Cuộc chơi địa chính trị đẩy nhiều cường quốc tầm trung vào thế khó

Hợp tác thương mại toàn cầu đang xấu đi và thế giới đang chia thành hai khối thương mại 'dựa trên giá trị'.

Thương mại Trung Quốc - Australia đã bớt căng thẳng trong vài năm gần đây. Ảnh: Công Tuyên - PV TTXVN tại Trung Quốc

Thương mại Trung Quốc - Australia đã bớt căng thẳng trong vài năm gần đây. Ảnh: Công Tuyên - PV TTXVN tại Trung Quốc

Tạp chí The Conversation mới đây đăng bài viết của tác giả Peter Draper - Giám đốc điều hành Viện Thương mại Quốc tế, Đại học Adelaide – với tiêu đề “Liệu xung đột thương mại giữa Australia và Trung Quốc đã kết thúc? Câu trả lời nằm ngoài khả năng của Australia”. Nội dung chính của bài viết như sau:

Cuối cùng thì tôm hùm đá của Australia sẽ có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc sau một thỏa thuận mà hai bên đạt được bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Lào hồi tuần trước. Sẽ mất vài tuần để hoàn tất thủ tục giấy tờ, nhưng thực khách Trung Quốc có thể mong đợi được thưởng thức các loại hải sản chất lượng cao của Australia.

Bước đột phá này khép lại một chương đặc biệt tồi tệ trong quan hệ thương mại Australia-Trung Quốc. Thuế quan đối với tôm hùm đá là hạn chế lớn duy nhất còn lại trong hàng loạt rào cản thương mại do Trung Quốc áp đặt đối với Australia vào năm 2020.

Có thể người Australia đang muốn ăn mừng, nhưng họ cũng nên hành động thận trọng. Thương mại của Australia vẫn phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Liệu những bất ổn thương mại của Australia với Trung Quốc có thực sự kết thúc hay không, điều này có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của người Australia.

Quá trình đảo ngược “vận mệnh” của Australia

Quãng thời gian vài năm trở lại đây thực sự có những diễn biến bất ngờ đối với Australia. Chính quyền Thủ tướng Albanese đã chứng kiến Trung Quốc dỡ bỏ một cách có hệ thống các hạn chế xuất khẩu mà nước này áp đặt đối với Australia vào năm 2020 - bao gồm cả lúa mạch, rượu vang, thịt bò và hiện tại là tôm hùm - mà Australia không phải đổi lại bằng những nhượng bộ nào mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc.

Australia đã đình chỉ hai vụ kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến thuế Trung Quốc áp đặt đối với lúa mạch và rượu vang của Australia. Tuy nhiên, những vụ kiện đó có thể được khôi phục trở lại nếu Chính phủ Trung Quốc tiếp tục đưa ra với những động thái gây bất lợi cho thương mại của Australia.

Trong khi đó, thực tế là chính quyền của Thủ tướng Albansese đã không phản đối nỗ lực của Trung Quốc nhằm gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - một hiệp định thương mại tự do khu vực quan trọng mà Australia là thành viên sáng lập.

Việc mở cửa trở lại thương mại lần này có thể khiến mọi thứ có vẻ như trở nên sáng sủa hơn đối với Australia. Trong một số trường hợp, cộng đồng doanh nghiệp Australia đã hồi phục mạnh mẽ, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu rượu vang sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi nhìn xa hơn, chúng ta sẽ thấy trong tương lai gần, quyết định của các đồng minh chủ chốt của Australia – cụ thể là Mỹ – có thể quan trọng hơn quyết định của chính nước này.

Mỹ vẫn tiếp tục có động thái kiềm chế đối với hàng hóa xuất khẩu và đầu tư của Trung Quốc. Ví dụ, Mỹ gần đây đã áp thuế nhập khẩu 100% đối với xe điện do các công ty Trung Quốc sản xuất.

Căng thẳng gia tăng

Những căng thẳng này cũng đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông. Quan hệ đối tác "không giới hạn" giữa Trung Quốc với Nga đã khiến hầu hết giới tinh hoa châu Âu lo sợ. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga có khả năng không được thực thi hiệu quả nhờ năng lực công nghiệp hùng mạnh của Trung Quốc.

Không có gì ngạc nhiên khi lo ngại về an ninh kinh tế đang nhanh chóng làm lu mờ những cân nhắc về thương mại tự do ở Mỹ. Khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan giới thiệu Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022, ông đã áp dụng một cách tiếp cận hạn chế có chọn lọc mà ông gọi là "sân nhỏ, hàng rào cao". Ông đang đề cập đến việc kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư vào các sản phẩm công nghệ cao.

Từ đó, “sân” đã mở rộng hơn, và “hàng rào” cũng theo đó được nới rộng. Ngày càng có nhiều ngành và mặt hàng được đưa vào hỗn hợp này, từ an ninh năng lượng đến khoáng sản quan trọng, và đến sản xuất lương thực. Thách thức đối với công nghệ số - công nghệ có thể được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự - có nghĩa là “sân” ở đây có thể sẽ rất lớn.

Các vấn đề đối với cường quốc tầm trung

Australia là một cường quốc tầm trung, không có sức nặng kinh tế hoặc sức mạnh quân sự cần thiết để đối đầu với Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là Australia phải ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ – duy trì thẩm quyền của các tổ chức như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – để hạn chế hành động của các cường quốc và duy trì vị thế thương mại cởi mở của đất nước càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên, Washington ngày càng mong đợi các đồng minh của mình “nối gót”, tương tự như việc Canada áp thuế nhập khẩu 100% đối với xe điện do các công ty Trung Quốc sản xuất. Giống như Australia, Canada cũng là một cường quốc tầm trung. Canada cũng là một nước ủng hộ mạnh mẽ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ. Nhưng hành động của Canada lại đi ngược lại các quy tắc của WTO.

Hợp tác thương mại toàn cầu đang xấu đi và thế giới đang chia thành hai khối thương mại “dựa trên giá trị”. Mặc dù có thể có những bước tiến tích cực trong quan hệ thương mại song phương của Australia với Trung Quốc, song xu hướng trung hạn vẫn đang theo chiều hướng đi xuống.

Lê Đạt (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cuoc-choi-dia-chinh-tri-day-nhieu-cuong-quoc-tam-trung-vao-the-kho/350690.html