Cuốn sách tôi chọn: 'Khúc bi tráng thứ tư' - Tiểu luận phê bình đầy cảm xúc về đề tài người lính

Đề tài viết về người lính đã và vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình khai thác. Nền văn học Việt Nam đã có rất nhiều bài thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết ca ngợi vẻ đẹp và sự anh dũng của những người lính Cụ Hồ được bạn đọc yêu thích đón nhận, thế nhưng tác phẩm tiểu luận phê bình ở mảng đề tài này thì không nhiều.

Chuyên mục “Cuốn sách tôi chọn” hôm nay muốn giới thiệu tới độc giả của THQHVN tập tiểu luận – phê bình “Khúc bi tráng thứ tư” của nhà văn Bùi Việt Thắng do NXB Quân đội nhân dân ấn hành. Vượt ra khỏi sự khác biệt về thể loại sự thể hiện và khả năng chuyển tải thông điệp, hình tượng những người chiến sĩ với những phẩm chất đẹp đẽ và những giá trị nhân văn vẫn hiện lên rõ ràng và sâu lắng. Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng để hiểu hơn tác giả và cuốn sách này.

Thiếu tá NGUYỄN VĂN HÙNG, Cán bộ Biên tập NXB Quân đội nhân dân: "Nhà văn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng thì có lẽ ai cũng biết rồi nhưng “Khúc bi tráng thứ tư” là một điểm sáng tạo của tác giả. Ngay trong lời nói đầu của cuốn sách, tác giả đã viết, đây là đội hình tập hợp của những người lính khi tập hợp lại thành một đơn vị. Bởi vì đó là những bài viết ở trên các báo, tạp chí nghiên cứu lý luận phê bình và khi tập hợp lại nó là toàn bộ những gì hay nhất, là khúc bi tráng của những người chiến sĩ, những nhà văn, những tác phẩm viết về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Bùi Việt Thắng đã có rất nhiều giải thưởng về nghiên cứu lý luận phê bình ở trong các hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương. Một đặc điểm nổi trội của ông đó là ông nghiên cứu phần nhiều về văn học, về những tác phẩm viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng: đó là những người lính, những trận chiến đấu và gần như đó là những điều gắn kết chặt chẽ với ông.

Đối với nhà phê bình Bùi Việt Thắng, ông có một hướng đi riêng, khai thác những góc nhìn, nghiên cứu sâu về chi tiết trong tác phẩm và về tứ của những tác phẩm. Thay vì lối phê bình chung chung, lối phê bình theo cảm tính, ông đúng là một người nghiên cứu khoa học. Thứ hai, ông vận dụng rất sáng tạo những áng văn chương theo đề tài nghiên cứu của mình để đưa vào, làm nổi bật lên được những giá trị trong các tác phẩm. Đó là gì? Đó là tri thức, cảm hứng sáng tạo của nhà văn, của tác phẩm và đặc biệt là làm nổi bật giá trị nhân văn, giá trị nghệ thuật của tác phẩm và kể cả tâm lý sáng tạo của tác giả đưa vào trong từng bài viết.

Nhà văn Bùi Việt Thắng từng tâm sự với tôi rằng, lần này thầy muốn đi và muốn đem lại một điều gì đó đặc sắc, nổi bật cho quân đội. Riêng cái tên “Khúc bi tráng thứ tư”, tác giả cũng rất day rứt. Đây cũng là cái tên ông đặt cho một bài viết về đề tài chiến tranh cách mạng, chiến đấu bảo vệ biên giới ở phía Bắc trên vùng Nậm Ngặt năm 1979.

Thường người ta hay đọc thơ, đọc truyện ngắn và dài hơn thì người ta đọc tiểu thuyết chứ ít ai đọc lý luận phê bình. Chúng ta luôn cho rằng lý luận phê bình rất khô khan, khó đọc. Nhưng đối với cuốn "Khúc bi tráng thứ tư" này thì tôi khẳng định rằng nó gần như một cuốn tiểu thuyết, văn phong của nó rất mềm mại vì nhà văn bùi Việt Thắng đã tập trung khai thác những gì đặc sắc nhất để ông vận dụng đưa vào và ông viết những bài viết là những dòng cảm xúc. Chính vì thế, khi tôi đọc cuốn này nó khác hẳn với những cuốn sách khác và ấn tượng của tôi thì nó là một cuốn phê bình khác hẳn với các dạng phê bình khác."

Thực hiện : Linh Chi Hải Linh Anh Đức

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cuon-sach-toi-chon-khuc-bi-trang-thu-tu-tieu-luan-phe-binh-day-cam-xuc-ve-de-tai-nguoi-linh