'Cứu' cây sau bão sẽ rút ngắn được thời gian phủ xanh đô thị tới 20 năm

Sau bão số 3, theo thống kê, chỉ riêng tại Hà Nội đã có tới 40.000 cây xanh gãy đổ, trong đó có tới 11.756 cây do thành phố quản lý. Hà Nội cũng đang khẩn trương lên kế hoạch 'cứu' hơn 4.000 cây… còn khả năng phục hồi.

Để có cái nhìn đa chiều, khoa học về vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với PGS.TS Đặng Văn Hà - Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp).

CÂY XANH ĐƯỜNG PHỐ CẦN DẢI KHÔNG GIAN SINH TRƯỞNG DƯỚI MẶT ĐẤT ĐỦ RỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN

Phóng viên: Xin PGS. TS cho biết những nguyên nhân dẫn tới tình trạng cây xanh đô thị gãy đổ hàng loạt trong mùa mưa bão vừa qua?

PGS.TS Đặng Văn Hà: Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc cây xanh đường phố bị gãy, đổ. Đầu tiên là việc tác động khách quan từ thiên nhiên như các cấp độ của gió, bão. Nếu gặp bão lớn với sức gió mạnh, ngay kể cả đối với các cây xanh có khả năng chống chịu tốt cũng hoàn toàn có thể bị gãy đổ.

Thứ hai là khả năng chống chịu của cây. Mỗi loại cây đều có sức chống chịu khác nhau tùy thuộc vào “tuổi đời”, hiện trạng “sức khỏe”, "cấu trúc" của cây cũng như khả năng sinh trưởng và phát triển của bộ rễ. Nếu cây có bộ rễ tốt, rễ ăn sâu vào đất thì khả năng bám trụ của cây sẽ cao. Ngược lại, nếu rễ cây phát triển yếu, nhất là cây không có nhiều rễ cái, rễ có xu hướng phát triển sang ngang hoặc lên phía trên thì khả năng bám trụ sẽ rất kém.

Theo thống kê, sau bão số 3, toàn thành phố Hà Nội có tới 40.000 cây xanh gãy đổ. (Ảnh: Sơn Tùng)

Theo thống kê, sau bão số 3, toàn thành phố Hà Nội có tới 40.000 cây xanh gãy đổ. (Ảnh: Sơn Tùng)

Bên cạnh đó cũng phải tính đến tỉ lệ giữa thân, tán và rễ. Nếu rễ kém phát triển, cộng thêm thân to lớn, tán um tùm, cành vươn dài thì khi gặp gió to, cây sẽ phải hứng chịu một sức cản rất lớn, khiến cây càng dễ gãy, đổ.

Vì vậy, chúng ta phải có định hướng phát triển chiều cao, tán bằng một bộ tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể. Căn cứ vào đó, trong quá trình chăm sóc, người thợ sẽ “uốn nắn” tránh để cây phát triển tự do.

Phóng viên: Thực tế, việc trồng cây xanh tại các đô thị lớn ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Đặng Văn Hà: Theo như quan sát của tôi, hiện nay, tại nhiều đô thị, chúng ta khi làm đường, làm vỉa hè, thường để sẵn các hố trồng cây. Các hố này có diện tích nhỏ, bao quanh bởi nhiều lớp gạch, đá, vật liệu xây dựng.

Bên cạnh đó, khi làm đường, làm vỉa hè, để bảo đảm nền chắc, không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nhà thầu thi công cũng thường dùng máy móc lèn chặt đất với hệ số đầm nén trên 0,95. Hệ số này càng cao thì độ nén chắc của đất cũng càng lớn, khiến cho rễ cây khó có thể “xuyên thủng”. Vì vậy, trong khoảng 10 năm đầu từ khi trồng cây, rễ cây gần như chỉ có thể phát triển ở bên trong phần hố đó, khiến cây khó bám chắc vào đất.

Ngoài ra, việc trồng cây đường phố ở nhiều nơi hiện nay còn bị tác động bởi các yếu tố khác như hệ thống ống thoát nước, dây điện ngầm, cáp ngầm, ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của rễ cây.

Video: Cây xanh ngã ngổn ngang sau bão số 3 tại Hà Nội.

Về giải pháp, ở nhiều nước, khi làm đường, họ quy hoạch luôn một dải đất để trồng cây. Dải đất này có chiều rộng bao nhiêu phụ thuộc vào tùy từng nhóm cây.

Thí dụ, đối với loại cây nhỏ (đường kính cây khoảng 60cm trở xuống), dải đất tối thiểu họ để rộng khoảng 1,5m. Đối với loại cây trung bình (đường kính cây khoảng từ 60-90cm), dải đất thường rộng từ 1,5-2,5m. Còn đối với cây lớn (đường kính cây từ 90cm trở lên), bề rộng của dải đất sẽ từ 2,5-3,5m. Đó là bề rộng dải đất tối thiểu để cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt được.

Ngoài ra, bên trên bề mặt những dải đất trồng cây dài dọc theo các tuyến đường, tuyến phố đó, họ sẽ không sử dụng các vật liệu cứng phủ bề mặt mà thường dùng các vật liệu thấm nước hoặc trồng cỏ, thảm cây bụi thấp để không ảnh hưởng đến sự phát triển của bộ rễ của những cây bóng mát; đồng thời giúp nước có thể thấm xuống, thoát đi, góp phần làm giảm tình trạng ngập úng đô thị, khi trồng dải thảm cỏ, cây bụi thấp trên dải đất cũng định hướng lối sang đường của người đi bộ ở vỉa hè cũng rõ ràng và an toàn hơn.

CỨU CÂY SAU BÃO SẼ RÚT NGẮN ĐƯỢC THỜI GIAN PHỦ XANH ĐÔ THỊ TỚI 20 NĂM

Phóng viên: Thực tế, sau khi hàng nghìn cây xanh đô thị Hà Nội bị gãy, đổ, bật gốc trong cơn bão số 3, nhiều bức ảnh chụp lại cho thấy, không ít cây còn nguyên bầu bọc rễ. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?

PGS.TS Đặng Văn Hà: Ở các vườn ươm, khi trồng hoặc đưa cây đi trồng ở nơi khác, người ta thường dùng các lớp bầu bọc rễ lại để bảo vệ bộ rễ cũng như để tránh rơi vãi đất, cát trong quá trình di chuyển.

Tôi khẳng định, trước khi đưa cây trồng xuống hố, người trồng phải có trách nhiệm tháo lớp bầu bọc. Bởi nếu để nguyên lớp bọc, nhất là bọc nhiều lớp, rễ cây không thể xuyên thủng được hết qua các lớp bầu. Khi đó, rễ cây buộc phải phát triển lên phía trên, nơi không bị cản. Như vậy, khi được trồng xong, nhìn bề ngoài, cây vẫn xanh tốt nhưng phần rễ lại phát triển lên phía trên, không bám sâu xuống được. Chỉ cần có tác động mạnh, cây dễ gãy, đổ.

Cây xanh đô thị gãy đổ hàng loạt tại Hà Nội sau bão số 3.

Cây xanh đô thị gãy đổ hàng loạt tại Hà Nội sau bão số 3.

Tuy nhiên, có thể do nhiều nguyên nhân, hay thậm chí có sự tắc trách khiến những người trực tiếp trồng cây không “dành” thời gian để tháo bỏ lớp bầu bọc cây này. Vì vậy, theo tôi, chúng ta phải tăng cường công tác giám sát trong quá trình thi công trồng cây để bảo đảm các quy định, tiêu chuẩn về trồng cây được thực hiện nghiêm túc.

Ngày 3/10, thông tin tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế-xã hội quý III/2024 của thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố cho biết, qua rà soát, trong những cây xanh đô thị gãy đổ sau bão số 3 có 12 cây còn nguyên bọc bầu, trong đó 7 cây sử dụng vật liệu không phân hủy được. Hiện, Sở Xây dựng Hà Nội đang truy tìm chủ đầu tư để yêu cầu làm rõ trách nhiệm.

Phóng viên: Sau bão số 3, thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện ưu tiên trồng lại cây xanh bị đổ nhưng có khả năng hồi sinh. Ở góc độ chuyên gia, PGS.TS có đánh giá như thế nào về chủ trương này?

PGS.TS Đặng Văn Hà: Theo tôi, đây là một chủ trương rất đáng quan tâm bởi để ươm được một cây bóng mát đủ tiêu chuẩn trồng trong đô thị phải cần đến thời gian 5-7 năm. Cây đó, sau khi trồng, để phát huy được giá trị như mong muốn, tùy theo đặc điểm sinh trưởng của mỗi loại cây - nhanh hay chậm, chúng ta có thể mất thêm 10 năm nữa hoặc thậm chí lâu hơn. Cứu được những cây bị đổ để hồi sinh chúng lại, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bớt được từng ấy thời gian và giảm bớt được số lượng thiệt hại về cây xanh do thiên tai gây ra.

Giải tỏa cây xanh sau bão số 3 tại Hà Nội.

Giải tỏa cây xanh sau bão số 3 tại Hà Nội.

Theo tôi, đây là một chủ trương rất đáng quan tâm bởi để ươm và trồng được một cây xanh có giá trị, chúng ta có thể mất 10 năm, 20 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Cứu được những cây bị đổ để hồi sinh chúng lại, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bớt được từng ấy thời gian và giảm bớt được số lượng thiệt hại về cây xanh do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên trên thực tế, không phải cây xanh nào chúng ta cũng có thể trồng lại bởi có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gãy đổ. Thí dụ đơn giản về mực nước ngầm. Nếu mực nước ngầm ở nơi cây đổ quá cao, khi trồng lại trên chính cái hố đó, rễ cây sẽ bị ngập úng và chết.

Vì vậy, ngoài việc đánh giá khả năng có thể hồi sinh của cây, chúng ta phải đánh giá được mực nước ngầm. Nếu như mực nước ngầm thấp, không ảnh hưởng đến rễ cây, chúng ta có thể trồng cây lại khi nước rút. Ngược lại, nếu mực nước ngầm cao, chúng ta không thể trồng lại cây ở vị trí đó.

CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ, BỀN VỮNG VỚI BÀI TOÁN CÂY XANH ĐÔ THỊ

Phóng viên: Ông có đề xuất giải pháp gì để chúng ta có thể cải thiện được chất lượng sống của cây xanh đường phố trong đô thị, giúp chúng phát triển tốt hơn, chắc chắn hơn để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân?

PGS.TS Đặng Văn Hà: Theo tôi, để vấn đề này đạt được hiệu quả thực chất và lâu dài, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm:

Thứ nhất, cần rà soát lại hệ thống các văn bản, chính sách liên quan đến việc trồng, quản lý và phát triển cây xanh đô thị, khắc phục những tồn tại, hạn chế (nếu có).

Cùng với đó, chúng ta cũng phải có các biện pháp theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện các quy định này xem có vấn đề gì hay không? Ở nhiều nước trên thế giới, họ có các tổ chức chuyên nghiên cứu về cây xanh đô thị, có nhiều chuyên gia về cây xanh để tư vấn cho chính quyền liên quan đến lĩnh vực này và phát huy được hiệu quả rất cao.

PGS.TS Đặng Văn Hà - Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp).

PGS.TS Đặng Văn Hà - Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp).

Thứ hai, phải xây dựng được các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến quy hoạch, thiết kế, trồng cây đô thị, trong đó có cây xanh trồng ở trên đường phố. Chúng ta phải có tiêu chuẩn về chiều cao, độ rộng của đường kính tán cây, chiều cao tán khi cây trưởng thành và đạt được giới hạn quy định là bao nhiêu? Những tiêu chí này cần rất cụ thể và phù hợp với từng loại đô thị, từng tuyến phố, khu vực ngay chính trong đô thị đó.

Sau cơn bão số 3, theo thống kê, chỉ riêng tại Hà Nội đã có tới 40.000 cây xanh gãy đổ, trong đó có tới 11.756 cây do thành phố quản lý. Hà Nội cũng đang khẩn trương lên kế hoạch “cứu” hơn 4.000 cây… còn khả năng phục hồi.

Thứ ba, phải tổ chức, tiến hành nghiên cứu khoa học và có kết quả cụ thể về các vấn đề liên quan đến cây xanh đô thị, cây trồng trên đường phố (như khí hậu, đất đai, mực nước ngầm…) để từ đó, có thể chọn và thử nghiệm giống cây, loại cây phù hợp nhất với điều kiện của mỗi đô thị, từng khu vực trong mỗi đô thị. Như vậy, mỗi loại cây chúng ta trồng xuống mới có thể đem lại hiệu quả cao nhất, phù hợp nhất.

Thứ tư, xây dựng và chọn lựa được đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kĩ thuật đủ về số lượng, đúng chuyên môn về cây xanh cảnh quan đô thị nói chung và cây cảnh quan đường phố nói riêng. Từ đó, mới có thể tiến hành và nâng cao được quá trình giám sát việc trồng cây, có các biện pháp chăm sóc, bảo vệ cây một cách bài bản, phù hợp với từng loại cây, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Ảnh: Sơn Tùng.

Ảnh: Sơn Tùng.

Ngoài ra, theo tôi, chúng ta có thể phải mất đến 10 năm hoặc lâu hơn để chuẩn bị cho việc trồng và chăm sóc cây hiệu quả. Vì vậy, các đô thị phải đặc biệt chú trọng, dành quỹ đất cho vườn ươm cây theo đúng diện tích quy định để bảo đảm cây luôn được sinh trưởng và phát triển tốt trước khi di dời để trồng vào trong đô thị, đường phố.

Chúng ta phải khắc phục được tình trạng diện tích vườn ươm thiếu, thiếu cây ươm giống, phải đi thu mua các cây, giống cây từ rừng núi hoặc các khu vực khác, khó bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn về chất lượng cây, nhất là với bộ rễ cây bởi chúng dễ bị chặt đứt, bị hư hỏng trong quá trình đào cây, di chuyển cây,...

Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS, Viện trưởng!

MINH KHÔI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cuu-cay-sau-bao-se-rut-ngan-duoc-thoi-gian-phu-xanh-do-thi-toi-20-nam-post834804.html