Cuốn sách 'Trí tuệ nhân tạo từ góc nhìn quan hệ quốc tế': Hiểu để tự chủ, chủ động trong kỷ nguyên AI

Cuốn sách 'Trí tuệ nhân tạo từ góc nhìn quan hệ quốc tế. Cơ hội, thách thức và hàm ý cho Việt Nam' do TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao) làm chủ biên vừa phát hành đã 'cháy hàng', không chỉ từ sự hấp dẫn ở tên gọi mà còn bởi tính công phu, tâm huyết của một công trình nghiên cứu. Cùng ngồi lại với chủ biên cuốn sách để hiểu thêm về những trăn trở của nhóm tác giả và quyết tâm khai phá 'vùng đất mới' trong nghiên cứu quan hệ quốc tế.

Ấn phẩm "Trí tuệ nhân tạo từ góc nhìn quan hệ quốc tế. Cơ hội, thách thức và hàm ý cho Việt Nam" do TS Vũ Lê Thái Hoàng làm chủ biên. (Ảnh: DL)

Ấn phẩm "Trí tuệ nhân tạo từ góc nhìn quan hệ quốc tế. Cơ hội, thách thức và hàm ý cho Việt Nam" do TS Vũ Lê Thái Hoàng làm chủ biên. (Ảnh: DL)

“Hiểu rõ bản chất của AI, những tiến bộ gần đây và tác động tiềm tàng của nó đối với trật tự quốc tế trở nên cực kỳ quan trọng”, phải chẳng nhóm tác giả đang dụng ý “đi trước một bước”, trước khi AI thực sự chen chân vào đời sống quốc tế? Động lực và động cơ cho sự ra đời của cuốn sách với chủ đề rất mới trong quan hệ quốc tế này là gì, thưa ông?

Theo nhóm tác giả, cuốn sách này có lẽ chưa hẳn là đã "đi trước một bước" mà đúng hơn là một nỗ lực kịp thời và cần thiết nhằm góp phần nhận diện những biến chuyển sâu sắc mà AI đang tạo ra trong quan hệ quốc tế. Như chúng ta đã chứng kiến, đặc biệt từ năm 2022-2023, sự phát triển vượt bậc của các mô hình ngôn ngữ lớn và AI tạo sinh đã và đang tạo ra những tác động mang tính đột phá trong nhiều lĩnh vực.

Có thể khẳng định rằng AI không còn là một công nghệ của tương lai mà đã và đang định hình lại cục diện địa chính trị, thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu, và tác động trực tiếp đến lợi ích quốc gia của các nước.

TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. (Ảnh: tác giả cung cấp)

TS. Vũ Lê Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao. (Ảnh: tác giả cung cấp)

Về động lực cho việc biên soạn cuốn sách, có thể thấy điều này xuất phát từ nhu cầu cấp thiết phải có một cái nhìn toàn diện và sâu sắc về tác động của AI đối với quan hệ quốc tế từ góc độ của Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc về công nghệ AI ngày càng gay gắt, việc nghiên cứu và nắm bắt những cơ hội cũng như thách thức mà AI mang lại sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh và phát triển của đất nước.

Nhóm tác giả kỳ vọng cuốn sách không chỉ góp phần cung cấp một nguồn tham khảo học thuật mà còn hướng tới việc đề xuất những định hướng chính sách cụ thể, góp phần nhỏ vào nỗ lực giúp Việt Nam chủ động và tự chủ trong kỷ nguyên AI đang dần định hình.

Khi tiếp cận sơ bộ về AI, tôi có một suy nghĩ liên tưởng đến câu nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, khi chính “cha mẹ” của AI cũng không thể biết hết khả năng vô tận của “đứa con” mình, nhân cách và đạo đức của nó, cách hiểu đó có đúng hay không?

Liên tưởng này rất thú vị và có phần đúng, nhưng có lẽ cần được nhìn nhận một cách thận trọng và toàn diện hơn. Thực tế, AI không hoàn toàn giống như một "đứa con" với tính cách tự nhiên được "trời phú", mà đúng hơn là một hệ thống được phát triển dựa trên những nguyên tắc, thuật toán và dữ liệu do con người thiết kế. Tuy nhiên, điểm tương đồng đáng chú ý là ở khả năng học hỏi và phát triển vượt ra ngoài khuôn khổ ban đầu, đặc biệt là với các hệ thống AI tiên tiến ngày nay.

Qua nghiên cứu và phân tích, chúng tôi nhận thấy rằng tính “khó đoán” của AI xuất phát chủ yếu từ độ phức tạp của các mô hình, khối lượng dữ liệu khổng lồ, và khả năng học tập liên tục của chúng. Điều này đặt ra những thách thức mới trong việc quản trị và kiểm soát AI, đòi hỏi một cách tiếp cận cẩn trọng, có trách nhiệm từ cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là khác với "tính cách tự nhiên" của con người, các hành vi và kết quả của AI vẫn có thể được định hướng và điều chỉnh thông qua việc thiết kế cẩn thận các thông số kỹ thuật, khung đạo đức, và cơ chế giám sát phù hợp.

AI có thể làm được những điều vượt xa tính toán của nhiều chuyên gia, thậm chí chính người tạo ta nó, thực tế phát triển của AI đã chứng minh điều đó. “Vượt xa tính toán”, “vượt tầm kiểm soát”, “tính toán sai lầm”… là những cụm từ rất “kỵ” trong quan hệ quốc tế, có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Chúng ta đón nhận thực tế đó và cần phải ứng xử như thế nào? Cuốn sách này đã trả lời và tiếp cận vấn đề này ra sao, thưa ông?

Quả thật, khả năng "vượt xa tính toán" của AI là một thực tế không thể phủ nhận và đặt ra những thách thức đặc biệt trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và phân tích trong cuốn sách, chúng tôi nhận thấy rằng đây không phải là một tình huống hoàn toàn mới trong lịch sử quan hệ quốc tế - nơi các quốc gia thường xuyên phải đối mặt với những yếu tố khó lường và không chắc chắn.

Điểm mấu chốt là cách tiếp cận vấn đề: Thay vì lo sợ những điều không thể kiểm soát hoàn toàn, cần xây dựng các cơ chế quản trị phù hợp và khuôn khổ hợp tác quốc tế để định hướng sự phát triển AI theo hướng có lợi cho hòa bình và an ninh. Cuốn sách đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như tăng cường đối thoại đa phương về quản trị AI, xây dựng các nguyên tắc chung về phát triển và sử dụng AI có trách nhiệm, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì yếu tố con người trong quá trình ra quyết định chiến lược.

AI đã có những tác động nhất định trong cuộc bầu cử Mỹ - Ảnh minh họa. (Ảnh: Getty)

AI đã có những tác động nhất định trong cuộc bầu cử Mỹ - Ảnh minh họa. (Ảnh: Getty)

Tương lai của AI – AGI (các hệ thống AI có khả năng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ trí tuệ nào của con người có thể làm), theo ông, liệu rằng “thế lưỡng nan về an ninh” có chỉ còn là mối lo với chỉ vấn đề hạt nhân và còn những mối lo nào nhãn tiền hơn nữa? Một khi những siêu cường trang bị cho mình thêm sức mạnh AI thì làm sao có thể “đong đếm” cán cân và đoán định “cục diện”?

Thế "lưỡng nan về an ninh" trong kỷ nguyên AI quả thật còn phức tạp và đa chiều hơn nhiều so với thời kỳ vũ khí hạt nhân. Nếu như với vũ khí hạt nhân, chúng ta có thể đếm được số đầu đạn, ước tính được sức mạnh phá hủy và năng lực răn đe, thì với AI, đặc biệt là khi tiến tới AGI, việc đánh giá tiềm năng và năng lực thực sự của một quốc gia trở nên vô cùng khó khăn.

Điều này xuất phát từ bản chất "kép" của AI - vừa là công nghệ dân sự vừa là công nghệ quân sự, khả năng phát triển nhanh chóng và khó lường của nó, cũng như tính lan tỏa rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống.

Trong bối cảnh các nước lớn đang đẩy mạnh phát triển AI, việc "đong đếm" cán cân quyền lực đòi hỏi những thước đo và cách tiếp cận mới. Không chỉ đơn thuần là việc so sánh số lượng bằng sáng chế hay đầu tư vào nghiên cứu phát triển, mà còn phải tính đến các yếu tố như khả năng tiếp cận dữ liệu, năng lực tính toán, chất lượng nguồn nhân lực, và đặc biệt là khả năng tích hợp AI vào các hệ thống ra quyết định chiến lược.

Điều này làm cho việc duy trì ổn định chiến lược trong kỷ nguyên AI trở thành một thách thức mới, đòi hỏi sự phối hợp và đối thoại chặt chẽ hơn giữa các quốc gia.

“Gam màu” về cơ hội của AI trong quan hệ quốc tế dường như được đề cập với hàm lượng ít hơn so với thách thức từ AI, vì sao vậy, thưa ông? Phải chăng kỷ nguyên AI sẽ là kỷ nguyên nổi lên của các chủ thể phi nhà nước?

Việc cuốn sách dành nhiều dung lượng hơn để phân tích thách thức không phải vì thiếu lạc quan về tiềm năng của AI, mà xuất phát từ trách nhiệm học thuật và thực tiễn. Trong khi các cơ hội từ AI như tăng năng suất, cải thiện dịch vụ công, hay thúc đẩy đổi mới sáng tạo thường dễ nhận diện và được thảo luận rộng rãi, thì các thách thức và rủi ro tiềm ẩn - đặc biệt trong lĩnh vực quan hệ quốc tế - thường phức tạp và cần được phân tích kỹ lưỡng hơn. Điều này càng trở nên quan trọng khi nhiều thách thức này mang tính hệ thống và có thể ảnh hưởng sâu sắc đến cấu trúc trật tự thế giới.

Về vai trò của các chủ thể phi nhà nước, chúng ta đang chứng kiến một xu hướng đáng chú ý khi các tập đoàn công nghệ lớn ngày càng có tiếng nói quan trọng trong việc định hình quy tắc và chuẩn mực phát triển AI. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc vai trò của nhà nước suy giảm - ngược lại, trong nhiều trường hợp, chúng ta thấy sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa khu vực công và tư trong nỗ lực phát triển và quản trị AI, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia và lợi ích chiến lược.

AI được Ukraine áp dụng trong điều khiển máy bay không người lái trong xung đột với Nga. (Nguồn: Reuters)

AI được Ukraine áp dụng trong điều khiển máy bay không người lái trong xung đột với Nga. (Nguồn: Reuters)

“Phòng thí nghiệm” thực tế của AI - câu chuyện của Ukraine, Israel gợi mở cho chúng ta rất nhiều vấn đề đặt ra của AI đối với xung đột. Cuốn sách đã phân tích chi tiết các khía cạnh này. Chúng ta có thể coi đây là bài học để thấy được “cái giá” phải trả của một cuộc đối đầu có sự can dự của AI?

Những diễn biến tại Ukraine và Israel quả thật đã trở thành những "phòng thí nghiệm" không mong muốn về việc ứng dụng AI trong xung đột hiện đại. Qua phân tích trong cuốn sách, chúng tôi nhận thấy rằng các cuộc xung đột này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của AI trong nhiều khía cạnh của chiến tranh hiện đại - từ việc xử lý thông tin tình báo, điều khiển các phương tiện không người lái, đến khả năng phát hiện mục tiêu và hỗ trợ ra quyết định chiến thuật.

Tuy nhiên, "cái giá phải trả" không chỉ đơn thuần là thiệt hại vật chất hay nhân mạng, mà còn bao gồm những hệ lụy sâu xa hơn về mặt nhân đạo, đạo đức và pháp lý. Đặc biệt, những trường hợp này đã làm nổi bật tầm quan trọng của việc xây dựng các quy tắc và chuẩn mực quốc tế rõ ràng về việc sử dụng AI trong xung đột vũ trang, cũng như nhu cầu cấp thiết về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ dân thường trong kỷ nguyên chiến tranh công nghệ cao.

Đối với Việt Nam, cuốn sách có đề cập chiến lược ngoại giao AI toàn diện, điều này sẽ góp phần như thế nào để Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc phát triển AI vì mục tiêu hòa bình và phát triển? Vị thế, vai trò và tiếng nói của Việt Nam, ở góc độ AI, theo ông, có cơ hội và thách thức như thế nào?

Chiến lược ngoại giao AI toàn diện mà cuốn sách đề xuất xuất phát từ nhận thức rằng Việt Nam có thể và cần phát huy vai trò tích cực trong việc định hình các quy tắc, chuẩn mực quốc tế về phát triển và sử dụng AI. Với vị thế của một quốc gia đang phát triển năng động, có tiềm năng công nghệ và đã khẳng định được vai trò trong nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, Việt Nam có cơ hội đóng vai trò cầu nối giữa các nước phát triển và đang phát triển trong lĩnh vực AI. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tích cực tham gia các diễn đàn đa phương về quản trị AI, thúc đẩy hợp tác Nam-Nam trong phát triển công nghệ, và chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng AI phục vụ phát triển bền vững.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả vai trò này, Việt Nam cần chủ động nâng cao năng lực nội sinh về AI, đào tạo đội ngũ ngoại giao có kiến thức chuyên sâu về công nghệ, đồng thời xây dựng các quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực AI với các đối tác quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ giữa các nước lớn, Việt Nam cần thể hiện rõ quan điểm ủng hộ việc phát triển và sử dụng AI vì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng chung, đồng thời khẳng định nguyên tắc độc lập, tự chủ trong chính sách phát triển AI của mình.

Cuốn sách có đề cập việc Đại hội lần thứ XIV của Đảng sắp tới có cơ hội đưa từ khóa “trí tuệ nhân tạo” trở thành một trụ cột chiến lược trong tầm nhìn phát triển quốc gia. “Đón đầu” AI sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc thực hiện mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc, thưa ông?

Việc đưa "trí tuệ nhân tạo" trở thành một trụ cột chiến lược trong văn kiện Đại hội XIV không đơn thuần là việc bổ sung một thuật ngữ công nghệ mới, mà phản ánh tầm nhìn chiến lược về vai trò then chốt của AI trong sự nghiệp phát triển đất nước. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để định hướng nguồn lực quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, và quan trọng hơn, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc nắm bắt cơ hội của kỷ nguyên số để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong bối cảnh hiện nay, việc chủ động "đón đầu" AI có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ về mặt kinh tế - công nghệ mà còn về an ninh và vị thế quốc gia. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, từ việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng số hiện đại, đến việc hoàn thiện khung pháp lý và thể chế phù hợp.

Thông qua việc đặt AI ở vị trí chiến lược, Việt Nam thể hiện quyết tâm không chỉ là người tiếp nhận công nghệ mà còn có thể trở thành một trong những quốc gia có đóng góp tích cực vào sự phát triển của AI, phục vụ cho lợi ích và khát vọng vươn lên của dân tộc trong thế kỷ XXI.

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuon-sach-tri-tue-nhan-tao-tu-goc-nhin-quan-he-quoc-te-hieu-de-tu-chu-chu-dong-trong-ky-nguyen-ai-292359.html