Cuộc gặp khó khăn giữa lãnh đạo Anh và Mỹ

Việc hoãn cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Liz Truss và Tổng thống Mỹ Joe Biden từ khi người đứng đầu Nhà Trắng sang Anh dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II sang thời gian bà Liz Truss thăm Mỹ đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về sự mặn mà của phía Mỹ với cuộc gặp này.

Cuộc gặp đầu tiên giữa tân Thủ tướng Anh Liz Truss và Tổng thống Mỹ Joe Biden theo dự kiến diễn ra trong dịp tổ chức tang lễ cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II đầu tuần này tại Anh. Tuy nhiên cuộc gặp này đã bị hoãn cho tới phiên họp lần thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng Anh Liz Truss va Tỏng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: The Guardian

Thủ tướng Anh Liz Truss va Tỏng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: The Guardian

Nguyên nhân của việc trì hoãn này đến từ nhiều phía. Trước hết, từ phía Anh, một cuộc gặp Thượng đỉnh Anh-Mỹ vào thời điểm đó có lẽ là không thích hợp, bởi đó là quãng thời gian mà toàn bộ nước Anh đang dồn các nguồn lực lớn nhất về an ninh để đảm bảo tổ chức thành công tang lễ thế kỷ cho Nữ hoàng Elizabeth II, sự kiện lớn nhất mà nước Anh tổ chức trong nhiều thập kỷ qua.

Sự chú ý của toàn bộ giới truyền thông cũng như dư luận Anh khi đó cũng tập trung vào các hoạt động thăm viếng và tiễn đưa Nữ hoàng Elizabeth II. Bản thân chính phủ Anh cũng phải đón tiếp rất nhiều đoàn cấp cao các nước đến dự tang lễ. Do đó, một cuộc gặp thượng đỉnh Anh-Mỹ vào thời điểm đó là không thật sự thích hợp về mặt lễ tân và cũng không làm nổi bật được tầm quan trọng của cuộc gặp. Đó là nguyên nhân khách quan.

Tuy nhiên, giới phân tích tại Anh và Mỹ đề cập đến nhiều khía cạnh khác, đặc biệt là các khác biệt trong quan điểm của bà Liz Truss đối với mối quan hệ đồng minh đặc biệt Anh-Mỹ. Khi còn làm Ngoại trưởng Anh, trong lần gặp đầu tiên với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tháng 9/2021, bà Liz Truss từng lên tiếng hoài nghi về “mối quan hệ đặc biệt” Anh-Mỹ khi cho rằng bà không thấy có những minh họa hữu hình nào chứng minh rằng quan hệ Anh-Mỹ đặc biệt và độc nhất.

Bà Liz Truss khi đó cho rằng Vương quốc Anh còn có quan hệ thương mại với Canada, Nhật Bản và Mexico tốt hơn với Mỹ và Anh-Mỹ thậm chí còn xảy ra tranh chấp về thuế đánh vào thép nhập khẩu. Giới phân tích Anh-Mỹ nhận định, các quan điểm và cách thể hiện của bà Liz Truss khiến chính quyền Mỹ không thật sự mặn mà bởi việc một Thủ tướng Anh tỏ ý hoài nghi về mối quan hệ đồng minh đặc biệt vốn là trụ cột quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Vương quốc Anh kể từ sau Thế chiến II là điều mà chính quyền Mỹ không hài lòng.

Ngoài ra, ngay từ khi bà Liz Truss lên làm Thủ tướng Anh, chính quyền của ông Joe Biden cũng đã công khai phát đi cảnh báo rằng việc nước Anh đơn phương hành động trong vấn đề Bắc Ireland của Thỏa thuận Brexit sẽ có tác động tiêu cực đến các đàm phán thương mại Anh-Mỹ. Do đó, cả hai phía Anh và Mỹ đều tránh việc phải thảo luận một bất đồng lớn giữa hai bên ngay trong lần gặp đầu tiên giữa bà Liz Truss và ông Joe Biden vào lúc đang diễn ra tang lễ Nữ hoàng Anh Elizabeth II, một thời điểm mà các nước phương Tây, đặc biệt là khối các nước Anglo-Saxon cần thể hiện sự đoàn kết hơn bao giờ hết.

Vấn đề Ukraine trong mối quan hệ giữa Anh và Mỹ

Kể từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine tháng 2/2022, quan điểm của chính quyền Anh và Mỹ hầu như đồng nhất. Đây cũng chính là hai quốc gia phương Tây viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine và mang các quan điểm cứng rắn, chống Nga, theo đuổi việc leo thang quân sự rõ ràng nhất. Do đó, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đang chứng kiến các động thái mới rất nguy hiểm sau khi Nga tuyên bố huy động thêm 300.000 quân, chắc chắn các quan điểm của Anh và Mỹ cũng sẽ nhất quán.

Trong số các lãnh đạo phương Tây, Thủ tướng Anh Liz Truss có lẽ là một trong những lãnh đạo thể hiện các quan điểm cứng rắn nhất đối với xung đột này. Điều này phù hợp với chiến lược mà chính quyền của ông Joe Biden theo đuổi, đó là tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự mọi mặt cho Ukraine để kéo dài xung đột. Tuy nhiên, thái độ quá diều hâu từ phía bà Liz Truss, thể hiện trong thời gian bà làm Ngoại trưởng Anh, không phải lúc nào cũng khiến phía Mỹ hài lòng.

Giới phân tích nêu ra một số ví dụ, như khi bà Liz Truss hồi tháng 4/2022 có kêu gọi phương Tây triển khai một “kế hoạch Marshall mới” để tái thiết Ukraine, giống như khi Mỹ đã thực hiện với châu Âu sau Thế chiến II. Nhiều quan chức Mỹ tỏ ý không hoan nghênh các tuyên bố này khi cho rằng phía Anh chỉ mới chi ra rất ít tiền trợ giúp Ukraine so với Mỹ nhưng lại luôn thể hiện như là người đi tiên phong đưa ra các ý tưởng.

Ngoài ra, bà Liz Truss cũng luôn có xu hướng thúc giục phía Mỹ thực thi chính sách cứng rắn hơn nữa với Nga mà không quá bận tâm đến các rủi ro leo thang xung đột trực diện với Nga, điều mà chính quyền Mỹ luôn phải tính toán cẩn trọng về mặt chiến lược.

Về tổng thể, nhiều nhà phân tích tại Anh và Mỹ nhận định, tân Thủ tướng Anh Liz Truss thể hiện tầm nhìn đôi khi quá đơn giản, tư duy nhị nguyên theo kiểu “trắng-đen” quá rõ ràng trong khi cuộc xung đột Nga-Ukraine và đối đầu Nga-phương Tây hiện nay là khủng hoảng địa chính trị lớn nhất trong hơn 3 thập kỷ qua và tất cả các bên đều phải tiếp cận một cách thận trọng. Tuy nhiên, về cơ bản, chính sách về Ukraine của chính quyền bà Liz Truss không có nhiều khác biệt so với chính quyền của ông Joe Biden, do đó, vấn đề Ukraine sẽ là điểm kết nối quan trọng giữa hai bên.

Những khúc mắc về thương mại song phương

Theo các thông cáo báo chí do cả phía Anh và Mỹ đưa ra, trong cuộc gặp đầu tiên giữa bà Liz Truss và ông Joe Biden, vấn đề đầu tiên được cả hai đề cập là về Nghị định thư Bắc Ireland trong Thỏa thuận Brexit.

Ngay trong lời mở đầu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho biết muốn lắng nghe các ý kiến của bà Liz Truss về vấn đề Bắc Ireland. Điều này cho thấy chính quyền Mỹ đặc biệt coi trọng việc Anh giải quyết khúc mắc với Liên minh châu Âu trong vấn đề Bắc Ireland ra sao.

Điều này có hai lí do chính. Một, đó là Mỹ không muốn mâu thuẫn giữa Anh và EU trong vấn đề Bắc Ireland đe dọa đến Thỏa thuận “Ngày thứ Sáu tốt lành” trên đảo Ireland, có nguy cơ làm bùng phát trở lại các xung đột trên mảnh đất mà nước Mỹ có rất nhiều mối liên hệ về lịch sử và văn hóa này. Hai, Mỹ hoàn toàn không muốn Anh và EU xảy ra bất đồng nghiêm trọng vào thời điểm phương Tây cần đoàn kết hơn bao giờ hết để ứng phó với xung đột Nga-Ukraine cũng như khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Về vấn đề Hiệp định tự do thương mại Anh-Mỹ, cả ông Joe Biden lẫn bà Liz Truss đều tránh đề cập đến trong cuộc gặp đầu tiên. Về phía Anh, ngay trước chuyến đi đến New York, bà Liz Truss đã thừa nhận rằng sẽ không sớm có Hiệp định tự do thương mại Anh-Mỹ trong thời gian tới, dù chính quyền của ông Boris Johnson, trong đó bà Liz Truss giữ hai vị trí Bộ trưởng Ngoại thương và Ngoại trưởng, từng hứa hẹn rằng Anh và Mỹ sẽ đạt được Hiệp định tự do thương mại trong năm 2022, như là một bù đắp xứng đáng cho Brexit.

Trên thực tế, phía Anh nhận thức rõ ràng điều này là không khả thi trong bối cảnh hiện nay bởi thời gian qua không có bất cứ đàm phán nào giữa hai bên. Quan trọng nhất, chính quyền của ông Joe Biden không coi việc ký Hiệp định tự do thương mại với Anh là một ưu tiên bởi mối bận tâm của ông Joe Biden là bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ trước tiên.

Vào thời điểm 2016 khi Brexit diễn ra, chính quyền của ông Barack Obama, mà khi đó ông Joe Biden làm Phó Tổng thống, cũng từng tuyên bố rằng việc nước Anh lựa chọn Brexit sẽ khiến nước Anh xếp cuối hàng trong nhóm nước được Mỹ ưu tiên đàm phán thỏa thuận thương mại. Đó có lẽ là lí do mà chính bà Liz Truss là người đầu tiên thừa nhận khả năng không có Hiệp định tự do thương mại Mỹ-Anh trong trung hạn. Đó cũng là cách để bà Liz Truss chủ động giải tỏa sức ép từ phía Mỹ sau khi Mỹ phát cảnh báo rằng các đàm phán thương mại Mỹ-Anh sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu nước Anh hành động đơn phương trong vấn đề Bắc Ireland, với ngầm ý rằng chính quyền Mỹ không thể lấy thỏa thuận thương mại ra để tác động đến chính sách của chính quyền Anh về Bắc Ireland./.

Quang Dũng/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/cuoc-gap-kho-khan-giua-lanh-dao-anh-va-my-post957365.vov