Cứu bệnh nhân bằng kỹ thuật lần đầu được áp dụng tại Việt Nam
Lần đầu tiên các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng kỹ thuật mới trong phẫu thuật tim cứu hai bệnh nhân bị dị tật.
Chiều 15/12, bác sĩ Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức phẫu thuật Tim, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết đơn vị này vừa áp dụng kỹ thuật mới, cứu 2 bệnh nhân bị tổn thương tim nặng hồi phục sức khỏe.
Bệnh nhân đầu tiên là N.V.T. (67 tuổi), được chẩn đoán hẹp nặng van động mạch chủ, van động mạch chủ 2 mảnh và phình động mạch chủ ngực lên. Người đàn ông được chỉ định thay van động mạch chủ sinh học số 25, thay đoạn lên và một phần quai động mạch chủ bằng ống ghép nhân tạo số 26.
Bệnh nhân N.T.N. (66 tuổi) nhập viện trong tình trạng gần giống ông T. Các bác sĩ tiến hành kỹ thuật tương tự bằng cách thay van động mạch chủ sinh học số 21, thay van động mạch chủ ngực lên bằng ống ghép nhân tạo số 24. Sau phẫu thuật, 2 bệnh nhân ổn định sức khỏe, vết thương hồi phục nhanh và được xuất viện.
PGS.TS Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết để thực hiện kỹ thuật này, phẫu thuật viên sẽ tạo đường mổ bên ngực phải giữa 2 xương sườn thay vì xẻ xương ức như phương pháp mổ kinh điển.
Thủ thuật thay van động mạch được thực hiện tương tự phương pháp mổ truyền thống. Hệ thống tim phổi nhân tạo có sự thay đổi thông số để phù hợp với thể trạng của người bệnh.
"Hai bệnh nhân đều lớn tuổi. Nếu áp dụng kỹ thuật mổ truyền thống bằng cách mở xương ức, quá trình hậu phẫu có thể gặp nhiều khó khăn. Khi thực hiện kỹ thuật mới bằng đường mổ ở khoang liên sườn, vết thương ít gây đau đớn, nhanh lành. Bệnh nhân hạn chế chảy máu và nguy cơ nhiễm trùng", PGS Tiến cho biết.
Theo PGS Tiến, sau phẫu thuật, bệnh nhân phải xẻ xương ức phải trải qua tối thiểu sau 6 tháng không thể thực hiện động tác khó như dang tay, lái xe. Ngoài ra, một số nhỏ bệnh nhân phải đối mặt nguy cơ nhiễm trùng xương ức. Tình trạng này là vấn đề nan giải, khó điều trị.
Kỹ thuật thay van động mạch chủ ngực qua đường mổ ở khoan liên sường được bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp cận thông qua khóa đào tạo từ Đức, Singapore, và đưa vào áp dụng tại Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế. Bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật này.
Bác sĩ Tiến cho biết trong những năm qua, Việt Nam áp dụng nhiều phương pháp mới trong chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Với kỹ thuật mới được học tập từ nước ngoài, các bệnh viện tại Việt Nam cần đảm bảo 3 yếu tố gồm kỹ năng, tinh thần học tập và đảm bảo trang thiết bị hiện đại, thì có thể áp dụng thành công.