Cuộc trốn chạy khỏi những đỉnh núi - Bài 2: Những hành trình đầy nước mắt

Bước chân đi khỏi đỉnh núi, bỏ lại phía sau lưng một gia đình không còn là 'tổ ấm', những phụ nữ quyết tâm giải thoát cho chính mình. Thế nhưng, chạy ra khỏi đỉnh núi, những phụ nữ ấy có thực sẽ tìm thấy một bến đỗ an yên?

>>> Bài 1: "Nả ơi..."

Sau nhiều lần liên lạc, giai điệu bài hát được bà Vương cài đặt làm nhạc chuông chờ trở nên quen thuộc với chúng tôi. Những câu hát: “Có bao giờ anh nghĩ về em? Về những đắng cay em đang gánh chịu, từng ngày trôi qua là những nỗi đau không phai nhòa. Có bao giờ trong mơ vội vã nhìn không thấy em anh đã đi tìm…” vang lên da diết qua điện thoại như nói hộ nỗi lòng của người phụ nữ nhiều lần thất bại trong hôn nhân.

Phụ nữ xã Pha Long (Mường Khương) cùng chồng quán xuyến việc gia đình.

Phụ nữ xã Pha Long (Mường Khương) cùng chồng quán xuyến việc gia đình.

Bà Vương nhấc máy, hẹn chúng tôi vào lúc 23 giờ bởi khi ấy bà mới có thể thu dọn và đóng cửa hàng để về nghỉ. Tại một nhà hàng bán đồ Hoa, bà Vương gọi món, nói tiếng địa phương khu vực Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) như người bản xứ. Bà Vương sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nghèo cheo leo trên đỉnh núi của huyện Mường Khương. Khi đang học lớp 11, bà Vương đã được cha mẹ mai mối và kết hôn với một người đàn ông trong thôn. Cuộc hôn nhân không hạnh phúc bởi người chồng làm nông cục cằn, vũ phu, bà bỏ ngôi làng của mình, theo chỉ dẫn của người chị họ, sang Trung Quốc làm thuê. Khi được hỏi vì sao không ly hôn hoặc về nhà mẹ đẻ, bà Vương nói: “Người ta mang sính lễ đến nhà hỏi cưới, mình nhận lời cưới thì coi như trở thành con nhà người ta, sống chết không thể về nhà bố mẹ đẻ vì sẽ mang tiếng với xóm làng. Còn ly hôn ư? Chồng không đồng ý, còn bảo nếu ly hôn, gặp ở đâu thì đánh ở đó, đánh đến chết thì thôi chứ nhất định không chịu ly hôn. Tố cáo với chính quyền địa phương cũng không được, sẽ mang tiếng là phụ nữ mà hại chồng đi tù, mà chẳng biết tội đánh vợ có bị đi tù không nữa nên tốt nhất là đi khỏi làng, đi một nơi thật xa để không ai tìm được”.

Bà Vương đi và không ai tìm được thật, hoặc cũng có thể bởi không yêu nên người chồng cũ chẳng một lần đi tìm. “Một nơi thật xa” mà bà Vương nói là một bản làng của Trung Quốc, cũng có người dân tộc Nùng, nói tiếng Nùng giống ngôi làng mà bà đã rời đi. Lâu dần, nhờ giao tiếp song song bằng cả tiếng dân tộc và tiếng phổ thông tại địa phương, bà Vương nói tiếng Trung tốt như người bản địa, xuống Hà Khẩu làm phiên dịch tại một cửa hàng. Người chị họ lấy chồng bên Trung Quốc giới thiệu cho bà Vương một người đàn ông Trung Quốc hơn bà 18 tuổi. “Thấy ông ấy làm chủ xây dựng nhiều công trình, kinh tế cũng khá giả, nhìn cũng khá hiền nên gật đầu đồng ý. Lấy về mới biết nếu chỉ có tiền thôi cũng không nhìn nhau mà sống cả đời được, vì ông ấy yêu tiền hơn yêu vợ. Thế rồi lại ly hôn. Mà lần này là ly hôn hẳn hoi, ra tòa chia tài sản đàng hoàng” - bà Vương tâm sự.

Sau chia tay, bà Vương dùng số tiền tiết kiệm được mở một cửa hàng nhỏ, đặt tên quán là quán bà chủ Vương, thuê 3 nhân viên bán hàng cũng đều là những người đàn bà bỏ chồng, bỏ xứ mà đi. Trong hơi men ngà ngà, hương vị món ăn đậm chất Trung Hoa bốc lên nghi ngút, chị Dấu, một nhân viên của bà Vương bắt đầu ngấm rượu, cười lớn nói: “Đàn ông Trung Quốc hay đàn ông Việt Nam cũng giống nhau, nếu không yêu nhau, không tìm hiểu kỹ mà kết hôn thì sớm muộn gì cũng đổ vỡ. Phụ nữ vùng cao khổ lắm, quanh năm lầm lũi, sáng dậy đi làm nương, tối muộn về nhà, hôm sau lại đi làm nương, cả đời đứng sau lưng chồng, đâu có được nói to, được cười lớn, được uống rượu như thế này. Nếu còn ở với chồng cũ, ăn nói, uống rượu như này thì sẽ bị nói là đồ đàn bà không ra gì”.

Phụ nữ vùng cao tham gia vào những công việc nặng nhọc (trong ảnh: phụ nữ Si Ma Cai tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng).

Phụ nữ vùng cao tham gia vào những công việc nặng nhọc (trong ảnh: phụ nữ Si Ma Cai tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng).

Lời của người đàn bà 3 đời chồng trong cơn say không phải là không có lý. Chị Dấu cũng là người Mường Khương, kết hôn từ khi 16 tuổi với người chồng thứ nhất, sinh được 3 người con. Người chồng thứ nhất hiền lành, tốt bụng, không đánh chị bao giờ nhưng có một tật xấu là hay trộm cắp vặt. Ngặt nỗi, trộm gì không trộm, chồng chị Dấu thường trèo tường, chui vào bếp nhà hàng xóm trộm rượu và đồ ăn để nhắm rượu, say bí tỉ rồi ngân nga hát tối ngày. Không chịu được, chị Dấu bỏ sang Trung Quốc làm thuê rồi kết hôn với người chồng thứ hai. Rút kinh nghiệm, chị chọn người chồng không uống rượu bao giờ, chăm chỉ làm ăn, thế nhưng theo chị Dấu thì người đàn ông này gia trưởng, giáo điều. Đối với người chồng này, phụ nữ ra ngoài không được nói chuyện, cười đùa với nam giới, không được uống rượu, không được diện đồ đẹp… Trong một lần đi chơi hội về, chị Dấu quá chén, về nhà cãi chồng, thế là bị chồng đánh. Chị Dấu bỏ chồng lần thứ hai. Đến người chồng thứ ba, chị thận trọng hơn, mất thời gian tìm hiểu hơn 1 năm mới đồng ý kết hôn vì thấy người đàn ông này thương chị thật lòng. Đến giờ, chị Dấu sống thuận hòa cùng người chồng thứ ba đã được hơn 5 năm, biết chị thương 3 đứa con ở Việt Nam, người chồng thậm chí cho vợ thêm tiền để về xây nhà cho con ở, mỗi năm chị Dấu được về thăm con những dịp lễ hội hoặc ngày con chuẩn bị đến trường.

Mỗi năm, có hàng chục nghìn lượt lao động người Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê (theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019 có hơn 8.000 lượt người), trong đó có rất nhiều phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương. Những phụ nữ nhẹ dạ, yếu lòng rất dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán phụ nữ bởi tình trạng thiếu “cô dâu” trầm trọng phía nước bạn. Bước chân khỏi đỉnh núi, khỏi mái nhà thân quen, khỏi con đường cũ, giấc mộng đổi đời cũng nhanh chóng vỡ tan, nhiều phụ nữ phải lao động vất vả ở nước bạn do không có kinh nghiệm, không có trình độ, không có giấy tờ hợp pháp nên thường xuyên phải trốn tránh lực lượng chức năng. Có những người được “mai mối” để kết hôn với những người nhiều tuổi, người khuyết tật, thậm chí còn trao đổi “qua lại” cô dâu với nhau, “phiêu lưu” vào sâu trong nội địa Trung Quốc và không thể tìm về.

Theo chị Dấu, bà Vương, dù cuộc sống khó khăn, việc bỏ sang Trung Quốc làm thuê, lấy chồng là “bước đường cùng” và rất mạo hiểm, nếu nhẹ dạ có thể bị lừa bán bất cứ lúc nào. Như bà Vương, cho đến bây giờ vẫn không quên nổi “15 ngày ngồi trong khám” cho đến khi may mắn được chồng cũ nể tình mà “bảo lãnh” cho về bởi không có giấy tờ, trở thành lao động bất hợp pháp. Để bảo vệ chính mình khỏi nạn buôn bán người, phụ nữ nói riêng và người lao động nói chung cần làm sổ thông hành, đi đâu, làm việc gì cần thông báo với chính quyền địa phương, có sự kết nối với cộng đồng người Việt Nam đang sống và làm việc tại nước bạn. Bà Vương chia sẻ: Giữa đất nước rộng lớn này, đâu phải cứ nói sang là sang, đâu phải cứ nghe người này, người kia hứa hẹn thì đều là tốt đẹp. Ở nhà khổ quá cũng khóc. Khi đi thì vừa đi vừa khóc. Đến xứ lạ quê người thì nhớ cha mẹ, nhớ con, nhớ quê hương cũng khóc. Lúc bị bắt giam chỉ ước giá như mình đừng đi bởi ở đâu cũng thế cả, quan trọng nhất là mình có kinh tế, mình dám đấu tranh, nếu không thay đổi được thì ở làng này hay làng khác cuộc sống cũng vẫn tù túng và đau khổ.

Dù có trốn chạy đến cùng trời cuối đất, dù có cuộc sống mới tươi đẹp hơn nhưng mỗi khi nghĩ về những đỉnh núi đã ở rất xa, nghĩ về những đứa con ở nhà, những người đàn bà ấy lại bật khóc đầy day dứt. “Nếu có thể không đi thì đừng đi, mà tìm sự trợ giúp từ pháp luật, suy cho cùng thì khổ nhất vẫn là đứa con, chúng nó không có tội gì cả” - chị Dấu nói.

Bài cuối: Giữ phụ nữ ở lại với làng

Thúy Phượng - Hữu Huỳnh

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/phong-su/cuoc-tron-chay-khoi-nhung-dinh-nui-bai-2-nhung-hanh-trinh-day-nuoc-mat-z62n20191101090854716.htm