Cuộc sống mới sau lũ, bão của người dân ở khu tái định cư bản Chiềng

Văn hóa và Đời sống - Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng bà con ở khu tái định cư bản Chiềng, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa đã yên tâm vì không còn nơm nớp khi mỗi mùa mưa, bão về.

Khu tái định cư của bà con bản Chiềng, xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa.

Chiều dần buông, ánh đèn điện bắt đầu thắp sáng trong mỗi nếp nhà trên khu tái định cư mới bản Chiềng. Ở ngoài khu đất rộng, người dân trong bản đang chơi bóng đá, bóng chuyền nhộn nhịp một góc bản.

Trưởng bản Chiềng - anh Phạm Bá Liều (34 tuổi), là một người sôi nổi, nhiệt tình. Đưa chúng tôi dạo quanh một vòng trong bản, anh kể về cuộc sống của gia đình anh cũng như bà con bản Chiềng khi về nơi ở mới.

Về nơi ở mới, cuộc sống của người dân bản Chiềng đã ổn định, hoạt động thể dục - thể thao sôi nổi hơn bởi quy hoạch được nơi xây dựng sân bóng chuyền, bóng đá.

Trưởng bản Phạm Bá Liều cho biết: Năm 2018 được Đảng, Nhà nước và các “mạnh thường quân” hỗ trợ, 45 hộ dân ở bản Chiềng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, có nhà sập, nhà có nguy cơ sạt lở, đều đã được về nơi ở mới.

Được sống trong ngôi nhà mới bà con phấn khởi hơn, có điện thắp sáng, có nguồn nước ổn định. Tuy nhiên tại đây bà con không tránh khỏi khó khăn như luồng, nứa, vầu, nan làm ra chưa có nơi tiêu thụ dẫn đến giá cả rẻ và không ổn định.

Trưởng bản Chiềng Phạm Bá Liều dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ dân trong bản tái định cư.

Ghé thăm gia đình chị Phạm Thị Quốc (32 tuổi) ở khu tái định cư mới bản Chiềng, chị cho biết: Gia đình có 5 khẩu, năm 2018 do bị ảnh hưởng của thiên tai, nhà cửa bị hư hỏng, thiệt hại, cũng như nhiều hộ dân khác ở bản Chiềng, gia đình chị được hỗ trợ xây dựng nhà mới ở khu tái định cư.

Hiện nay cuộc sống của gia đình chị đã ổn định, chủ yếu làm nông nghiệp, mỗi năm thu hoạch được khoảng 20 bao lúa, ngoài ra trồng thêm sắn, khai thác luồng, thu nhập cũng đủ trang trải cho cuộc sống.

Chị Phạm Thị Quốc chia sẻ về cuộc sống mới ở khu tái định cư.

Trưởng bản Phạm Bá Liều cũng vui mừng chia sẻ với chúng tôi, năm 2020 bản Chiềng được xã Trung Sơn chọn làm điểm chỉ đạo trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới bản còn gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ, đảng viên trong bản đã gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua; Nhân dân tự nguyện đóng góp công sức, tiền của xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà văn hóa, sân bóng chuyền; các tuyến đường giao thông nội bản đều đã được bê tông hóa.

Bản Chiềng là bản thứ 2 trên địa bàn xã Trung Sơn đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 và tổ chức lễ công nhận đạt chuẩn vào ngày 24-1-2021.

Bản Chiềng là bản thứ 2 trên địa bàn xã Trung Sơn đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Hoàng Hải

Bản Chiềng có 4 dân tộc cùng sinh sống là dân tộc Thái, Mường, Tày và Kinh. Đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm - thủy sản, thương mại, dịch vụ, đặc biệt là trồng luồng khai thác lâm sản. Bản chỉ còn 8 hộ nghèo. Bộ mặt nông thôn mới ở bản Chiềng đang khởi sắc từng ngày.

Trưởng bản Liều trăn trở, hiện nay bản Chiềng cũ còn 69 hộ cách khu tái định cư mới khoảng 2 cây số, trong đó vẫn còn 15 hộ đang sinh sống dọc con sông, suối có nguy cơ sạt lở. Hầu hết các hộ dân đều sống rải rác, mặt bằng xây dựng nhà mới không có vì nhiều đồi, dốc đứng.

Bà con bản Chiềng cũ mong muốn được lên ở khu tái định cư mới để thuận tiện cho việc xây dựng lại nhà cửa, được gần anh em, bạn bè và người thân, đồng thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của bản cũng dễ hơn.

Mỗi lần có cuộc họp, một số bà con bản Chiềng cũ lên nhà văn hóa bản tái định cư họp, có người không biết đi xe máy, đi bộ xa và vất vả hơn.

Xuất phát từ thực tế đó, bản và xã đã có tờ trình lên các cơ quan cấp trên xin chủ trương quy hoạch lại đất ở khu tái định cư mới cho bà con bản Chiềng cũ được lên sinh sống.

Trận lũ lụt vào tháng 8, đầu tháng 9-2018 khiến 858 ngôi nhà trên địa bàn huyện Quan Hóa bị ngập, hư hỏng nặng và phải di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm; 177 ngôi nhà bị đổ sập và cuốn trôi. Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra ở huyện Quan Hóa ước tính là 184.934 triệu đồng, trong đó xã Trung Sơn chịu thiệt hại nặng nề nhất. Theo đó, mưa lũ khiến 357 hộ của xã Trung Sơn bị ảnh hưởng, trong đó có 88 hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn, chủ yếu ở các bản Chiềng, Co Me…

Thấu hiểu khó khăn của các hộ dân bị thiệt hại nhà cửa, tháng 11- 2018, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh phối hợp với Hội CTĐ Việt Nam, Chi Hội tán trợ CTĐ Tình Người (Hà Nội) tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại xã Trung Sơn. Theo đó, chi hội CTĐ tán trợ CTĐ Tình Người đã hỗ trợ xây dựng nhà cho 84 hộ dân xã Trung Sơn có nhà bị sập, cuốn trôi, thiệt hại nặng do ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ; mỗi ngôi nhà được hỗ trợ 30 triệu đồng; tổng trị giá chương trình là 2,52 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện Quan Hóa huy động các nguồn hỗ trợ khác đảm bảo hỗ trợ đủ kinh phí cho các hộ sập, trôi hoàn toàn 75 triệu/hộ, nhà phải di dời 40 triệu đồng/hộ, nhà bị thiệt hại từ 50-70% là 15 triệu đồng/hộ để làm nhà mới.

Thảo Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tin-tuc/cuoc-song-moi-sau-lu-bao-cua-nguoi-dan-o-khu-tai-dinh-cu-ban-chieng/19440.htm