Cuộc sống lang bạt của nhóm thiếu niên liều lĩnh cướp xe máy của người đàn ông đồng tính
Cơ quan công an cho biết, 4/6 đối tượng trong vụ việc không gia đình, sống lang thang và mới chỉ ở trong độ tuổi vị thành niên.
Ngày 4/3, thông tin từ Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, cơ quan CSĐT đã ra Quyết định khởi tố vụ án "cướp tài sản" xảy ra vào rạng sáng 21/2. Nạn nhân trong vụ việc là ông N.V.Đ, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Danh tính nhóm đối tượng được xác định là Đỗ Hoàng Anh (SN 2000), trú tại phường Thống Nhất, TP Lào Cai; Phạm Văn Duy (SN 2000); trú tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; Nguyễn Văn Tân (SN 2005) trú tại xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình; Hoàng Công Tấn (SN 2004) trú tại xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; Hà Văn Quyến (SN 2004), trú tại xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ và Phan Văn Hùng (SN 2005), trú tại xã Cao Thắng, huyện Lương Sơn, Hòa Bình.
Quá trình điều tra của Công an quận Nam Từ Liêm xác định, Đỗ Hoàng Anh, Phạm Văn Duy, Nguyễn Văn Tân, Hoàng Công Tấn, Hà Văn Quyến và Phan Văn Hùng là các đối tượng lang thang không có chỗ ở, nghề nghiệp. Để có tiền mưu sinh và chơi game thâu đêm tới sáng, nhóm này rủ nhau hoạt động "kích dục" cho khách nam tại khu vực vườn ổi, trên đường Phạm Hùng, đối diện bến xe Mỹ Đình. Thời gian làm việc của nhóm từ 20h hàng ngày, đến rạng sáng hôm sau.
Chiều 20/2, do hết tiền nên Hoàng Anh đã rủ Duy, Tân, Tấn, Quyến và Hùng đi cướp tài sản của khách đến kích dục tại khu vườn ổi. 1h sáng 21/2, ông N.V.Đ tìm đến đây và đi qua vườn ổi chỗ nhóm của Hoàng Anh đang đứng.
Cả nhóm nhận ra ông Đ là khách quen, đã từng đến kích dục tại đây nên Hoàng Anh chỉ tay vào xe máy của ông Đ và bảo cả nhóm: "xe này bán được tiền đấy, đi cướp đi". Hoàng Anh chỉ đạo Quyến ra gạ ông Đ kích dục để đánh lạc hướng, còn nhóm Hoàng Anh áp sát khống chế, cướp tài sản.
Thực hiện kế hoạch đã phân công, Quyến tiến đến nơi ông Đ đang đỗ xe trên vỉa hè, gạ kích dục với giá 50.000 đồng. Ông Đ đồng ý, dắt xe máy cùng Quyến đi vào đoạn đường mới mở cách đó khoảng 20m.
Hoàng Anh, Duy, Tân, Tấn và Hùng đứng ngoài bàn nhau thống nhất để Quyến "làm việc" với ông Đ một lúc, sau đó cả nhóm vào cướp xe máy và tài sản của ông Đ.
10 phút sau, Quyến vẫy tay ra hiệu cho nhóm Hoàng Anh đi vào và đứng sau ông Đ. Hoàng Anh cởi áo khoác ngoài đang mặc, trùm vào đầu ông Đ, rồi cả nhóm đè ông Đ nằm ngửa xuống đường. Hoàng Anh giữ áo trùm đầu bị hại, còn Duy, Tân, Tấn, Hùng và Quyến đè, giữ chân tay của ông Đ.
Ông Đ hô "cướp, cướp !" thì Quyến, Hùng và Tân hoảng sợ nên bỏ chạy theo hướng đường mới về Đình Thôn. Còn Hoàng Anh, Duy vẫn đè giữ ông Đ dưới đất. Tấn lục soát trong quần, áo ông Đ nhằm tìm tài sản.
Duy nhìn thấy chiếc xe máy của ông Đ đang cắm chìa khóa nên chạy ra nổ máy, điều khiển chiếc xe đón Quyến, Hùng, Tân. Trên đường đi, Duy dừng xe mở cốp kiểm tra thấy bên trong có 2 chiếc ví, 1 ví bên trong có 500.000 đồng và 1 ví có 10 triệu đồng. Duy lấy hết tiền trong chiếc ví 10 triệu đồng rồi vứt đi, sau đó đi đón Tấn và Hoàng Anh.
Lúc này, ông Đ thấy Duy đã lấy xe máy bỏ đi, đã tự lấy số tiền 340 nghìn đồng giấu trong người ra đưa cho Tấn và xin cả nhóm Hoàng Anh đừng lấy xe máy. Tấn cầm tiền rồi lục lấy thêm được 1 chiếc điện thoại Nokia trong túi quần của ông Đ... Nhóm tội phạm đã bán xe của ông Đ, rồi chia nhau tiền tiêu xài. Đến đêm 29/2, cả nhóm bị các trinh sát Đội Cảnh sát Hình sự và Công an phường Mỹ Đình 2 tóm gọn.
Theo cơ quan công an, 4/6 đối tượng trong vụ việc mới chỉ ở trong độ tuổi vị thành niên. Không học hành, không gia đình, sống lang thang và có nhận thức pháp luật rất hạn chế. Những đứa trẻ vị thành niên trong vụ cướp đều không học hành đến nơi đến chốn và thiếu sự quan tâm của bố mẹ. Các đối tượng thường bỏ đi nhiều ngày, lấy những quán game làm nơi "tá túc" và hậu quả đau lòng đã xảy ra.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư La Văn Thái, Giám đốc công ty Luật Tầm nhìn & Thịnh vượng cho biết: Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 về tội cướp tài sản:
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm…
Về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, theo luật sư Thái, tại Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 quy định:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…
Luật sư Thái cũng dẫn giải, theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 60%); từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 30%.
Nguyên nhân ban đầu là do tâm lý tiêu cực tuổi vị thành niên. Giai đoạn tuổi từ 13-17, tâm lý trẻ có những biến đổi đặc biệt và không ổn định; trẻ có xu hướng muốn khẳng định mình, muốn thoát ra khỏi sự bao bọc của gia đình và thể hiện bản thân. Ở độ tuổi này, trẻ dễ bị kích động, thiếu kiềm chế và thể hiện sự liều lĩnh của bản thân để chứng tỏ mình hơn người.
Ông Thái cũng lưu ý một nguyên nhân khác đang diễn ra trong xã hội là hiện tượng ly hôn tràn lan. Những đứa trẻ sống trong gia đình chỉ có cha hoặc mẹ, không được chăm sóc đầy đủ, quan tâm đúng mực thường dễ sa ngã, bị dụ dỗ phạm tội.
"Trẻ vị thành niên đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần nên phần lớn chưa tự làm chủ được bản thân, dễ bị lôi kéo, kích động. Với đặc điểm tâm lý lứa tuổi ở giai đoạn này, khả năng phân biệt và nhận thức đúng, sai, hợp lý và không hợp lý còn rất hạn chế. Hơn nữa, nhu cầu học theo, bắt chước những gì các em thấy thông qua bạn bè, mạng xã hội khiến hành vi và nhận thức càng khó kiểm soát. Nếu không được giáo dục một cách toàn diện, lại sớm phải va chạm với thực tế cuộc sống khó khăn, dễ dẫn các em vào con đường phạm tội", Giám đốc công ty Luật Tầm nhìn & Thịnh vượng chia sẻ.