Cuộc sống của người dân luôn bị ám ảnh về độc chất

Công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng, hóa chất, phụ gia thực phẩm đang được buôn bán, sử dụng tràn lan và bừa bãi. Độc chất là nỗi ám ảnh trên từng bữa ăn, len lỏi vào sự sống. Phải làm thế nào để hết sợ hãi với hóa chất thực phẩm vẫn đang là bài toán khó…

Đọc vị “hóa chất”

Theo thống kê, trong chợ hóa chất Kim Biên (quận 5, TP Hồ Chí Minh) có khoảng 10 cơ sở kinh doanh hóa chất là phụ gia, phụ gia thực phẩm, hóa chất thông thường; khu vực xung quanh chợ Kim Biên có gần 30 cơ sở kinh doanh hóa chất, trong đó có 24 cơ sở được Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất có điều kiện, các cơ sở còn lại kinh doanh hóa chất thông thường nên không yêu cầu phải có Giấy chứng nhận. Hóa chất được bày bán với nhiều ngành hàng (nông nghiệp, phụ gia thực phẩm, y tế, công nghiệp...) với nguồn gốc xuất xứ đa dạng từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan...

Hầu hết số hóa chất này được lưu giữ với số lượng không nhiều và được chứa trong các loại bình chứa nhỏ, không có nhãn mác rõ ràng, khó khăn trong việc xác định tên hóa chất, đơn chất hoặc hỗn hợp nhiều chất... Chính vì sự lẫn lộn, không sắp xếp theo thứ tự ngành hàng kinh doanh (thực phẩm ra thực phẩm, phụ gia theo phụ gia...) đã vô tình trở thành kẽ hở tạo nên những mối nguy hại khôn lường.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra cơ sở buôn bán hóa chất trong đợt ra quân tháng 10/2024.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra cơ sở buôn bán hóa chất trong đợt ra quân tháng 10/2024.

“Trên thế giới có thứ gì thì chợ Kim Biên có thứ đó. Ở đây không thiếu một loại hóa chất nào, quan trọng là cái tâm của người bán mà thôi”, tiểu thương chợ Kim Biên đã tự tin giới thiệu như thế. Cái tâm của người bán được hiểu đơn giản là ai mua loại nào bán loại đó, còn việc người ta mua để làm gì, làm như thế nào thì ai mà biết được. “Người mua phụ gia về nấu ăn trong các nhà hàng, người phục vụ việc sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm, cũng có người mua cho mục đích khác…”, ông L.V.M, chủ cửa hàng bán hóa chất chợ Kim Biên cho biết.

Thực tế cho thấy, không phải ai cần hóa chất cũng tới chợ Kim Biên hoặc tìm đến các cửa hàng có giấy phép kinh doanh để mua, mà hiện nay phần lớn người dùng tìm mua trên mạng. Hóa chất bán trên mạng được đảm bảo bằng… miệng và giao hàng qua shipper.

Từng có thời gian hơn ba năm mở quán nhậu ở TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), anh N.T.P (35 tuổi, quê Bình Thuận) thật thà kể: “Chất phụ gia để tẩm ướp, bảo quản thực phẩm là điều không thể thiếu trong một gian bếp của nhà hàng. Khi tôi bắt đầu có ý tưởng mở quán đã có người tới làm quen ngỏ ý cung cấp hóa chất phụ gia. Họ nói hóa chất được nhập qua đường tiểu ngạch nên rẻ hơn rất nhiều ngoài chợ. Trong suốt hơn ba năm làm quán, tôi chỉ giữ một mối nhập hóa chất đó. Vợ tôi bị dị ứng với một số hóa chất nên hay bị nhức đầu, buồn nôn khi pha chế, còn tôi thì hay bị lột da tay và ngứa. Lúc ấy mình làm ăn kinh doanh nên không quan tâm nhiều”. Khi dịch COVID - 19 quét qua, quán của anh P. không trụ nổi đã phải giải tán, cho đến bây giờ vẫn chưa hồi phục lại.

Làm nghề buôn bán, đặc biệt là thực phẩm, thức ăn, nước uống dù nhỏ hay to cũng đều phải dùng đến chất phụ gia thực phẩm. “Bây giờ chúng em cần loại nào cứ việc lên mạng mua, họ giao tận nhà, chứ có thời gian đâu mà đi tới chợ Kim Biên”, chị L.C.T (ngụ TP Dĩ An, Bình Dương) nói về việc mua hóa chất cho hàng quán của mình. Cũng giống như hầu hết những người bán hàng ăn, hàng uống, khi mua chất phụ gia thực phẩm, họ sẽ tự cân đối việc pha chế cho phù hợp mà không qua bất cứ một trường lớp hướng dẫn nào: “Chúng em làm nghề lâu năm, chỉ cần nhìn bằng mắt, đo bằng tay là biết đủ liều lượng”, chị T. chia sẻ.

Ngô Thị Như Huệ đã tuồn hàng tấn hóa chất độc hại ra ngoài thị trường.

Ngô Thị Như Huệ đã tuồn hàng tấn hóa chất độc hại ra ngoài thị trường.

Tiếp xúc với hóa chất độc hại lâu năm có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Chúng tôi hỏi chị T. Trả lời bằng giọng bình thản, chị T. cho biết: “Hại thì có hại, về lâu về dài nhưng nghề nào cũng có rủi ro, làm sao mà tránh được. Ban đầu em cũng bị dị ứng mùi hóa chất hay bị đau đầu, phải uống thuốc. Riêng mẹ em là không chịu nổi phẩm màu pha chế làm gia vị, mẹ từng bị say đến ngất xỉu. Em nghĩ do cơ địa của từng người”, chị T. lý giải quá trình pha chế, sử dụng hóa chất phụ gia.

Mối nguy khôn lường

Bác sĩ Đông y Trần Văn Khánh (Trung tâm nghiên cứu ứng dụng dược liệu cổ truyền TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc sử dụng các chất phụ gia không có trong danh mục cho phép và không đúng liều lượng ngoài việc hoàn toàn không có giá trị dinh dưỡng sẽ gây nên các trường hợp ngộ độc thực phẩm cấp tính. Mức độ nhẹ biểu hiện rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, gây dị ứng da làm nổi mụn, ngứa, phù. Mức độ nặng có thể dẫn đến tử vong. Sử dụng lâu dài và thường xuyên nguy cơ tích lũy chất phụ gia ăn vào trong cơ thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm khó chữa ở gan, thận, dạ dày, não.

Theo nghiên cứu của Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, bình quân mỗi sản phẩm thực phẩm bán ra thị trường có đến 6 - 7 phụ gia, thậm chí có sản phẩm đến 20 phụ gia. Nhưng hiện Việt Nam chưa có quy định một sản phẩm có thể bỏ được bao nhiêu loại phụ gia và tổng hàm lượng các loại phụ gia cho phép là bao nhiêu. Nên để an toàn, nhà sản xuất thường “gia cố” thêm các loại phụ gia cùng nhóm.

Chẳng hạn, để sản xuất 1 kg chả bò, phụ gia chống thiu ôi, độ dai quy định cho phép chỉ 10 mg, nếu bỏ vào 10,1 mg là quá mức cho phép. Nhưng cùng nhóm phụ gia đó, cùng chức năng chống thiu ôi, tạo độ dai… dưới những tên khác nhau, ít nhất có từ 3 - 5 loại. Nếu nhà sản xuất bỏ hết cả 3 chất chống thiu ôi với hàm lượng 10 mg/phụ gia, tổng cộng có đến 30 mg chất chống thiu ôi/sản phẩm, nhưng không vi phạm. Hoặc với loại bột nêm, cùng thương hiệu sản xuất ở nước ngoài rất nghiêm ngặt trong quy định về tổng hàm lượng phụ gia cho phép và tỷ lệ rất thấp, nên giá thành cao. Trong khi một gói bột nêm tại Việt Nam có mười mấy phụ gia và giá rẻ bằng 1/5 ở nước ngoài. Mua một sản phẩm, đọc thấy bao nhiêu thành phần là có bấy nhiêu phụ gia. Nên đừng nghĩ nhiều thành phần là hàng tốt.

Nếu như ngộ độc thực phẩm phải cấp cứu ngay thì ngộ độc hóa chất, phụ gia được biết đến là những bệnh mãn tính diễn tiến thầm lặng.

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy nhiều vụ ngộ độc thực phẩm quy mô lớn tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Vào đầu tháng 8/2024, Bệnh viện huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 5 trường hợp nghi ngờ ngộ độc hóa chất. Các bệnh nhân đều được chẩn đoán suy hô hấp, ngộ độc chất vô cơ và cần theo dõi ngộ độc Poly Aluminium Chloride (hóa chất có tác dụng làm tăng độ trong của nước, kéo dài chu kỳ lọc cũng như tăng chất lượng nước sau khi lọc). Trong đó, có 3 bệnh nhân nặng đặt nội khí quản thở máy, 2 bệnh nhân thở ôxy và tiếp tục được chuyển đến các bệnh viện tuyến trên điều trị. Qua khai thác tiền sử, các công nhân đang bốc xếp kiện hàng hóa chất thì ngửi thấy có mùi lạ làm đau đầu, lên cơn co giật toàn thể, tím tái, khó thở. Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực với chẩn đoán suy hô hấp, theo dõi ngộ độc khí.

Vào đầu tháng 5/2024 tại Đồng Nai ghi nhận 481 ca ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh). Cũng trong thời gian này, tại TP Hồ Chí Minh, 15 học sinh của 4 trường học trên địa bàn đã nhập viện với các triệu chứng ói, chóng mặt sau khi ăn cơm cuộn bán trước cổng trường. Khai thác bệnh sử, trước khi nhập viện có 10 em đã ăn sushi và 1 số em ăn bánh mì. Sau ăn các em đều xuất hiện triệu chứng ói, sốt nên được nhập viện cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhi bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, nghi ngờ ngộ độc thực phẩm.

Trước đó, thống kê của Sở Y tế Khánh Hòa cho biết tổng số người bị ngộ độc sau ăn cơm gà quán Trâm Anh, TP Nha Trang phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị là 367 người.

Theo bác sĩ Khánh, ngộ độc thực phẩm có thể do để đồ ăn quá lâu dẫn đến ôi thiu và sinh ra chất độc hoặc thực phẩm đã có sẵn chất độc. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác là nguyên liệu thức ăn bị nhiễm các chất hóa học, thực phẩm được nuôi trồng có nguồn nước, đất bị ô nhiễm nặng. Đồng thời cũng có thể xảy ra ngộ độc do bảo quản thức ăn không đúng quy định.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết vấn đề phụ gia thực phẩm có đúng tiêu chuẩn, có gây độc hại hay không luôn được người tiêu dùng quan tâm. Việc lẫn lộn giữa phụ gia thực phẩm và phụ gia công nghiệp vẫn luôn là vấn đề đáng lo ngại. Cần lập lại trật tự, đảm bảo sản xuất kinh doanh phụ gia thực phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Phải bán hàng nguyên đai nguyên kiện, đúng bao gói sẵn theo quy định, đầy đủ nhãn mác, không sang chiết lẻ để đảm bảo nguồn gốc.

Truy quét độc chất

Độc chất luôn là nỗi ám ảnh trong mỗi bữa ăn, khiến con người chưa bao giờ hết hoài nghi về an toàn thực phẩm. Hóa chất, độc dược còn được bán công khai, tràn lan, vô tội vạ, là một phần nguyên nhân gây ra những hệ lụy xấu trong cuộc sống. Trước thực trạng trên, Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quân mở đợt truy quét hóa chất không rõ nguồn gốc, không giấy phép kinh doanh. Theo đó, ngày 2/10, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hồ Chí Minh cùng Công an quận 5, Sở Công thương, Quản lý thị trường đã phát hiện nhiều sai phạm trong kinh doanh của các cơ sở kinh doanh liên quan hóa chất trên địa bàn.

Thùng hóa chất bị thu giữ.

Thùng hóa chất bị thu giữ.

Qua kiểm tra 6 cơ sở kinh doanh liên quan hóa chất có 3 cơ sở tồn tại một số vi phạm về sản xuất, kinh doanh hóa chất. Lực lượng chức năng thu giữ 125 chai, hũ chứa hóa chất dạng lỏng và 1 thùng hóa chất công nghiệp dạng viên nén (10kg). Tất cả đều nghi vấn là chất độc Xyanua.

Cùng thời điểm trên, Công an quận 5 cũng kiểm tra, phát hiện 2 cơ sở kinh doanh vi phạm về kinh doanh hóa chất. Theo đoàn kiểm tra, mặc dù không thuộc danh mục hóa chất cấm nhưng việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng Xyanua vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý hóa chất.

Riêng chất độc Xyanua là “thủ phạm” gián tiếp gây ra những vụ đầu độc dã man trong giải quyết mâu thuẫn, hiềm khích giữa con người với con người. Ngày 18/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Thành Huy (sinh năm 1989, quê Bình Định) và Ngô Thị Như Huệ (sinh năm 1985, ngụ quận 12) về tội Mua bán trái phép chất độc.

Theo điều tra, từ tháng 3/2023 đến thời điểm bị bắt, Huy bán hơn 100kg chất độc Xyanua cho hàng trăm khách tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có 16 trường hợp mua chất độc Xyanua để tự tử. Riêng Ngô Thị Như Huệ với vai trò là Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH hóa chất Nam Phương, đã tuồn ra ngoài, bán 2,55 tấn chất độc Xyanua.

Ngọc Thiện

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/cuoc-song-cua-nguoi-dan-luon-bi-am-anh-ve-doc-chat-i746839/