Cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử Mỹ đã bắt đầu

Hàng nghìn tỷ USD từ thế hệ baby boomer sẽ đến tay những người thừa kế ở Mỹ trong một cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất lịch sử nước này, khắc sâu thêm tình trạng bất bình đẳng.

Cuộc chuyển giao của cải giữa các thế hệ đang diễn ra ở Mỹ, và nó sẽ lấn át những lần chuyển giao trước đó, New York Times nhận định.

Trong số 73 triệu người thuộc thế hệ baby boomer, những người trẻ nhất đang bước sang tuổi 60, trong khi những người già nhất thế hệ này đã gần 80.

Sinh ra vào giữa thế kỷ XX tại Mỹ, thời điểm sự gia tăng tỷ lệ sinh diễn ra cùng lúc với sự phát triển vượt bậc sau thời kỳ suy thoái và Thế chiến II, những người thuộc thế hệ boomer đang dần qua đời với số lượng lớn hơn.

Hầu hết trong số họ sẽ để lại hàng nghìn USD, một ngôi nhà hoặc không nhiều của cải. Nhưng những người khác đang để lại cho người thừa kế của họ hàng trăm nghìn, hàng triệu hoặc hàng tỷ USD dưới nhiều loại tài sản khác nhau.

Năm 1989, nếu tính đến lạm phát, tổng tài sản gia đình ở Mỹ là khoảng 38.000 tỷ USD. Đến năm 2022, khối tài sản đó đã tăng gấp ba lần, đạt 140.000 tỷ USD.

Trong số 84.000 tỷ USD dự kiến được chuyển từ những người Mỹ lớn tuổi sang những người thừa kế Gen Y và Gen X cho đến năm 2045, 16.000 tỷ USD sẽ được chuyển giao trong thập kỷ tới.

Hưởng lợi từ bất động sản và cổ phiếu

Ngày càng có nhiều người thừa kế không cần đợi đến khi những người đi trước qua đời mới được hưởng lợi trực tiếp từ tiền của gia đình, do xu hướng “cho đi khi còn sống” ngày càng phổ biến.

Douglas Boneparth, cố vấn tài chính của công ty New York phục vụ cho thế hệ millenials giàu có, cho biết: “Đó không còn là ‘hiện tượng sắp xảy ra’. Đó chính là những gì đang diễn ra ngày nay".

 Thế hệ baby boomber được hưởng lợi từ việc bất động sản và chứng khoán tăng giá. Ảnh: Bloomberg.

Thế hệ baby boomber được hưởng lợi từ việc bất động sản và chứng khoán tăng giá. Ảnh: Bloomberg.

10% hộ gia đình giàu có nhất sẽ chuyển giao phần lớn của cải. Trong số đó, 1% giàu nhất - nắm giữ của cải tương đương 90% còn lại và chủ yếu là người da trắng - sẽ quyết định phần lớn nhất của dòng tiền. 50% hộ gia đình nghèo nhất sẽ chỉ chiếm 8% giao dịch chuyển nhượng tài sản.

Lý do chính khiến những khoản tiền sắp được thừa kế lớn đến vậy là cách thế hệ boomer được hưởng lợi lớn từ đà tăng trên thị trường tài chính và nhà ở.

Giá trung bình của một ngôi nhà ở Mỹ đã tăng khoảng 500% kể từ năm 1983, thời điểm hầu hết người thuộc thế hệ baby boomer đang ở độ tuổi 20 và 30 - những năm lý tưởng để lập gia đình.

Khi các công ty Mỹ phát triển thành những gã khổng lồ toàn cầu, những người đầu tư mạnh vào thị trường chứng khoán thậm chí còn thu được lợi nhuận lớn hơn. Từ đầu năm 1983, thị trường chứng khoán đã tăng hơn 2.800%.

Baby boomer là thuật ngữ dùng để mô tả những người sinh trong giai đoạn 1946-1964, thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh sau Thế chiến II. Trong khi đó, thế hệ thiên niên kỷ (thế hệ millennial hay Gen Y) là những người sinh ra từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990.

Gen X là thế hệ nằm giữa thế hệ baby boomer và Gen Y, sinh trong giai đoạn 1965-1980.

Thế hệ "bánh mì kẹp"

Tuy nhiên, việc chuyển giao của cải, giống với bất kỳ hiện tượng tài chính nào, sẽ có nhiều khía cạnh.

Nhóm người có thu nhập thấp hơn có thể chuyển đến ngôi nhà đã được cha mẹ trả hết nợ trong một thị trường nhà đất nóng - hoặc chỉ có thể nhận được một khoản tiền nhỏ vừa đủ trả nợ.

Nhiều người thuộc thế hệ millennials, Gen X và những người trẻ thuộc tầng lớp thượng trung lưu, dù được hưởng thừa kế, cũng sẽ phải vật lộn với những cơn đau đầu của “thế hệ bánh mì kẹp”. Họ sẽ cùng lúc phải đối phó với chi phí chăm sóc cha mẹ già và trẻ em.

Theo New York Times, nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thị trường tài chính, thị trường lao động và chính trị chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc chuyển giao tài sản này.

Jennifer Doherty, nhà báo 33 tuổi, sống ở thành phố Union cùng chồng con. Mặc dù cô đã lên kế hoạch tự lo cho cuộc sống của mình, cô vẫn muốn có cơ hội sống thoải mái với tài sản thừa kế từ người ông.

Tuy nhiên, cha cô đã phải sử dụng ngân sách gia đình nhiều hơn dự tính để chi trả phí y tế và duy trì lối sống. Do vậy, cô Doherty đã từ bỏ kỳ vọng mình sẽ nhận được khối tài sản thừa kế lớn.

Vào tháng 9/2022, mặc dù lãi suất thế chấp cao hơn, cô và chồng vẫn có thể mua căn hộ chung cư ở thành phố Union. Tại đây, giá nhà trung bình dao động ở mức gần 500.000 USD, tăng khoảng 50% kể từ hè năm 2020.

Hai vợ chồng chia sẻ họ cảm thấy hơi áp lực khi nằm trong “thế hệ bánh mì kẹp”. Cô Doherty gần đây thường phải đi lại giữa New Jersey và New Orleans “khoảng một tháng một lần” để chăm sóc người mẹ 74 tuổi, người bắt đầu điều trị ung thư tuyến tụy vào tháng 3.

Hồi tháng 2, giá vé máy bay tăng 26,5% so với một năm trước đó, trong khi chi phí thuê người chăm sóc là 1.800 USD/tháng. "Tôi không biết làm thế nào mọi người làm điều đó. Có vẻ như bạn phải giàu có hoặc thực sự may mắn”, cô nói thêm.

 Jennifer Doherty đang cảm thấy áp lực khi vừa chăm sóc con nhỏ lẫn mẹ già. Ảnh: New York Times.

Jennifer Doherty đang cảm thấy áp lực khi vừa chăm sóc con nhỏ lẫn mẹ già. Ảnh: New York Times.

Khi quá trình chuyển giao của cải diễn ra, các học giả và giới phân tích cho rằng nó sẽ khiến bất bình đẳng ngày càng trở thành trọng tâm của các cuộc tranh luận chính sách.

Joseph Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn RSM, cho rằng những thay đổi sẽ đến, nhưng chỉ khi nhóm người lao động được trả lương cao không còn đủ khả năng chi trả cho gia đình, nhà ở, chăm sóc người già và giải trí.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang hy vọng đẩy nhanh tiến độ của các chính sách công có liên quan đến việc giải quyết bất bình đẳng giàu nghèo.

Khoản ngân sách mới nhất được ông công bố đề xuất việc dùng doanh thu từ thuế tài sản hàng năm để bù đắp phần lớn chi tiêu cho các chương trình xã hội. Mức thuế tài sản dự kiến là tối thiểu 25% đối với các hộ gia đình có giá trị ròng từ 100 triệu USD trở lên.

David Kelly, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management, cảnh báo vấn đề không phải chỉ đơn thuần là đánh thuế tài sản của nhóm giàu nhất và chia nó cho những người khác, đặc biệt là vì thuế tài sản có thể bị tòa án coi là vi hiến.

Ông Kelly và nhiều người khác nhận định rằng mặc dù khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng có thể là điều không thể tránh khỏi, vẫn có thể tìm ra những cách thức sáng tạo hoặc tiết kiệm chi phí để nâng cao mức sống cơ bản.

“Câu hỏi thực sự không phải là ‘tại sao người giàu lại giàu’ hay phải làm gì với điều đó. Đó là câu hỏi ‘tại sao người nghèo lại nghèo’ và phải làm gì với điều đó”, ông nhận định.

Vân Đinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chuyen-giao-tai-san-lon-nhat-lich-su-my-da-bat-dau-post1431547.html