Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa dính những sai phạm gì?
Với 2 nhiệm kỳ đứng đầu ngành Công Thương, ông Vũ Huy Hoàng bị tố liên quan đến hàng loạt quyết định bổ nhiệm bất thường những người được đánh giá là các 'đệ tử thân tín' và con trai là Vũ Quang Hải vào những vị trí béo bở tại các công ty đẻ ra tiền thuộc ngành công thương. Còn bà Hồ Thị Kim Thoa liên quan đến những vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Là một trong số ít người đứng đầu ngành Công Thương giữ hai nhiệm kỳ Bộ trưởng liên tiếp, ông Vũ Huy Hoàng cũng được ghi nhận là người có nhiều đóng góp cho các quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng là cựu Bộ trưởng đầu tiên trong Chính phủ bị kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban Cán sự đảng khi đã nghỉ hưu và bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Trước đó, hồi năm 2017, Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 – 2016 của ông Vũ Huy Hoàng. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng do đã có những vi phạm về công tác cán bộ khi giữ chức vụ Bộ trưởng.
Ít lâu sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.
Sau quãng thời gian làm việc 60 ngày với Bộ Công Thương về công tác nhân sự hồi tháng 8/2016, theo kết luận của UBKT T.Ư, những việc làm trên của ông Hoàng là vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Hoàng cũng bị kết luận là thực hiện không đúng các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc cho chủ trương tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh giữ chức Phó Chánh Văn phòng, Trưởng Văn phòng Bộ tại Đà Nẵng; Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng, Vụ trưởng, Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương.
Điều đáng nói là mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng ông Hoàng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh Hậu Giang để bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Ông Hoàng cũng là người chỉ đạo đánh giá, quy hoạch, đề nghị phê duyệt quy hoạch thứ trưởng đối với Trịnh Xuân Thanh và một số cá nhân không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn.
Cũng liên quan đến việc dù biết Trịnh Xuân Thanh có nhiều sai phạm, gây thua lỗ tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian giữ chức Chủ tịch tại đơn vị này, nhưng ông Vũ Huy Hoàng vẫn đồng ý và ký đề xuất Ban Thi đua khen thưởng Trung ương tặng thưởng Huân chương Lao động trong 2 năm liền (2009, 2010) và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (năm 2011).
Ngoài những vấn đề liên quan đến các sai phạm của Trịnh Xuân Thanh và lùm xùm ở PVC, ông Vũ Huy Hoàng còn bị nhiều điều tiếng về việc đưa con trai là Vũ Quang Hải nắm nhiều chức vụ quan trọng ở các tổng công ty lớn thuộc ngành công thương quản lý. Cụ thể, theo kết luận của UBKT T.Ư, ông Hoàng thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai làm kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; tham gia HĐQT và giữ chức Phó Tổng giám đốc Sabeco. Tuy nhiên, thực tế đường quan lộ thần tốc của Vũ Quang Hải còn khiến nhiều người giật mình hơn.
Với việc là Bộ trưởng Công Thương, Vũ Quang Hải khi mới 25 tuổi đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI). Sau đó ở vị trí này, ông Hải để xảy ra thua lỗ trong 2 năm liên tiếp nhưng lại được đưa về làm Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). Chỉ ít thời gian sau đó, Vũ Quang Hải điềm nhiêm trở thành Kiểm soát viên Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam rồi nhanh chóng tiếp tục được bổ nhiệm thành viên HĐQT đồng thời kiêm chức Phó tổng giám đốc của Sabeco khi mới 28 tuổi.
Trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong sau đó, ông Vũ Huy Hoàng cho rằng, việc đưa con trai về Sabeco là do cuối năm 2014, HĐQT của Sabeco mà trực tiếp là Chủ tịch HĐQT (thời điểm đó là ông Phan Đăng Tuất-PV) có công văn gửi lãnh đạo và ban cán sự Bộ Công Thương nói rằng, tình hình kinh doanh của đơn vị hoạt động bình thường nhưng bộ máy chưa được kiện toàn. Trong khi nguồn tại chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu nên tổng công ty đề nghị Bộ cho phép xin đích danh Vũ Quang Hải cùng với một người tại chỗ nữa để kiện toàn bộ máy. Thẩm quyền bổ nhiệm và đề bạt là của tổng công ty.
“Hải lúc đó là phó phòng, về mặt quản lý cán bộ, Bộ phải đồng ý thì mới đi được. Căn cứ đề nghị của Sabeco và tính đến các tiêu chuẩn, Bộ đồng ý cho Hải vào trong đó để Sabeco làm quy trình bổ nhiệm. Cũng cần nói lại Vũ Quang Hải không phải tôi đề xuất. Đây là Sabeco có công văn thiết tha xin đích danh và Đảng ủy đã xem xét”, ông Vũ Huy Hoàng nói.
Ông Vũ Huy Hoàng và hoàng loạt quyết định bổ nhiệm bất thường Vũ Đình Duy
Ngoài những lùm xùm trong bổ nhiệm người thân, ông Vũ Huy Hoàng còn liên quan đến việc bổ nhiệm bất thường với Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex). Trong 2 năm sau khi rời khỏi chức vụ Tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), để lại dự án Nhà máy Xơ sợi polyester Đình Vũ đối mặt thua lỗ nặng, 2.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu gần như mất, ông Vũ Đình Duy được luân chuyển qua nhiều vị trí khác nhau với những quyết định bổ nhiệm để lại nhiều điều tiếng.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong,việc bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy, người từng nhiều năm giữ chức Tổng giám đốc Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí PVTex (ông Duy giữ chức Tổng giám đốc từ ngày 15/7/2009 đến tháng 2/2014) liên tiếp “có vấn đề” về quy trình, khi từ PVTex về làm Phó giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng. Một thời gian ngắn sau đó, Vũ Đình Duy được điều động về làm Cục phó An toàn kỹ thuật và Môi trường công nghiệp với những quy trình bổ nhiệm bất thường khiến các lãnh đạo của Cục này cũng bất bình vì không ai được hỏi ý kiến liên quan đến việc bổ nhiệm Vũ Đình Duy làm lãnh đạo cục.
Không chỉ dừng tại đó, chỉ một ngày trước khi Bộ Công Thương có Bộ trưởng mới, ông Vũ Đình Duy (sinh năm 1975, có học vị Thạc sỹ Công nghệ hóa học), tiếp tục được điều động làm Ủy viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho đến nay. Sau khi những quyết định bổ nhiệm bất thường – có sự chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng- bị phanh phui, năm 2016 Vũ Đình Duy đã cáo ốm ra nước ngoài chữa bệnh và biến mất từ đó đến nay.
Liên quan đến việc bổ nhiệm ông Vũ Đình Duy làm thành viên Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hồi tháng 4/2016, trả lời câu hỏi trong buổi làm việc ngày 8/9/2016 với PV Tiền Phong, ông Ngô Mạnh Hoài, Ủy viên HĐTV, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, việc bổ nhiệm này là do Bộ Công Thương có văn bản gửi xuống tập đoàn đề nghị thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ. Việc bổ nhiệm do trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công Thương (ông Vũ Huy Hoàng-PV) trực tiếp quyết định.
Một năm, ông Vũ Huy Hoàng đi công tác nước ngoài hơn 160 ngày
Sau gần một năm kể từ khi ông Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương, kết quả kiểm tra hoạt động quản lý công tác đi nước ngoài của một số bộ giai đoạn 2012-2016 được Thanh tra Chính phủ tiết lộ đã cho thấy nhiều vấn đề trong việc quản lý cán bộ đi nước ngoài. Theo Thanh tra Chính phủ, việc lập, phê duyệt các đoàn công tác nước ngoài của bộ ngành cũng như địa phương nằm trong danh sách kể trên vẫn còn bất hợp lý về thời gian, không sát với tình hình thực tế. Trong đó, Bộ Công Thương được xác định là bộ có số lãnh đạo Bộ đi công tác nước ngoài rất nhiều.
Cụ thể, năm 2014, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 đoàn. Năm 2015, cựu Bộ trưởng Hoàng đi tới 22 đoàn. Tổng thời gian ở nước ngoài của ông này lên tới 163 ngày, chiếm nửa thời gian làm việc trong năm.
Chưa hết, tháng 1/2016, ông Vũ Huy Hoàng còn ký quyết định cho 5 cán bộ đi nước ngoài với khoản kinh phí lên đến gần 1,4 tỷ đồng. Trong số 5 cán bộ này có cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa với khoản kinh phí gần 321 triệu đồng.
Việc ông Vũ Huy Hoàng đi nước ngoài công tác nhiều hơn một số bộ trưởng khác cũng có lý do khách quan là ngành Công Thương thời gian đó đàm phán, ký kết rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do nên ông cũng phải đi để dẫn đầu đoàn. Tuy nhiên, cũng không phải không có chuyến đi ông cũng tranh thủ việc riêng, như ra sân chơi golf.
Bà Hồ Thị Kim Thoa có những sai phạm gì?
Tối 10/7, theo nguồn tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên thứ trưởng Bộ Công Thương, để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Cơ quan kiểm tra xác định các vi phạm, khuyết điểm của bà Thoa chủ yếu diễn ra trong thời gian bà giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang (từ tháng 1/2004 – 5/2010).
"UBKTTW nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa là nghiêm trọng. Căn cứ Quy định số 181 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, UBKTTW quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Căn cứ Quy định số 260 của Bộ Chính trị, UBKTTW kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của bà Hồ Thị Kim Thoa" - kết luận của UBKTTW nêu rõ.
Liên quan đến những thông tin về bà Hồ Thị Kim Thoa sở hữu khối tài sản lên tới hàng trăm tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, việc thâu tóm, sở hữu cổ phần của các thành viên trong gia đình bà Thoa được thực hiện khá nhanh chóng sau khi công ty này cổ phần hóa năm 2005 và niêm yết trên sàn hai năm sau đó.
Sau khi cổ phần hóa và trước thời điểm thực hiện niêm yết, cổ phiếu của Điện Quang (DQC) từng được giao dịch ở mức rất cao, có thời điểm được đẩy giá lên tới 60 lần so với mệnh giá. Tuy nhiên, sau khi lên sàn, hoạt động sản xuất kinh doanh của Điện Quang không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thậm chí, năm 2008-2009, Điện Quang dưới thời Tổng Giám đốc Hồ Thị Kim Thoa gặp khó khăn đến mức dường như không thể vực nổi khi bị khách hàng Cuba nợ tới hơn 1.000 tỷ đồng. Mãi đến năm 2010, khoản nợ hơn 56 triệu USD Mỹ này được thống nhất sẽ trả dần trong thời gian sáu năm.
Từ ngày 23/2/2005 đến 17/5/2010, khi giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, bà Thoa đã bắt đầu sở hữu khá lớn số cổ phần cổ phiếu của Điện Quang. Sau khi cổ phiếu Điện Quang lên sàn chứng khoán, có những phiên giao dịch bà Thoa mua hàng chục nghìn cổ phiếu để gia tăng sở hữu.
Còn theo thông tin từ Bộ Công Thương, trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng vào năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có 18 năm công tác tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang và nắm giữ tổng cộng 1.686.415 cổ phiếu với giá trị ước tính lên tới 102 tỷ đồng, tương đương với 4,91% vốn điều lệ của Điện Quang. Số cổ phần này đã được kê khai đầy đủ trong hồ sơ bổ nhiệm vào năm 2009 và đã được báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ trưởng Công thương, bà Hồ Thị Kim Thoa - cựu thứ trưởng Bộ Công thương cùng một thuộc cấp để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", được cho là có liên quan đến những vi phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).