Cựu chủ tịch VEAM và 6 đồng phạm gây thất thoát 183 tỷ ra sao?
Bộ Công an xác định cựu Chủ tịch Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Trần Ngọc Hà cùng 6 bị can đã để xảy ra sai phạm, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Bộ Công an đã hoàn tất điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - VEAM) về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Cùng tội danh này, cơ quan điều tra đề nghị truy tố Lâm Chí Quang (cựu Tổng giám đốc VEAM) và 5 bị can khác. Họ là các cựu lãnh đạo VEAM và Công ty cổ phần vận tải và thương mại VEAM (Vetranco).
Kết quả điều tra xác định trong giai đoạn 2015-2019, ông Trần Ngọc Hà với chức trách và nhiệm vụ điều hành hoạt động của VEAM, đã không làm tròn trách nhiệm được giao, buông lỏng quản lý, quyết định nhiều chủ trương, chiến lược hoạt động của tổng công ty trái quy định.
Một trong các chủ trương liên quan chỉ đạo của ông Hà, đó là dự án phát triển sản phẩm ôtô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Sri Lanka.
Tại dự án này, bị can Hà đã ủy quyền cho cấp dưới ký thỏa thuận đầu tư chi phí nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới mà không có nghị quyết của hội đồng thành viên, không khảo sát hay có đánh giá chuyên môn về thị trường và khả năng tiêu thụ sản phẩm, không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được phê duyệt của tổng công ty.
Hành vi của ông Hà và đồng phạm trong việc quyết định đầu tư 400.000 USD để phát triển sản phẩm mẫu ôtô tay lái nghịch phục vụ xuất khẩu, không được hội đồng thành viên VEAM phê duyệt, là trái quy định pháp luật.
Các bị can còn bị cáo buộc tham gia đầu tư, phê duyệt dự án sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung, ký một số hợp đồng khác trái quy định. Hậu quả gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.
Ngoài vụ án trên, Bộ Công an còn kết luận thông qua các nguồn tiền vay từ VEAM và vốn vay ngân hàng, Vetranco đã lập khống nhiều hợp đồng để mua bán hàng hóa lòng vòng, chuyển tiền cho các doanh nghiệp vay trái quy định.
Sau đó, Vetranco mất khả năng trả nợ nên VEAM buộc phải dùng khoảng 76 tỷ đồng từ nguồn tiền của tổng công ty để thanh toán cho các nhà băng.
Cơ quan điều tra xác định việc bảo lãnh cho vay, lập các hợp đồng khống giữa Vetranco, VEAM và một số đơn vị liên quan nhằm trục lợi, đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 183 tỷ đồng.