trong khoảng 1 tuần, bà T đã chuyển khoản 9 lần vào các tài khoản ngân hàng do bộ phận “Chăm sóc khách hàng” của trang web bà đầu tư cung cấp. Tham gia đầu tư có lợi nhuận và rút được tiền nên bà T tin tưởng, tiếp tục đầu tư. Sau 15 lần chuyển tiền, bà T thực hiện rút gốc và lãi thì không thể rút được. Khi nghi ngờ bị lừa thì số tiền đầu tư đã lên đến gần 1,2 tỷ đồng.
5 ngày sau, bà T được các đối tượng liên lạc và giới thiệu làm bên tài vụ chuyên hỗ trợ giải ngân tất toán các tài khoản bị treo trên không gian mạng và cam kết lấy lại được tiền bị lừa đảo trên mạng. Đang như “chết đuối vớ được cọc”, bà T đồng ý ngay và làm theo các bước hướng dẫn muốn lấy lại tiền thì phải nạp phí. Tuy nhiên, sau nhiều lần nạp vào tài khoản của các đối tượng với số tiền hơn 300 triệu đồng, bà T mới biết mình bị chính các đối tượng lừa đảo đầu tư chứng khoán tiếp tục lừa đảo lần hai.
Những dự án đầu tư, những khoản lợi lộc tưởng chừng chỉ có trong mơ, vô lý, thế nhưng nhiều người vẫn nhẹ dạ cả tin dốc hết tài sản, vay mượn bằng mọi giá để có tiền đầu tư. Vì thế, các đối tượng lừa đảo có cơ hội “đào mỏ” cho đến khi bị hại cạn kiệt tài chính hoặc khi được người thân phát giác, cảnh báo thì mới dừng lại. “Đây là những câu chuyện rất nhức nhối. Chúng tôi tiếp nhận thông tin phản ánh, biết nạn nhân bị lừa số tiền lớn, nhưng để bắt được đối tượng lừa đảo không dễ vì tính ẩn danh của đối tượng rất cao” - Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh nhấn mạnh.
(Tên nhân vật đã được thay đổi)
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/15/164840/cuoc-chien-tren-khong-gian-mang