Cựu chiến binh Mỹ góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh

Mới đây, lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt - Mỹ thành phố Đà Nẵng tiếp đoàn của tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VVA)

Ông Grant T. Coates giới thiệu tóm tắt nội dung trong bộ hồ sơ về nơi chôn cất bộ đội Việt Nam trước khi trao cho Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng Phạm Hữu Hoa.

Tại buổi làm việc, ông Grant T. Coates - Chủ nhiệm “Ủy ban toàn quốc về Tù binh và Người mất tích” (Ủy ban POW/MIA) của VVA làm Trưởng đoàn và bà Margaret P. Porter - Giám đốc Thông tin và Đối ngoại của VVA đã thông tin về sự nỗ lực của VVA trong những hoạt động nhằm giải quyết hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh như: tuyên truyền với cựu chiến binh Mỹ về những phát triển của Việt Nam ngày nay; vận động cựu chiến binh Mỹ tích cực cung cấp thông tin liên quan đến bộ đội Việt Nam mất tich trong chiến đấu; giáo dục thế hệ trẻ Mỹ về hòa bình, hậu quả chiến tranh, đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam hai phía,…

Ông Grant T. Coates nói: “Đến nay, nhiều cựu binh Mỹ không có điều kiện quay trở lại Việt Nam và vẫn còn suy nghĩ về một Việt Nam thời chiến tranh. Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ thông tin lại với các cựu chiến binh, cung cấp cho họ những thông tin, hình ảnh về Việt Nam đổi mới để họ cập nhật tình hình Việt Nam, qua đó vận động, thúc đẩy họ cung cấp thông tin về bộ đội Việt Nam - mô tả rõ ràng, cụ thể về địa điểm, tọa độ, cuộc chiến đấu, nơi chôn cất cụ thể.

Theo ông Coates, nơi chiến trường xưa mà cựu chiến Mỹ cung cấp nay đã có nhiều thay đổi, khó xác định. Nếu chậm trễ thì càng khó tìm kiếm, đặc biệt hầu hết cựu binh đã cao tuổi...

Trong chuyến thăm lần này, đoàn đã trao bản sao hồ sơ mô tả về sơ đồ, vị trí, tọa độ một nơi chôn cất tập thể bộ đội Việt Nam hy sinh vào ngày 03/11/1969 tại một khu vực ở Bình Định. Tính đến nay, đây là đoàn thứ 30 của “Chương trình Sáng kiến cựu chiến binh” sang thăm và chuyển giao cho phía Việt Nam 304 bộ hồ sơ với khoảng 12.000 trường hợp bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến đấu, qua đó giúp phía Việt Nam tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ.

Bà Margaret Porter - Giám đốc Thông tin và Đối ngoại của VVA chia sẻ: “Tôi đã đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994, từ chuyến thăm đầu tiên của VVA và đã quay lại Việt Nam rất nhiều lần. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thấy các cựu chiến binh Mỹ cũng đang chịu những vấn để về sức khỏe do bị phơi nhiễm chất độc da cam nhưng cựu binh và người dân Việt Nam – đã nhiễm chất độc da cam đến thế hệ thứ 4”.

Bà cũng cho biết rằng trong suốt 27 năm qua, bà đã cùng VVA thu thập nhiều thông tin, hình ảnh, câu chuyện về nạn nhân chất độc da cam hai nước để đấu tranh với chính phủ Mỹ vì lợi ích của cựu chiến binh Mỹ và đòi công lý cho nạn nhân chất độc đa cam Việt Nam.

Quang cảnh buổi tiếp đoàn.

Chủ trì tiếp đoàn, ông Phạm Hữu Hoa - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng đã cảm ơn sự nỗ lực của VVA trong việc tìm kiếm, cung cấp hồ sơ về bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến đấu và những việc làm vì công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam. Ông đề nghị hai bên nên hợp tác triển khai chương trình cụ thể nhằm giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam thành phố, qua đó tăng sự hiểu biết, gắn kết, sự thân thiện giữa nhân dân hai nước.

Cảm kích với những việc làm của đoàn và tổ chức VVA, PGS.TS. Phan Văn Hòa - Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Mỹ thành phố Đà Nẵng cũng đánh giá cao những việc làm của VVA. Ông nhấn mạnh cần làm những việc có ý nghĩa để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị của nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ.

VVA được thành lập năm 1978. Năm 1994, VVA chính thức cử đoàn vào thăm Việt Nam, đồng thời bắt đầu “Chương trình sáng kiến cựu chiến binh” để đáp lại thiện chí của Việt Nam trong việc coi giải quyết vấn đề người mất tích của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề nhân đạo. VVA vận động các thành viên của tổ chức mình cũng cấp thông tin, bản đồ, sơ đồ về các trận đánh và chiến trường xưa liên quan đến bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến đấu để trao cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Ngoài ra, VVA đã tích cực ủng hộ quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. VVA cũng động viên, ủng hộ các thành viên của tổ chức quay lại Việt Nam, giúp họ thăm lại chiến trường xưa và được tận mắt nhìn thấy những thay đổi tích cực và to lớn ở Việt Nam ngày nay; qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các cựu chiến binh và nhân dân hai nước.

KIm Tuyến

Kim Tuyến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuu-chien-binh-my-gop-phan-han-gan-vet-thuong-chien-tranh-109859.html