Cựu chiến binh làm giàu nơi Đảo Yến

Ít ai biết rằng, tại khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến có một cựu chiến binh (CCB) vượt nhiều khó khăn, miệt mài, tần tảo lao động có hiệu quả, giúp đỡ bà con làng xóm, đồng chí, đồng đội cùng vươn lên thoát nghèo.

Làm giàu trên quê hương
CCB Lê Văn Thái sinh năm 1964, ở thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình). Lúc 5 tuổi, Lê Văn Thái theo gia đình chuyển đến định cư ở thôn 19-5, xã Quảng Đông (Quảng Trạch), một làng quê nghèo dưới chân Đèo Ngang. Cũng như bao người con làng biển nơi đây, Lê Văn Thái đã trải qua những năm tháng tuổi thơ cơ cực vì thiếu ăn, thiếu mặc và bom đạn chiến tranh.

Tháng 3-1983, Lê Văn Thái tạm biệt gia đình, quê hương lên đường nhập ngũ vào Đoàn 403 (Quân chủng Hải quân). Sau 3 tháng huấn luyện tân binh, 6 tháng huấn luyện tiểu đội trưởng, Lê Văn Thái được điều động vào công tác tại Trung đội Vệ binh của Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân, giữ chức phụ trách Trung đội trưởng. Tháng 8-1987, Lê Văn Thái xuất ngũ, trở về với gia đình.

 Cựu chiến binh Lê Văn Thái (bên trái) kiểm tra cá bớp nuôi trên biển trước khi xuất bán ra thị trường.

Cựu chiến binh Lê Văn Thái (bên trái) kiểm tra cá bớp nuôi trên biển trước khi xuất bán ra thị trường.

Ở xã Quảng Đông, thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nắng như thiêu đốt, cháy hết cỏ cây, mùa đông cuộn tròn trong chăn bông mà vẫn lạnh đến cắt da thịt. Thiếu đất sản xuất, người dân chỉ biết dựa vào biển. Nhưng biển cả thật bao la mà con người lại nhỏ bé, trong khi đó, phương tiện thì thô sơ, lượng cá, tôm... đánh bắt được không đủ đắp đổi qua ngày.

Năm 1988, Lê Văn Thái kết hôn với chị Trịnh Thị Loan, cuộc sống gia đình vẫn còn khó khăn. Năm 1992, Lê Văn Thái quyết định vào Phú Quốc (Kiên Giang) kiếm sống. Ngày rời quê hương, khoác ba lô đi bộ cả tiếng đồng hồ ra quốc lộ bắt xe khách, Lê Văn Thái ngoái nhìn xóm làng bình yên bên chân sóng mà lòng trào dâng nỗi buồn khôn xiết.

Đất khách quê người có nhiều cơ hội làm ăn nhưng thật kém duyên với chàng trai làng biển Quảng Bình. Chật vật, xoay xở đủ nghề, giật gấu vá vai nhưng mãi không tích cóp được chút vốn liếng, Lê Văn Thái rời Phú Quốc theo bạn bè sang các nước Thái Lan, Campuchia buôn bán, tìm cơ hội làm giàu.

Gần 3 năm bôn ba lăn lộn kiếm sống, cuối năm 1994, Lê Văn Thái quyết định về lại quê hương. Vợ không có việc làm ổn định, 3 con còn nhỏ, gánh nặng mưu sinh đè nặng lên vai anh. Thời gian đầu, Lê Văn Thái loay hoay với nhiều nghề, từ thợ lặn, thi công các công trình xây dựng đến khai hoang ven đồi cát trắng, sau đó chuyển sang làm thuê cho các chủ tàu cá ở một số tỉnh miền Nam... nhưng thu nhập vẫn bấp bênh, không đủ sống.

Sau nhiều tháng năm vất vả, trăn trở tìm hướng thoát nghèo, Lê Văn Thái nhận thấy biển ở Vũng Chùa-Đảo Yến rất đẹp, hải sản lại rất ngon, có nhiều tiềm năng để khai thác, phát triển kinh tế. Sau những đêm trằn trọc suy nghĩ, năm 2019, ông trao đổi, bàn bạc với vợ quyết định thuê 5ha mặt biển ở khu vực Đảo Yến để thành lập tổ hợp tác nuôi trồng hải sản. Vốn liếng ít ỏi, lại chưa có kinh nghiệm nuôi trồng, nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con lối xóm, đồng đội từng qua môi trường quân ngũ, Lê Văn Thái cùng gia đình vay mượn tiền bạc, tự tin tạo lập cơ nghiệp ngay trên vùng biển quê hương.

Ngày gia đình thả lứa cá giống, ốc hương, sò lụa đầu tiên vào lồng bè nuôi nhốt, rất nhiều ngư dân làng biển Quảng Đông đến động viên, chia vui, thắp lên kỳ vọng đổi đời với ông Lê Văn Thái. Đợt thu hoạch đầu tiên, gia đình ông xuất bán khoảng 6 tấn hải sản các loại, lãi hơn 500 triệu đồng. Nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, ông tiếp tục gom toàn bộ vốn liếng, vay mượn thêm người thân, bạn bè để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cũng thời gian này, CCB Lê Văn Thái thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại tổng hợp Phước Thịnh (trụ sở tại thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông), chuyên thu mua hải sản, cung cấp xăng, dầu, nguyên liệu, ngư lưới cụ... cho bà con ngư dân.

Tuy nhiên, đợt nuôi trồng hải sản tiếp theo, ảnh hưởng của mưa bão năm 2020 đã làm hư hỏng nhiều lồng bè, hải sản nuôi nhốt vì thế cũng thất thoát rất nhiều. Tuy nhiên, thiệt hại đó chưa đáng kể, bởi đây là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hải sản không có đầu ra, nguồn nước bị ô nhiễm đã làm các loại hải sản chết hàng loạt. "Hàng chục tấn ốc hương, cá bị bệnh và chết, thiệt hại kinh tế lên đến hơn 2 tỷ đồng. Đó là cú sốc quá lớn khiến tôi suy sụp và nghĩ không bao giờ gượng dậy nổi", bà Trịnh Thị Loan, vợ CCB Lê Văn Thái rơm rớm nước mắt nhớ lại.

Bao nhiêu công sức, tiền bạc phút chốc đổ xuống sông xuống biển, tay trắng hoàn trắng tay, ông Lê Văn Thái thẫn thờ, đau khổ. "Giữa lúc tưởng chừng như tuyệt vọng nhất, từ Đảo Yến, hướng mặt lên Vũng Chùa, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp kính yêu an nghỉ, tôi lại dặn lòng mình không được nản chí, bỏ cuộc, phải quyết tâm vượt qua gian khó, vươn lên", ông Thái nhớ lại.

CCB Lê Văn Thái tiếp tục vay mượn anh em, bạn bè, thế chấp tài sản để nuôi trồng hải sản. Nhờ mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, những năm tiếp theo, CCB Lê Văn Thái xuất ra thị trường trung bình mỗi năm gần 20 tấn sò lụa, 10 tấn ốc hương, 5 tấn cá bớp, 3,5 tấn cá mú, cùng các loại hải sản khác như tôm hùm, mực lá..., doanh thu khoảng 16 tỷ đồng. Trên đà thắng lợi, CCB Lê Văn Thái mua sắm thêm ngư lưới cụ, tàu đánh bắt, thu mua hải sản, đầu tư 4 lồng nuôi cá bớp, kinh phí mỗi lồng hơn 1 tỷ đồng. Hiện cơ sở nuôi hải sản của ông có 12 lồng bè lớn nhỏ, nuôi nhiều loại hải sản có giá trị như cá bớp, cá chình, cá mú, cá hồng, cá vược, mực lá, tôm hùm, ốc hương, sò lụa... Cùng với đó, trên Đảo Yến, ông nuôi thả gần 40 con bò, hơn 70 con dê.

Nghĩa tình với đồng đội, quê hương

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi hải sản trên biển và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, CCB Lê Văn Thái phấn khởi khoe: "Tháng tới, tôi xuất bán một số loại hải sản như cá mú, cá bớp. Riêng cá bớp với số lượng khoảng 5.000 con, trung bình mỗi con nặng 5-6kg, giá thị trường dao động khoảng 250.000-270.000 đồng/kg đã có thể thu về hơn 5 tỷ đồng". Ngoài ra, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại tổng hợp Phước Thịnh cũng hoạt động rất hiệu quả, hằng ngày tấp nập tàu, thuyền vào nhập hải sản và mua nhiên liệu, thực phẩm, nước ngọt... cho những chuyến vươn khơi.

 Cựu chiến binh Lê Văn Thái (bên trái) kiểm tra cá bớp nuôi trên biển.

Cựu chiến binh Lê Văn Thái (bên trái) kiểm tra cá bớp nuôi trên biển.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hiện các cơ sở của CCB Lê Văn Thái đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 30 lao động (lúc cao điểm lên đến 70 lao động) với mức lương trung bình khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Hầu hết lao động đang làm việc là CCB, con em hội viên CCB trên địa bàn xã Quảng Đông. Hơn 12 năm gắn bó, đồng hành với CCB Lê Văn Thái, cựu quân nhân Cao Minh Thái ở thôn 19-5 chia sẻ: "Vào đây, anh em chúng tôi được bố trí công việc phù hợp, thu nhập khá cao và ổn định. Quá trình làm việc, chúng tôi cũng học tập được ở CCB Lê Văn Thái tính kỷ luật, tác phong làm việc nghiêm túc, tinh thần đoàn kết và sự chia sẻ, yêu thương. Thực sự tôi cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc!".

Phẩm chất, ý chí, nghị lực được tôi luyện trong môi trường quân ngũ đã giúp CCB Lê Văn Thái hiện thực hóa khát vọng làm giàu trên chính quê hương, hoàn thành tốt hơn trách nhiệm giúp đỡ đồng đội và những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Ông tâm niệm, đó là cách tri ân thiết thực, nghĩa tình với thế hệ đi trước, với những người từng sát cánh, hỗ trợ mình lúc hoạn nạn. Cùng với tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, CCB Lê Văn Thái trực tiếp hỗ trợ vốn giúp đỡ 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo; vận động hội viên CCB quyên góp, ủng hộ kinh phí xây dựng 3 nhà tình nghĩa tặng các gia đình hội viên CCB trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2022, khi dự án đường ven biển tỉnh Quảng Bình qua địa bàn xã Quảng Đông được triển khai thi công, CCB Lê Văn Thái đã tự nguyện hiến 3.000m2 đất trồng cây lâm nghiệp, đồng thời trực tiếp vận động 15 gia đình, trong đó có 8 hội viên CCB cùng hiến đất làm đường, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Với những kết quả đạt được, năm 2022, CCB Lê Văn Thái vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; năm 2023, được Trung ương Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2023, cùng nhiều phần thưởng khác do các cấp khen tặng. Chi hội CCB thôn 19-5 do CCB Lê Văn Thái làm Chi hội trưởng nhiều năm liền dẫn đầu Phong trào thi đua “CCB gương mẫu”.

Nhận xét về CCB Lê Văn Thái, Đại tá Trần Ngọc Sâm, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Bình khẳng định: "Ở CCB Lê Văn Thái luôn tỏa sáng phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, thể hiện bản lĩnh, khát vọng vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới và thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của các cấp hội CCB và địa phương. Tấm lòng và những việc làm của CCB Lê Văn Thái với quê hương, đồng chí, đồng đội luôn được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, tin yêu, xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để hội viên CCB trong toàn tỉnh học tập, noi theo".

Bài và ảnh: TRẦN MINH TÚ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/cuu-chien-binh-lam-giau-noi-dao-yen-798909