Cựu chiến binh sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay

Sự chặt chẽ trong việc phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), tính hiệu quả của các Tổ Tiết kiệm - vay vốn và sự sát sao trong hoạt động kiểm tra, giám sát đã giúp cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn tỉnh tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn. 'Đòn bẩy' này đã giúp nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đảm bảo cuộc sống gia đình và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Nhờ nguồn vốn vay để đầu tư, vườn cà phê xen bơ của CCB Nguyễn Hải Quang (xã Tà Nung, TP Đà Lạt) ngày càng cho thu nhập cao

Nhờ nguồn vốn vay để đầu tư, vườn cà phê xen bơ của CCB Nguyễn Hải Quang (xã Tà Nung, TP Đà Lạt) ngày càng cho thu nhập cao

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng khang trang giữa vườn cà phê xen bơ xanh mướt trĩu quả, ông Nguyễn Hải Quang (66 tuổi, Thôn 4, xã Tà Nung, TP Đà Lạt) kể về hành trình chiếu đấu, rồi xuất ngũ, định cư, và xây dựng cơ nghiệp. Rời chiến trường Campuchia chống Pol Pot, sau bao lần chuyển nhà, mưu sinh từ tỉnh này đến tỉnh khác, cuối cùng ông chọn Tà Nung, vùng đất hoang sơ khi đó, để làm điểm dừng chân, lập nghiệp.

Những ngày đầu, cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng ông Quang vẫn không ngừng cố gắng, giữ vững niềm tin “chân cứng, đá mềm”. Làm thuê, cuốc mướn nhưng ông vẫn dành dụm, tích góp để có 8 sào cà phê xanh tốt như ngày nay. Nhận thấy trồng xen bơ và cà phê giống Thiên Trường cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2020, ông mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH để mua cây giống và phân bón. Chỉ hai năm sau, việc trồng xen cà phê và bơ cho hiệu quả rõ, năng suất cà phê đạt 8 tấn/ha. “Vốn vay đến nay cũng sắp trả hết, giá trị từ bơ và cà phê đã giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn, cho thu nhập 100 triệu đồng/năm so với chỉ 50 triệu đồng/năm trước đây”, ông Quang phấn khởi nói.

Tương tự, đời sống gia đình CCB Nguyễn Văn Cường (Thôn 5, xã Gia Lâm, Lâm Hà) cũng đã được cải thiện rõ nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH. Hơn 10 năm trước, gia đình ông vay 12 triệu đồng, nhờ đó, đỡ vất vả xoay xở vay mượn để đầu tư vườn cây, yên tâm sản xuất. Từ đó đến nay, đời sống gia đình ông ngày càng ổn định. Ông Cường cũng mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cà phê sang trồng cà chua, dưa leo nhà kính, cho thu nhập cao.

Từ kinh nghiệm bản thân, ông Cường và ông Quang tự tin đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm - vay vốn của Hội CCB xã để hỗ trợ các CCB khác tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Qua đó, nguồn vốn hàng tỷ đồng đến với các hội viên CCB và được sử dụng để mua phân bón, cây giống, chuyển đổi sản xuất. Quá trình bình xét, đánh giá điều kiện vay vốn được các tổ thực hiện nghiêm ngặt, minh bạch. Nhờ đó, các gia đình vay vốn đều sử dụng hiệu quả nguồn vốn, không có nợ xấu.

Không riêng hội viên CCB ở hai xã Gia Lâm (Lâm Hà) và Tà Nung (Đà Lạt), Chương trình Hỗ trợ nguồn vốn cho CCB phát triển kinh tế đã được các cấp Hội CCB trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả suốt nhiều năm qua. Theo đó, Hội CCB tỉnh Lâm Đồng là một trong những đơn vị nhận ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH. Theo ông Phạm Duy Bình - Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, tính đến 30/6/2022, Hội CCB tỉnh quản lý hơn 370 Tổ Tiết kiệm - vay vốn; giúp hơn 15.000 hộ vay, với tổng dư nợ gần 730 tỷ đồng. “Mặc dù có tổng dư nợ cao, nhưng nợ quá hạn chỉ có 0,06%. Nhờ nguồn vốn này, tính đến giữa năm 2022, tỷ lệ hộ CCB khá, giàu chiếm gần 60%; tỷ lệ hội viên nghèo chiếm chưa tới 1%”, ông Bình cho biết. Còn theo đánh giá của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, Hội CCB tỉnh sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện Chương trình quốc gia Giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương.

Để làm được điều này, theo ông Bình, Hội CCB tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung, công việc được Ngân hàng CSXH ủy thác, ủy nhiệm cho Hội, như tuyên truyền các chính sách, các tiêu chí, mục tiêu của chương trình ưu đãi tín dụng cho hội viên cũng như Nhân dân nói chung… Hội cũng thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho các cán bộ quản lý tổ; có kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận ủy thác vay vốn rõ ràng, thường xuyên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhận ủy thác vay vốn Ngân hàng CSXH, vẫn còn một số khó khăn, nhất là nhận thức của hộ vay còn thấp và kỹ năng, nghiệp vụ của cán bộ Tổ Tiết kiệm - vay vốn còn nhiều hạn chế. Do đó, thời gian tới, để hội viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, Hội CCB tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố, tham mưu cho UBND các cấp để nâng cao hoat động tín dụng, quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay, có biện pháp đối với hộ vay chây ỳ, rời bỏ địa phương…

NHẬT QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202207/20-nam-trien-khai-nghi-dinh-78-cua-chinh-phu-ve-tin-dung-chinh-sach-cuu-chien-binh-su-dung-hieu-qua-nguon-von-vay-3127579/