Cuộc thi trực tuyến 'Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực' Đợt sinh hoạt pháp luật sâu rộng

Cuộc thi trực tuyến 'Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực' (gọi tắt là cuộc thi) chính thức diễn ra từ ngày 9/9/2024. Đến nay, cuộc thi đã diễn ra 3/4 tuần thi, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tham gia, tạo sức lan tỏa trong tìm hiểu chính sách pháp luật nói chung và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng.

Chuyên viên Huyện ủy Cao Lộc tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”

Chuyên viên Huyện ủy Cao Lộc tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”

Với quy định về đối tượng dự thi là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang và công dân từ 16 tuổi trở lên đang công tác, sinh sống, học tập và lao động trên địa bàn tỉnh; sau 3 tuần thi, cuộc thi đã thu hút gần 48 nghìn người đăng ký dự thi, với tổng số gần 150 nghìn lượt dự thi.

Ông Sái Văn Đông, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi khẳng định: Cuộc thi là đợt sinh hoạt pháp luật, chính trị sâu rộng, hình thức tuyên truyền mới, nhằm phổ biến, cập nhật kiến thức chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, sự quan tâm, phối hợp của chính quyền, lãnh đạo các cấp về phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo sức lan tỏa, hình thành ý thức tự giác thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Để cuộc thi có sức lan tỏa, chúng tôi đã chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đăng tải thông tin tuyên truyền về cuộc thi trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội... Từ đó, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân tham gia cuộc thi.

Theo đó, công tác tuyên truyền về cuộc thi đã được các cơ quan, đơn vị chú trọng bằng các hình thức: tổ chức lễ phát động, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, mạng xã hội… Trong đó, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng infographic, mã QR nhận diện về cuộc thi. Thực hiện công văn về việc tổ chức triển khai, hưởng ứng cuộc thi, một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và 11/11 huyện, thành phố đã ban hành công văn triển khai, hưởng ứng tham gia cuộc thi.

Qua đó, cuộc thi nhận được sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang và người dân trên địa bàn tỉnh tham gia. Trong đó, một số đơn vị có lượt dự thi cao như huyện Bắc Sơn, huyện Lộc Bình, thành phố Lạng Sơn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Công an tỉnh…

Ông Lương Văn Chầm, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lộc Bình cho biết: Hưởng ứng cuộc thi, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện ban hành công văn triển khai cuộc thi trên địa bàn huyện. Theo đó, đề nghị các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân tham gia cuộc thi. Hằng tuần, phòng đôn đốc thông qua các nhóm Zalo. Sau 3 tuần thi, toàn huyện có trên 15.800 lượt dự thi, với kết quả có 1 giải khuyến khích và 1 giải ba.

Qua cuộc thi, nhiều nội dung về các văn bản, quy định của pháp luật được truyền tải đến người thi như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Hình sự; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Ông Dương Hữu Sầm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhất Hòa, huyện Bắc Sơn (thí sinh đoạt giải nhất cuộc thi trong tuần thi thứ hai) chia sẻ: Tôi thấy cuộc thi rất ý nghĩa. Đây là dịp để chúng tôi tìm hiểu các chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như một số quy định pháp luật khác. Từ đó, góp phần nâng cao kiến thức, phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thi hành công vụ, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị. Cùng với việc dự thi hằng ngày, tôi đôn đốc, nhắc nhở 100% cán bộ, công chức xã tích cực tham gia hưởng ứng cuộc thi.

Cuộc thi không chỉ thu hút cán bộ, đảng viên tham gia mà còn lan tỏa đến người dân. Anh Phan Văn Tâm, khối 2, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn (thí sinh đoạt giải ba trong tuần thi thứ nhất) cho biết: Qua tìm hiểu thông tin về cuộc thi trên mạng cũng như được người thân trong gia đình tuyên truyền, tôi đã tích cực tham gia cuộc thi hằng ngày, hằng tuần. Qua trả lời các câu hỏi, tôi dễ hiểu, dễ nhớ hơn các quy định của pháp luật. Đồng thời, cập nhật thêm nhiều kiến thức pháp luật bổ ích, từ đó chấp hành tốt pháp luật, nhắc nhở người thân cùng thực hiện.

Có thể nói, cùng với các hình thức phổ biến pháp luật khác, cuộc thi là hình thức tuyên truyền pháp luật mới, hiệu quả, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

DƯƠNG DUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/cuoc-thi-truc-tuyen-tim-hieu-chinh-sach-phap-luat-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-hinh-thuc-tuyen-truyen-phap-luat-moi-hieu-qua-5023435.html