Cuộc đời vẫn đẹp sao

Không phải vì cách nhìn cuộc đời màu hồng mà chính sự yêu thương, sẻ chia và hy sinh đã khiến những nỗi nhọc nhằn, đớn đau trong Cuộc đời vẫn đẹp sao dường như đã được hóa giải đi rất nhiều.

Sau hơn 5 năm ngỡ đã chôn vùi mạng sống cùng sóng biển, Sơn, chồng Luyến, trở về một cách đầy bất ngờ. Niềm vui vỡ òa trong ánh mắt và cả sự e thẹn của người vợ từng ấy năm thờ chồng, nuôi mẹ và tìm mọi cách kiếm tiền để trả món nợ mua thuyền cho chồng đi biển năm xưa. Và, bà mẹ quê đã bật khóc nức nở, không thể tin đứa con bà đã lập bàn thờ, đắp nấm mộ, làm giỗ mấy lần trở về đây bằng xương bằng thịt trước mặt mình. Với Sơn, hạnh phúc đi liền với sự áy náy, bởi giờ anh đang đứng trước ngã ba đường, một bên là vợ mới đã có con gái, bên kia là vợ cũ cùng mẹ già bao năm hy sinh vì mình.

Sự hy sinh và tình người ánh lên trong Cuộc đời vẫn đẹp sao

Sự hy sinh và tình người ánh lên trong Cuộc đời vẫn đẹp sao

Xóm lao động nghèo nơi mẹ con Luyến ở, mưu sinh bằng nghề cửu vạn ở chợ đầu mối và bán bánh rán (bánh cam) dạo chỉ thấy sự chật chội, cơ cực. Những ngôi nhà trọ lụp xụp, vá víu chỉ đủ che nắng, che mưa. Nhưng, đối lập hoàn toàn với nó là sự bừng sáng của tình người. Luyến và mẹ chồng đã không còn là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Bởi, có người con dâu nào chấp nhận hy sinh tất cả thờ chồng, nuôi mẹ, kiếm tiền trả nợ từng ngày. Có chủ nợ nào như Luyến, Lưu về tận quê để bắt con nợ, nhưng rồi còn cho thêm tiền khi thấu hiểu gia cảnh. Nếu không có sự giúp đỡ của Lưu, của cô chủ hàng hoa quả, Luyến làm sao có đủ tiền, rồi bảo toàn được số tiền ấy trọn vẹn để trả hết số nợ bấy lâu nay.

Xóm trọ ấy nghèo về vật chất nhưng luôn ấm áp tình người, sự sẻ chia. Điều ấn tượng nhất của Cuộc đời vẫn đẹp sao, dẫu mỗi nhân vật một số phận, một tính cách, chẳng ai được vẹn tròn hạnh phúc nhưng cuộc sống của họ không bị bi kịch hóa như nhiều bộ phim truyền hình gần đây. Chất hài dân dã không chỉ mang đến tiếng cười, còn tạo điểm nhấn để làm vơi bớt cái nhọc nhằn kia. Sống trong bi kịch tưởng chừng có thể khiến họ gục ngã nhưng ai cũng giữ được sự thiện lương, ánh lên niềm lạc quan khi nhìn đời, nhìn người và cả niềm tin vào những điều tốt đẹp. Đó là cái nhìn bao dung, thánh thiện và đầy nhân văn.

Chất đời của bộ phim hiển nhiên đến từ lối xây dựng nhân vật, các tình tiết rất gần gũi, đâu đó có thể bắt gặp ở các xóm lao động nghèo giữa phố phường tất bật. Nhưng, những Luyến, Lưu, bà mẹ chồng… như bước từ đời lên phim bởi chính sự hy sinh cho vai diễn, người trong nghề vẫn gọi họ diễn như không diễn. Cả Thanh Hương, NSƯT Hoàng Hải, NSƯT Thanh Quý, Anh Thơ, Tô Dũng… dường như sinh ra là để dành cho nhân vật với lối diễn xuất tự nhiên, đa chiều.

Mới chỉ đi được 1/3 chặng đường, khán giả vẫn đang mong ngóng theo từng tình tiết của bộ phim để họ lại được cùng khóc, cười với nhân vật. Và, hiển nhiên ai cũng hy vọng cuộc đời của những con người sống nặng nghĩa, nặng tình ấy sẽ có một cái kết thật đẹp bởi họ xứng đáng với điều đó. Cuộc đời đẹp, đâu phải từ những gì lớn lao.

HẢI DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cuoc-doi-van-dep-sao-post686821.html