Cuộc đấu trí với 'giặc lửa', cứu nạn, cứu hộ thành công nhiều vụ cháy nghiêm trọng của chiến sỹ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an Thủ đô

Chạy đua với thời gian, băng qua 'biển' lửa cứu người bị nạn và tài sản, ngâm mình dưới đáy sông sâu buốt lạnh suốt ngày đêm tìm kiếm người gặp nạn dưới nước, hoặc trèo lơ lửng trên cao hàng chục mét đưa người tâm thần từ ngọn cột điện cao thế hay nóc nhà cao hàng chục tầng xuống đất an toàn... là những hình ảnh khắc họa rõ nét sự vất vả, nguy hiểm của người lính Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - CATP Hà Nội luôn phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ.

Lực lượng CNCH khu vực 4, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đu mình trên cột điện cao thế gần 30 mét để đưa người phụ nữ có dấu hiệu bị tâm thần xuống mặt đất an toàn

Lực lượng CNCH khu vực 4, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đu mình trên cột điện cao thế gần 30 mét để đưa người phụ nữ có dấu hiệu bị tâm thần xuống mặt đất an toàn

Xuất phát từ "mệnh lệnh của trái tim"

Nhắc đến người lính cứu hỏa Công an Hà Nội chúng ta liên tưởng ngay đến sự vất vả, nguy hiểm luôn tiềm ẩn trong từng vụ cháy phức tạp. Bao giờ cũng vậy, hình ảnh xuất hiện “chiếc xe màu lửa, sắc áo xanh sẫm” là người dân đều hiểu họ đến để cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

Hẳn chúng ta đều thấu hiểu, mỗi vụ cháy hay tai nạn, thiên tai, với lính cứu hỏa đó là một “cuộc chiến” không có trong kịch bản, phương án nào. Mà đó là sự thách thức về sự mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của người chỉ huy, chiến sĩ Cảnh sát PCCC - CNCH trực tiếp làm nhiệm vụ tại hiện trường, cũng như chỉ huy từ xa.

Vụ cứu nạn và hướng dẫn thoát nạn với số lượng người lớn chưa từng có lên đến 120 người, trong vụ hỏa hoạn xảy ra lúc 22h40 ngày 2-2, tại phòng ngủ một căn hộ ở tầng 24 tòa nhà HH3C - Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội mới đây thể hiện sự mưu trí của lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Các chiến sỹ làm nhiệm vụ gồm Trung úy Trịnh Đình Thắng, Đại úy Nguyễn Văn Sang, Trung úy Nguyễn Hoàng Minh, Trung úy Bùi Đức Nam, Đại úy Phạm Vũ Tú, thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai, CATP Hà Nội đã nỗ lực chạy đua với thời gian, đưa người dân từ các tầng cao tiếp đất an toàn trong sự hỗn loạn, hoảng sợ với nguy hiểm đe dọa tính mạng người dân và nếu không có sự chỉ huy linh hoạt, sáng tạo, chắc chắn sẽ gia tăng sự nguy hiểm. Thế nhưng, với sự nhạy bén trong khâu xử lý của CBCS vừa dập lửa, vừa cứu hộ và hướng dẫn thoát nạn đã mang đến sự bình tĩnh, an toàn cho hơn 100 người dân. Ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm sau khi được chiến sỹ Cảnh sát PCCC - CNCH đưa từ trên tầng cao hàng chục mét xuống sân tòa nhà an toàn tuyệt đối.

Trước đó, khoảng 10h05 ngày 25-1-2023, Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực 4, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội đã xử lý an toàn tình huống khẩn cấp, cứu một phụ nữ có dấu hiệu bị tâm thần trèo lên cột điện cao thế cao gần 30 mét.

“Chúng tôi vừa tiếp cận, vừa phải trấn tĩnh, đánh lạc hướng nạn nhân bởi lẽ với tinh thần đang bị kích động như vậy, sơ sẩy một chút rất dễ rơi xuống đất”, Trung tá Từ Quang Thuấn - Phó Đội trưởng Đội chữa cháy và CNCH - khu vực số 4, CATP Hà Nội cho hay.

Trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Mạnh Cường - Phó đội trưởng Đội chữa cháy CNCH - khu vực 4, phóng viên ANTĐ được biết 5h02 phút ngày 24-12, nhận được tin báo cháy tại phòng 1806, tầng 18, tòa nhà CT1 Văn Khê, phường La Khê, Thiếu tá Cường cùng đồng đội đã phối hợp với CAQ Hà Đông nhanh chóng đến hiện trường làm nhiệm vụ. "Khi có mặt, chúng tôi phân công các mũi công tác chạy bộ lên tầng 18. Khi phát hiện nạn nhân bị mắc kẹt là người cao tuổi, chúng tôi đã cõng họ xuống nơi an toàn và hướng dẫn những người khác thoát nạn" - Thiếu tá Cường chia sẻ.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cứu người thoát khỏi đám cháy chung cư ở quận Hà Đông

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cứu người thoát khỏi đám cháy chung cư ở quận Hà Đông

Mới đây nhất, vụ cháy xảy ra lúc 17h39 ngày 7-2, tại cơ sở kinh doanh massage phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội đã khiến 6 người mắc kẹt trên nóc tòa nhà 4 tầng. Có mặt làm nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên gồm Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, Trung úy Trần Minh Tuấn, Cán bộ tổ chữa cháy, Hạ sĩ Nguyễn Huy Hoàng, chiến nghĩa vụ, Binh Nhất Bùi Gia Huy, chiến sỹ nghĩa vụ đã nhanh chóng phối hợp với Đội chữa cháy CNCH khu vực 1, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội triển khai đội hình tìm kiếm cứu nạn. Khi xác định có 6 người mắc kẹt trên nóc tầng 4, tổ công tác đã nhanh chóng tiếp cận sử dụng mặt nạ phòng độc cho nạn nhân và đưa họ xuống nơi an toàn.

Hình ảnh của những người lính cứu hỏa, CATP Hà Nội không quản ngại nguy hiểm, lao vào đám cháy để giành lại sự sống cho người dân đã trở nên quen thuộc, được nhân dân Thủ đô mến yêu, ghi nhận. Trong tâm niệm của những người được cứu thoát khỏi sự nguy hiểm của "giặc lửa" luôn có hình ảnh của những người lính cứu hỏa CATP Hà Nội anh dũng, quả cảm.

Vượt mọi nguy hiểm, bảo vệ nhân dân

Trong cuộc gặp gỡ, thăm hỏi động viên những người lính cứu hỏa, đồng đội bị thương trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cảm động chia sẻ: “Những vết bỏng, thương tích trên người các chiến sỹ cưu hỏa thường xuyên xảy ra, nên hầu như chẳng ai nhớ đã bị từ khi nào. Các vết thương ấy cứ thế đắp chồng lên nhau trên thân thể người lính cứu hỏa và cứu nạn, cứu hộ. Bất kể ngày đêm, sự nguy hiểm cận kề, những người lính cứu hỏa CATP Hà Nội luôn trong tâm thế sẵn sàng chiến đấu, chiến thắng “giặc lửa”, chạy đua với thời gian để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Điều đó thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm và niềm vinh dự, tự hào của Cảnh sát PCCC và CNCH Công an Thủ đô".

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai cứu và hướng dẫn thoát nạn cho 120 người an toàn tại vụ cháy ở chung cư HH3C Linh Đàm

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai cứu và hướng dẫn thoát nạn cho 120 người an toàn tại vụ cháy ở chung cư HH3C Linh Đàm

Trong những vụ cháy, tai nạn trên cạn hay dưới nước, người lính cứu hỏa không thể biết trước được bên trong ngôi nhà, công trình bị cháy, hay gặp nạn đang chứa những gì. Mỗi lần thực hiện nhiệm vụ là một lần đối diện với hiểm nguy và chỉ cần sơ suất một chút, cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu nạn, cứu hộ có thể là nạn nhân.

Trung tá Vũ Hoài Nam, Đội trưởng Đội chữa cháy CNCH khu vực 4 - Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội cho biết: “Đáng sợ là khi bình gas, bình xăng, thùng đựng hóa chất phát nổ dưới sức nóng hàng nghìn độ C của lửa. Tình huống thường xuyên xảy ra trong các vụ cháy, nhưng khó đối phó là khi kết cấu của các công trình bị cháy rơi xuống hoặc đổ sập. Do vậy, khi tham gia cứu nạn, cứu hộ ở các vụ cháy, ngoài chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, đòi hỏi người lính cứu hỏa phải có khả năng phán đoán, cảnh giác cao độ để vừa dập lửa hiệu quả, vừa tránh được thương vong cho bản thân, đồng đội và nạn nhân… Tuy nhiên, dù đã hết sức cẩn thận và được trang bị bảo hộ, nhưng vẫn khó tránh khỏi tai nạn, thương vong xảy ra khi thực thi nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.

Ngoài sự hiểm nguy đó, không ít lần cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC - CNCH đối mặt với sự sống và cái chết, giữa trách nhiệm và tình yêu nghề để rồi tất cả họ đều lựa chọn sự hiểm nguy, quên mình vì nhân dân phục vụ. Nghề PCCC-CNCH tuy nặng nhọc, nguy hiểm, áp lực là vậy, nhưng các chiến sỹ Cảnh sát PCCC - CNCH không hề nản chí, ngày đêm làm việc với tâm thế, trách nhiệm cao nhất.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên cứu và hướng dẫn thoát nạn 6 người bị mắc kẹt trong đám cháy tại phường Việt Hưng

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên cứu và hướng dẫn thoát nạn 6 người bị mắc kẹt trong đám cháy tại phường Việt Hưng

Để giành được sự an toàn cho người dân trong các sự cố cháy, nổ hay tai nạn, mỗi cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội luôn phải tập luyện tổng hợp với tinh thần: “đổ mồ hôi trên thao trường để chiến trường bớt đổ máu”. Sự mưu trí, dũng cảm như tố chất của những người lính cứu hỏa, song nhiệm vụ “rèn cán, luyện quân” thường ngày như bơi, lặn, chạy, nhảy, leo trèo, khuân vác, cõng, cáng, học cách sơ cấp cứu… và học cả cách trấn an, thuyết phục đối tượng, nạn nhân, người nhà nạn nhân ở mọi tình huống là bài tập sống còn.

"Tôi đã tham gia hàng nghìn vụ diễn tập cũng như chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhưng trên thực tế không như lý thuyết, không như diễn tập, không có vụ cháy nào giống vụ cháy nào, nên người lính cứu hỏa cần vững chuyên môn, giỏi ứng biến, xử lý trước mọi tình huống bởi thiên thai, hỏa hoạn là muôn hình vạn trạng. Người lính cứu hỏa dù biết nguy hiểm, nhưng với chúng tôi chọn nghề và theo nghề là "mệnh lệnh của trái tim", để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân" - Trung tá Vũ Hoài Nam khẳng định.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuoc-dau-tri-voi-giac-lua-cuu-nan-cuu-ho-thanh-cong-nhieu-vu-chay-nghiem-trong-cua-chien-sy-canh-sat-phong-chay-chua-chay-cong-an-thu-do-post530647.antd