Cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nặng ngừng tim 2 lần bằng kỹ thuật ECMO
Ngày 7.9, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết bệnh viện vừa cứu bệnh nhân 29 tuổi sốt xuất huyết nặng, viêm cơ tim có biến chứng ngưng - choáng tim, bằng kỹ thuật ECMO.
ECMO (oxy hóa máu bằng màng ngoài cơ thể) là một trong những kỹ thuật chuyên sâu và phức tạp nhất trong chuyên ngành hồi sức tích cực, được Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ lần đầu thực hiện ở bệnh nhân viêm cơ tim - choáng tim do biến chứng của bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh nhân là chị L.T.H.T (29 tuổi, ngụ Cần Thơ) bị sốt liên tục và nhập viện điều trị tại bệnh viện địa phương. Chị đột ngột tụt huyết áp do rối loạn nhịp nhanh thất, ngừng tim. Các bác sĩ tích cực cấp cứu, sốc điện có lại nhịp tim và chuyển đến Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu chiều 18.8 trong tình trạng sốt cao, mạch quay nhanh nhẹ, tim loạn nhịp, huyết áp khó đo.
Các bác sĩ tiến hành nhiều phương pháp hồi sức cho bệnh nhân: thở oxy liều cao, sử dụng thuốc vận mạch. Hội chẩn thống nhất chẩn đoán: sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 5 biến chứng viêm cơ tim cấp, choáng tim - suy đa tạng. Bệnh lý phức tạp, diễn tiến nặng nên bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị.
Bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp, ngừng tim lần thứ 2. Các bác sĩ tiếp tục cấp cứu ngừng tim ngừng thở thành công, đặt ống nội khí quản và gắn máy trợ thở thông số cao, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm và huyết áp xâm lấn để theo dõi huyết áp liên tục. Đồng thời, bệnh nhân phải sử dụng nhiều thuốc vận mạch liều cao để nâng huyết áp.
Do bệnh nhân có rối loạn nhịp block tim hoàn toàn - nhịp thoát thất, nên các bác sĩ đơn vị nhịp học đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời cấp cứu tại giường; đồng thời chỉ định kỹ thuật ECMO-VA nhằm hỗ trợ phục hồi chức năng tim và tuần hoàn. Ngay sau khi hệ thống ECMO hoạt động, oxy máu của bệnh nhân được đảm bảo, các chỉ số huyết động dần ổn định, giảm liều thuốc vận mạch.
Trong quá trình thực hiện ECMO kết hợp lọc máu liên tục sử dụng quả lọc hấp thụ Cytokin cho bệnh nhân, các y bác sĩ phải luôn túc trực 24/24 giờ. Ê kíp chữa đã lên kế hoạch theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn, kết quả xét nghiệm để thực hiện những điều chỉnh thích hợp nhằm đảm bảo kỹ thuật được tiến hành thuận lợi và chính xác nhất.
Bệnh nhân cũng được thay huyết tương, điều trị nội khoa tích cực, dinh dưỡng hỗ trợ, tập vật lý trị liệu... Sau can thiệp ECMO ngày thứ 5, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, huyếp áp ổn định, nhịp tim đều. Liều thuốc vận mạch giảm dần, chức năng co bóp cơ tim cải thiện tốt bệnh nhân được chỉ định ngưng hệ thống ECMO thành công.
Sau hơn một tuần nỗ lực điều trị, đến sáng 26.8, bệnh nhân cải thiện tốt, tình trạng tim mạch ổn định được thực hiện rút máy tạo nhịp tim tạm thời.
Tuy nhiên, trong tiến trình thực hiện cai máy thở, đột ngột bệnh nhân lại tiến triển viêm tụy cấp, viêm phổi nặng. Các dấu hiệu lâm sàng diễn tiến không thuận lợi. Thêm lần nữa đấu tranh với sự sống của người bệnh, gần như các bác sĩ phải chắt chiu từng tia hy vọng trong nỗ lực cứu chữa bệnh nhân.
Sau rất nhiều nỗ lực, đến sáng 6.9, bệnh nhân đã cai được máy thở, rút ống nội khí quản, phổi thông khí tốt. Ngày 7.9, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, không dấu hiệu suy tim. Bệnh nhân được tiếp tục theo dõi và điều trị tại Khoa Nội tim mạch.
Sự phục hồi ngoạn mục của bệnh nhân đã mang lại niềm vui rất lớn cho tập thể y bác sĩ bệnh viện và cũng là phần thưởng cho sự nỗ lực không ngừng quyết tâm cứu sống bệnh nhân.
Theo BSCK2 Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc: “Các biến chứng tim trong bệnh sốt xuất huyết Dengue trước đây được cho là rất hiếm, nhưng ngày càng xuất hiện trên lâm sàng nhiều hơn. Viêm cơ tim là biến chứng tim mạch thường gặp trong bệnh sốt xuất huyết Dengue. Các biến chứng trên tim của bệnh sốt xuất huyết bao gồm tràn dịch màng ngoài tim, viêm cơ tim, block nhĩ thất, ngoại tâm thu và rung nhĩ”.
Nói thêm về phương pháp ECMO, BSCK2 Dương Thiện Phước cho biết ECMO tức phương pháp trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể, được xem là phương tiện hữu ích để hỗ trợ tạm thời cho chức năng của tim và phổi khi các cơ quan này bị suy, từ đó tạo điều kiện cho cơ thể được phục hồi hoặc chuẩn bị ghép thay thế.
Ở những bệnh nhân suy tim nặng, viêm cơ tim cấp hoặc choáng tim, chế độ ECMO qua tĩnh mạch - động mạch (VA ECMO) được ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, ECMO là một kỹ thuật phức tạp, chi phí cao, cần ê kíp bác sĩ rất chuyên nghiệp để vận hành.
Cũng theo các bác sĩ, thành công trong điều trị của ca bệnh trên trước hết là nhờ sự phối hợp đồng bộ, vững chuyên môn giữa các chuyên khoa, quyết tâm của các y bác sĩ. Đặc biệt là chạy ECMO - một kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, hiện đại, được ví như biện pháp cuối cùng cho những ca bệnh nặng và thường chỉ được thực hiện ở các bệnh viện lớn tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, hiện đã có 20 bệnh nhân thực hiện ECMO tại bệnh viện này, nhiều bệnh nhân nặng nguy kịch đã được cứu sống kỳ diệu.