Cựu chiến binh Trần Văn Nam với ký ức ngày về tiếp quản Thủ đô

Khi Thủ đô giải phóng 70 năm, Cựu chiến binh Trần Văn Nam (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng vừa tròn 90 tuổi. Ngồi trong gian phòng nhỏ, ông xem lại những thước phim, ảnh tư liệu, lòng thấy phấn khởi, tràn đầy sức sống như tuổi hai mươi từ chiến trường trở về tiếp quản Thủ đô.

Tháng 10-1954, chiến sĩ Trần Văn Nam trong đội hình Sư đoàn 350 nhận nhiệm vụ làm công tác chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Bộ đội được phổ biến kế hoạch tiếp quản, các quy định khi tiếp xúc với nhân dân, đi lại, canh gác, nhiệm vụ của từng cá nhân, phân đội. Đêm trước về Hà Nội, cảm xúc hồi hộp khó tả, không biết Thủ đô có gì đổi thay qua 9 năm trường kỳ kháng chiến.

 Cựu chiến binh Trần Văn Nam kể chuyện ngày về tiếp quản Thủ đô. Ảnh ĐỨC NAM

Cựu chiến binh Trần Văn Nam kể chuyện ngày về tiếp quản Thủ đô. Ảnh ĐỨC NAM

Thời điểm trước ngày tiếp quản, cuộc chiến ngăn chặn âm mưu trao trả Hà Nội của địch tuy không có tiếng súng nhưng vô cùng phức tạp, căng thẳng. Địch muốn chống phá, còn Chính phủ ta hết sức giữ gìn tránh không để xảy ra phải nổ súng. Các lực lượng được cử vào tiếp quản các vị trí lính Pháp đóng quân, để bảo vệ nhân dân, cơ sở hạ tầng.

Chiều 9-10, đơn vị hành quân vào sân bay Bạch Mai. Nơi đây khi giặc Pháp chiếm đóng có rất nhiều máy bay dùng vận tải tiếp tế lương thực cho quân viễn chinh. Cũng chính tại sân bay này đã diễn ra nhiều trận chiến đấu nảy lửa. Quân ta nhiều lần tìm cách đột nhập phá hoại sân bay nhằm chặn đường chi viện hàng không của địch. Sân bay Bạch Mai là căn cứ hiểm yếu của địch trên địa bàn Hà Nội, nơi máy bay địch xuất phát tiếp viện cho lính Pháp trên chiến trường Bắc Bộ và đi ném bom bắn phá vùng tự do của ta. Địch bố trí lính Âu Phi canh gác rất nghiêm ngặt, xung quanh có nhiều lớp rào thép gai, hào sâu, ao hồ.

Cựu chiến binh Trần Văn Nam kể với gia đình về kỷ niệm trong những ngày Thủ đô được giải phóng. Ảnh ĐỨC NAM

Cựu chiến binh Trần Văn Nam kể với gia đình về kỷ niệm trong những ngày Thủ đô được giải phóng. Ảnh ĐỨC NAM

Khi bộ đội về tiếp quản sân bay, cả khu vực đường băng rộng lớn vắng lặng, không thấy máy bay. Chỉ còn những tên lính Âu Phi chờ lệnh rút khỏi Hà Nội. Trong bóng chiều nhá nhem ngày 9-10, tình cờ chiến sĩ Trần Văn Nam thấy 2 tên lính Âu Phi. Do biết tiếng Pháp nên anh đã đứng lại hỏi chuyện chúng. Những tên lính bạc nhược đã thốt lên rằng: “Cảm ơn Việt Nam đã chiến thắng, chúng tôi mong chờ ngày về lâu lắm rồi”. Tinh thần rệu rã, những tên lính còn sót lại sau cuộc chiến mong ngóng được trở về quê nhà.

Đêm ở sân bay Bạch Mai thật dài, bộ đội trải chiếu nằm ở nhà ga. Một đêm tự do giữa trời Hà Nội mà đồng đội lại thao thức không ngủ được. Tất cả đều mong chờ trời sáng để tỏa ra các phố phường canh gác, chốt giữ các vị trí trên địa bàn Thủ đô.

Sớm 10-10, xe đưa Trần Văn Nam cùng đồng đội cơ động đến nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Tại đây, ta tiếp quản bệnh viện, đưa cán bộ y tế đến để chữa trị bệnh nhân. Bộ đội tổ chức canh gác đảm bảo an toàn cho bệnh viện. Đứng nơi vọng gác không được hòa mình vào đoàn quân đi giữa phố phường thế nhưng chiến sĩ Trần Văn Nam vẫn cảm nhận được không khí tưng bừng trên từng con phố, những gương mặt người Hà Nội hân hoan chào đón bộ đội trở về. Tự nén lòng mình lại, người chiến sĩ vệ binh Trần Văn Nam tự nhủ mỗi người bảo đảm an toàn trên từng vị trí cũng là góp sức gìn giữ sự bình yên của Thủ đô sau chiến tranh.

Ảnh kỷ niệm 3 cậu cháu sau khi vào tiếp quản Thủ đô (từ phải qua trái đồng chí Trần Văn Nam, tiếp theo là người cậu ruột Thái Cầm, anh trai Trần Văn Kỳ). Ảnh gia đình cung cấp

Ảnh kỷ niệm 3 cậu cháu sau khi vào tiếp quản Thủ đô (từ phải qua trái đồng chí Trần Văn Nam, tiếp theo là người cậu ruột Thái Cầm, anh trai Trần Văn Kỳ). Ảnh gia đình cung cấp

Trong những ngày làm nhiệm vụ ở Thủ đô, chiến sĩ Trần Văn Nam có thêm niềm vui khi được gặp lại anh trai Trần Văn Kỳ đi chiến đấu trước đó cũng trở về làm nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô và người cậu ruột Thái Cầm. Ba người cùng nhau ra hiệu ảnh gần bờ hồ và chụp chung một kiểu kỷ niệm ghi dấu thời khắc đặc biệt giữa Thủ đô hoàn toàn giải phóng.

Bài và ảnh: VŨ DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/cuu-chien-binh-tran-van-nam-voi-ky-uc-ngay-ve-tiep-quan-thu-do-798118