Cuộc đua chuyển đổi số ngành Ngân hàng vào chặng tăng tốc

Các ngân hàng đang bước vào giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số và cuộc cạnh tranh lớn sẽ diễn ra trên diện rộng. Điều này giúp người dân thụ hưởng các dịch vụ tốt hơn, nhưng để phát huy tốt những mặt tích cực và hạn chế các mặt trái, cần có sự đồng thuận từ phía cơ quan quản lý, các ngân hàng, đến người dân thụ hưởng dịch vụ.

Bài 1: Ngân hàng “tăng ga” chuyển đổi số

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2022, các ngân hàng thương mại cũng tung ra nhiều sản phẩm mới ứng dụng công nghệ số, cho thấy sự vào cuộc khá nhanh chóng trong giới ngân hàng thời gian qua và điều này đang tạo một bầu không khí khá nhộn nhịp trong hoạt động chuyển đổi số.

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp

Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2022 vừa được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành cuối tháng 6/2022 đã đưa ra các giải pháp khá cụ thể trong chuyển đổi số.

Theo đó, ngành ngân hàng sẽ có các kế hoạch thúc đẩy triển khai thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy nhanh quá trình phổ cập thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt theo hướng thuận tiện, dễ dàng và an toàn hơn, tạo nền móng phát triển giao dịch trực tuyến và kinh tế số. Một số giải pháp trong xây dựng nền tảng số và phát triển dữ liệu là xây dựng và ban hành kế hoạch sử dụng, hoặc dịch chuyển lên nền tảng điện toán đám mây; công bố danh mục dữ liệu mở, dữ liệu chia sẻ theo hình thức chia sẻ dữ liệu mặc định…

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

Ngoài ra, các ngân hàng cũng được xác định là đối tượng doanh nghiệp trong mục tiêu chuyển đổi số chung để đánh giá mức độ chuyển đổi số trong mối tương quan với các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực khác.

Cụ thể, một trong những kế hoạch đề ra của ngành ngân hàng là thực hiện xây dựng và ban hành Chương trình xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đối số doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những mục tiêu của giới ngân hàng để triển khai Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số…

Bộ chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp là một trong những nội dung đã được đề cập tại Quyết định số 1970 để đánh giá rộng rãi các doanh nghiệp trên toàn quốc nhằm đạt mục tiêu kép. Việc này vừa giúp từng doanh nghiệp xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số để có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp; vừa tạo được bức tranh tổng thể về chuyển đổi số doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp số trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, cũng như toàn quốc phục vụ công tác quản lý và chính sách phát triển.

Không khí chuyển đổi số tăng nhiệt

Không chờ đến khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 mà thực tế thời gian qua, giới ngân hàng đã nhập cuộc khá nhanh trong việc thực thi các ứng dụng, dịch vụ để thực hiện việc chuyển đổi số phục vụ khách hàng và doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm công nghệ và các vấn đề pháp lý liên quan, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu (data analytics), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, sinh trắc học, công nghệ tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), xác minh thông tin nhận biết khách hàng không gặp mặt trực tiếp thông qua phương tiện điện tử (e-KYC); QR Code; công nghệ tài chính (Fintech)…

Ưu tiên sử dụng các phần mềm đã được chuẩn hóa trong chuyển số

Trong đề án chuyển đổi số năm 2022, một trong những giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là triển khai hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp phát triển nền tảng số trong việc nghiên cứu, phát triển, sử dụng các nền tảng số xuất sắc, chất lượng cao. Các dịch vụ phần mềm đã được chuẩn hóa sử dụng cho phát triển chính phủ điện tử tại các bộ, ngành để xây dựng chính phủ điện tử tại Ngân hàng Nhà nước; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số cho ngành ngân hàng…

Thời gian qua, các hạ tầng dùng chung trong lĩnh vực ngân hàng như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thông tin tín dụng quốc gia liên tục được đầu tư, nâng cấp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới. Các ngân hàng cũng áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để tăng khả năng liên thông kết nối, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành ngân hàng, cũng như các lĩnh vực khác trong bối cảnh mới.

Theo nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tại một cuộc hội thảo về thanh toán không dùng tiền mặt diễn ra năm 2022, hoạt động thanh toán thường được Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng ưu tiên đầu tư nguồn lực để tập trung chuyển đổi số trước do giao dịch thanh toán vốn chiếm phần lớn trong các giao dịch ngân hàng. Thanh toán liên quan mật thiết tới cuộc sống thường nhật, thiết yếu của người dân và đóng vai trò cửa ngõ để kết nối thuận tiện với các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng - tài chính khác như tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn, bảo hiểm, quản lý tài chính cá nhân…, những dịch vụ ngoài ngân hàng như gọi xe, vé xem phim, dịch vụ y tế, giáo dục…

Ngoài việc tự thân chuyển đổi số, các hoạt động tài chính, tiền tệ cũng còn có những tác động gián tiếp làm “lan tỏa” hoạt động chuyển đổi số sang các ngành, lĩnh vực khác. Đánh giá của Công ty PwC đưa ra mới đây cho biết, thời gian qua lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng nhanh khiến các quỹ đầu tư tư nhân (PE) sẽ cần tận dụng nhiều hơn công nghệ đám mây và phân tích dữ liệu để tăng tốc, cung cấp thông tin tốt hơn cho các quy trình giao dịch, cũng như mở rộng hồ sơ đầu tư trong các lĩnh vực và các loại tài sản mới trong quá trình tìm kiếm lợi nhuận.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cuoc-dua-chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-vao-chang-tang-toc-109353-109353.html