Cựu quan chức công bố nguyên nhân bất ngờ khiến Afghanistan rơi vào tay Taliban

Cựu Bộ trưởng Tài chính Afghanistan đã tuyên bố rằng 'những người lính ma' và các quan chức chính phủ tham nhũng là nguyên nhân khiến Taliban có thể nhanh chóng giành quyền kiểm soát đất nước, khi các lực lượng NATO rút quân.

Chiến binh Taliban tuần tra trên đường phố Kabul. Ảnh: AFP

Chiến binh Taliban tuần tra trên đường phố Kabul. Ảnh: AFP

Phát biểu hôm thứ Tư, ông Khalid Payenda, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Afghanistan ngay trước khi Taliban tiếp quản, tuyên bố rằng khoảng 300.000 binh sĩ và sĩ quan cảnh sát có tên trong biên chế của Chính phủ Afghanistan không tồn tại.

Theo ông Payenda, cái gọi là “những người lính ma” đã được lưu trên sổ sách bởi các quan chức tham nhũng để lấy tiền lương của họ.

Tình hình này cho phép Taliban nhanh chóng giành quyền kiểm soát lãnh thổ ở Afghanistan, khi các lực lượng Mỹ và NATO rút khỏi nước này. Do các quan chức cấp tỉnh hạch toán sai, ông Payenda nói rằng con số binh lính đã bị thổi phồng lên gấp sáu lần con số thực tế.

Hoa Kỳ trước đó đã nêu lên những lo ngại về số lượng quân đội và cảnh sát thực tế ở Afghanistan, trong một báo cáo năm 2016 của Tổng Thanh tra Đặc biệt Hoa Kỳ. Báo cáo nêu rõ: “Cả Hoa Kỳ và các đồng minh Afghanistan đều không biết có bao nhiêu binh sĩ và cảnh sát Afghanistan thực sự tồn tại".

Bên cạnh vấn đề về “những người lính ma”, cựu Bộ trưởng Tài chính Payenda cho rằng các quan chức quân đội đã "ăn hai mang”, khi vừa nhận tiền lương Chính phủ vừa nhận các khoản thanh toán từ Taliban để đầu hàng, giúp Taliban kiểm soát Kabul mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào.

Mặc dù vậy, ông Payenda đã bảo vệ Chính phủ cũ và người đứng đầu của nó, ông Ashraf Ghani, khi bác bỏ cáo buộc rằng những người đứng đầu đất nước đã "tham nhũng tài chính", mà nhấn mạnh đó chỉ là hành động của các quan chức cấp tỉnh.

Chiến thắng chóng vánh của Taliban vào tháng 8, sau hơn 20 năm lực lượng Mỹ và binh sĩ NATO ở trong nước, đã gây bất ngờ cho các quan chức trên khắp thế giới, những người bày tỏ sự sửng sốt trước tốc độ tiến công của nhóm chiến binh này.

Phát biểu sau sự sụp đổ của Chính phủ Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden thừa nhận sự ngạc nhiên của chính ông về việc mọi thứ đổ vỡ nhanh chóng như thế nào, cho biết các lực lượng quốc tế đã cho Chính phủ Afghanistan “mọi cơ hội” để xác định tương lai của chính mình.

Tại cuộc họp báo đầu tiên được tổ chức tại Kabul vào thứ Tư (10/11) được Khaama Press đưa tin, Người phát ngôn của Tổng cục Tình báo (GDI) của chính quyền Taliban Khalil Hamraz tuyên bố rằng tình hình an ninh Afghanistan nói chung đã tốt hơn và đang tốt hơn từng ngày. Theo ông Khalil Hamraz, Taliban đã bắt giữ 600 thành viên chi nhánh ISIS-K và giết thêm 33 người trong ba tháng qua.

Ông Khalil Hamraz, người phát ngôn của Tổng cục Tình báo chính quyền Taliban.

Ông Khalil Hamraz, người phát ngôn của Tổng cục Tình báo chính quyền Taliban.

“82 nghi phạm bắt cóc bị bắt, 12 con tin được thả, 76 người bị cáo buộc ngụy tạo tài liệu bị bắt trong ba tháng qua”, ông Hamraz cho biết.

Người phát ngôn của Taliban Zabiullah Mujahid, người cũng tham dự cuộc họp báo nói rằng, các tay súng ISIS-K ở Afghanistan không phải là chiến binh ISIS thực sự đến từ Iraq và Syria.

Giống như mọi khi, ông Mujahid lại đánh giá thấp các chiến binh ISIS-K ở Afghanistan và tuyên bố rằng đây là một nhóm nhỏ bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng của ISIS. Đồng thời cho biết Lực lượng Không quân Afghanistan đã được tái hoạt động và đề nghị các phi công Afghanistan trở về nước và tham gia lực lượng Lực lượng Không quân Afghanistan.

Lời mời được đưa ra khi gần đây Hoa Kỳ đã đưa gần 200 phi công Afghanistan và quân nhân từ Tajikistan Afghanistan.

Trong khi đó, TASS cho biết, theo các ước tính khác nhau, thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev nói với truyền thông Nga tại New Delhi (Ấn Độ) bên lề cuộc họp về tình hình an ninh ở Afghanistan và những ảnh hưởng của nó trong khu vực và toàn cầu, rằng "Mối đe dọa tồi tệ nhất đến từ Afghanistan là chủ nghĩa khủng bố. Theo các ước tính khác nhau, có hơn 20 tổ chức khủng bố ở Afghanistan với hơn 23.000 tay súng".

Ông nhấn mạnh rằng các nguồn kinh phí chính của các hoạt động khủng bố vẫn được giữ nguyên là từ buôn bán ma túy và việc đánh một loại thuế đối với các đường dây tội phạm có tổ chức sản xuất và vận chuyển ma túy.

Ông Patrushev nói: “Afghanistan vẫn là một trong những nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất trên thế giới, thị phần của nước này trên thị trường toàn cầu đạt 90%".

Mỹ Hương (theo RT)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cuu-quan-chuc-cong-bo-nguyen-nhan-bat-ngo-khien-afghanistan-roi-vao-tay-taliban-post421269.html