Cuộc thi viết 'Người Thầy kính yêu': Cô giáo 'tí hon' 20 năm miệt mài dạy nghề

Nghề đan móc không những giúp chị Vũ Thị Nga có thu nhập mà còn giúp chị hỗ trợ hàng trăm người tại Trung tâm Dịch vụ việc làm 8/3 phụ nữ Hải Dương suốt hơn 20 năm qua

Có dịp ghé thăm lớp học đan móc tại trung tâm, ai nấy sẽ thích thú với không khí vui tươi, hào hứng học tập. Đáng chú ý, người đứng lớp là một cô giáo khuyết tật chỉ cao 1,1 m và nặng 29 kg. Không những thế, cô Nga còn là một giáo viên dạy nghề giỏi, tâm huyết và có nhiều sáng tạo trong suốt mấy chục năm qua.

Những sản phẩm đan móc do chị Nga làm ra.

Những sản phẩm đan móc do chị Nga làm ra.

Ý thức về cuộc sống tự lập

Chị Vũ Thị Nga sinh năm 1977 tại phường Bình Hàn, TP Hải Dương trong một gia đình có 3 chị em, chị Nga là con gái đầu. Khi mới lọt lòng, hai chân chị quắp ngược lên trên, các ngón tay co quắp không duỗi ra được. Bố mẹ nghĩ chị bị khuyết tật bẩm sinh đến sau này mới biết chị bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố thời ông tham gia chiến trường.

Đến tuổi đi học, cho dù ban đầu có phần mặc cảm, tự ti về ngoại hình do bị một số bạn bè trêu đùa nhưng chị chấp nhận số phận của mình. Chị tin rằng tuy bản thân có thiệt thòi nhưng vẫn còn rất may mắn, được sinh ra đã là một niềm hạnh phúc và cần phải trân trọng. Chị cố gắng học thật giỏi và được thầy cô, bạn bè yêu mến. Nhưng, biết sức khỏe không cho phép cộng thêm điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên học hết lớp 8, chị xin bố mẹ nghỉ học.

Tuy đi lại, sinh hoạt khó khăn nhưng chị Nga lại phụ giúp được bố mẹ nhiều công việc gia đình như nấu cơm, giặt quần áo, quét dọn nhà cửa và chưa bao giờ để bố mẹ phải lo lắng về mình. Ý thức về cuộc sống tự lập luôn hiện hữu trong từng suy nghĩ và hành động của chị.

Ông Vũ Văn Bòng, bố chị Nga, cho biết: "Sinh ra con không được lành lặn, càng thương con hơn trong lúc con ốm đau, bệnh tật, sức khỏe yếu đi rõ rệt. Rất may con có ý chí vươn lên, bản thân tự lập khiến cho chúng tôi yên tâm hơn khi tuổi đã về già".

Năm 17 tuổi, chị Nga nhận được giấy mời học nghề đan móc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm 8/3 phụ nữ Hải Dương dành cho người khuyết tật. Nắm bắt cơ hội, chị quyết tâm học nghề thành thạo. Tốt nghiệp loại xuất sắc chỉ sau 3 tháng, chị được trung tâm giữ lại làm giáo viên cho đến nay. Ngoài ra, chị còn hoàn thành xuất sắc khóa học tin học văn phòng, vận dụng tốt kỹ năng vào công việc hằng ngày.

Bà Nguyễn Thị Hằng, mẹ chị Nga, tâm sự: "Ban đầu Nga nghỉ học cấp 2, thấy con ở nhà cũng tủi thân, may sau đó được đi học nghề tại trung tâm. Cứ sáng đi học tối về xong đêm Nga lại mò mẫm tập luyện, rồi học từ các anh chị đi trước. Sau mấy năm, Nga bắt đầu có thu nhập, tự lo được bản thân, cuộc sống đỡ vất vả hơn".

Những sản phẩm đan móc đầu tay của chị nhanh chóng chiếm được cảm tình của khách hàng, đơn hàng gửi về liên tục từ khách trong tỉnh lẫn khách Hà Nội. Dần dần, chỉ cần khách gửi kiểu dáng, số đo, họa tiết... là chị đã có thể cho ra sản phẩm trúng ý khách hàng.

Chị Vũ Thị Nga hướng dẫn học viên nghề đan móc tại trung tâm đã hơn 20 năm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chị Vũ Thị Nga hướng dẫn học viên nghề đan móc tại trung tâm đã hơn 20 năm. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Gieo hy vọng từ đôi tay khéo léo

Do sức khỏe hạn chế và chị muốn mỗi sản phẩm tạo ra phải có chất lượng tốt nhất nên chị chỉ nhận khoảng 5 sản phẩm mỗi tháng kết hợp với việc dạy nghề tại trung tâm.

"Những buổi đầu lên lớp dạy cho các chị em người bình thường, tôi rất hồi hộp. Học viên cũng hoài nghi về trình độ của một cô giáo khuyết tật, có bàn tay co quắp. Nhưng rồi, tôi tự tin hướng dẫn chị em đan móc và tạo ra những sản phẩm đẹp khiến chị em tin tưởng, thích thú học nghề, kiếm thêm thu nhập" - chị Nga vui vẻ kể.

Chị Phạm Thị Thùy Linh, giáo viên dạy nghề tại trung tâm, cho biết: "Chị Nga luôn vui vẻ, lạc quan, tự tin, tâm hồn trong sáng. Chính năng lượng tích cực của chị đã truyền cảm hứng cho các học viên, tạo ra những sản phẩm đẹp và ổn định công ăn việc làm".

Chị Nguyễn Thị Thường, học viên đan móc tại trung tâm, cho biết: Lúc đầu thấy cô giáo đi lại rất khó khăn, tôi cảm thấy có phần lo lắng cho việc giảng dạy của cô. Nhưng sau đó cô đã khắc phục trở ngại và hết lòng truyền dạy nghề cho chúng tôi mà chẳng bao giờ than thân trách phận. Cô dạy rất dễ hiểu, khó đâu cầm tay chỉ việc đến đó.

Không chỉ tạo ra những sản phẩm đan móc khéo léo, công phu mà chị Nga còn sáng tạo ra mẫu túi xách, quần áo và những bộ áo dài từ đan móc. "Có chiếc áo dài tôi phải đan hơn một tháng mới xong từ khi vẽ thiết kế đến khi hoàn thiện, đan lỗi cũng nhiều nhưng cứ quyết tâm tìm tòi thì sẽ vượt qua" - chị Nga tâm sự.

Sản phẩm của chị Nga đã đến được với bạn bè quốc tế từ Ngày hội Phụ nữ sáng tạo Việt Nam năm 2013 với chủ đề Nâng cao quyền và năng lực kinh tế của phụ nữ do Hội LHPN Việt Nam phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) và Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức. Sản phẩm thêu móc của chị Nga là 1 trong 38 công trình nghiên cứu, sản phẩm tiêu biểu của phụ nữ cả nước được chọn ra từ 130 sản phẩm tham dự ngày hội.

Ngoài tham gia dạy nghề trực tiếp tại trung tâm, chị Nga cũng thường xuyên về các xã trong tỉnh Hải Dương để dạy trực tiếp cho phụ nữ nghèo, người khuyết tật đi lại bất tiện. Hiện nay, chị còn dạy đan móc online cho các học viên ở xa. Một số học viên học vài lần không làm được, chị Nga lại ân cần hướng dẫn riêng đến khi làm được, qua đó chị lan tỏa cho họ tinh thần không bỏ cuộc, không nản chí trước khó khăn…

Mong dạy cho nhiều trẻ em

Năm nay 46 tuổi, sức khỏe của chị Nga suy giảm rõ rệt. Ước mơ của chị đơn giản là mong các sản phẩm đan móc có chỗ đứng trên thị trường, tạo được nhiều việc làm, đặc biệt cho chị em khuyết tật. "Trong tương lai, nếu còn sức khỏe tôi muốn dạy thật nhiều lớp đan móc miễn phí cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Hải Dương" - chị Nga tâm sự.

VŨ THỊ PHƯƠNG ANH (Thực tập sinh tại Đài Truyền hình Việt Nam)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-co-giao-ti-hon-20-nam-miet-mai-day-nghe-20231019195245129.htm