Cựu quán quân Olympia: 'Ở nước ngoài, tôi có điều kiện sống tốt hơn'
Nhiều cựu vô địch Olympia chia sẻ họ chưa trở về Việt Nam vì nhận thấy Australia có điều kiện, môi trường tốt hơn cho việc học tập, nghiên cứu ở hiện tại.
Nhiều năm qua, chủ đề “ở lại hay trở về” của các nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia vẫn luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều này xuất phát từ thực tế hầu hết quán quân sau khi nhận học bổng, sang Australia học tập đều chọn ở lại đất nước này sinh sống, làm việc.
Hiện tại, chỉ có 3/18 quán quân Olympia trở về nước sau khi đi du học. Đó là Lương Phương Thảo (năm 3), Lê Viết Hà (năm 7) và Nguyễn Trọng Nhân (năm 14).
Tại Gala 20 năm của Olympia, nhiều nhà vô địch Olympia lần đầu chia sẻ về vấn đề gây tranh cãi suốt thời gian dài. Họ có chung quan điểm: không nhất thiết phải trở về mới là đóng góp cho đất nước.
Cách đóng góp mới quan trọng
Phan Đăng Nhật Minh (năm 17) cho biết cậu nhận thấy hệ thống giáo dục ở Việt Nam và Australia khá khác biệt. Bởi vậy, ngay cả khi về nước, cậu cũng thấy rất khó có thể áp dụng những phương pháp giảng dạy ở Australia vào các cơ sở giáo dục tại Việt Nam.
"Tôi nghĩ không nhất thiết mình phải ở Việt Nam hay bất cứ ai ở đây phải quay về thì mới có thể trực tiếp đóng góp cho đất nước", cậu nói.
Theo Nhật Minh, tại xứ sở chuột túi, học sinh và giáo viên giống như những người bạn, có thể trao đổi với nhau thoải mái, gạt bỏ đi tất cả rào cản. Đó là một trong những điều cậu cảm thấy thú vị ở Australia và mong Việt Nam cũng thay đổi như vậy.
Lê Vũ Hoàng (năm 6) cho hay việc nghiên cứu của anh để cho ra kết quả đòi hỏi phòng thí nghiệm tốn kém, kỹ thuật công phu. Hiện chỉ có 3 trường đại học ở Australia đáp ứng được điều đó và trên thế giới, nơi làm được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là lý do anh chọn ở lại xứ sở chuột túi.
Theo cựu quán quân này, cách đóng góp cho đất nước mới là quan trọng, chứ không nằm ở việc nhất định phải trở về.
"Khi ở nước ngoài, tôi có điều kiện tốt hơn để tạo ra các sản phẩm phục vụ cư dân trên thế giới, cũng như ở Việt nam. Cách đóng góp của tôi là bằng những sản phẩm, dự án có tính liên kết. Tôi nghĩ đó là cách rất thiết thực", Vũ Hoàng nói.
Là nhà khoa học, Lê Vũ Hoàng bày tỏ mong muốn được làm những điều mình thích, nghiên cứu mọi thứ bản thân đam mê. Khi có điều kiện theo đuổi đam mê, bất cứ ở nơi nào có một công ty, nơi làm việc cởi mở, chú trọng công nghệ mới, quyết tâm đầu tư để đạt sản phẩm, công nghệ ngang tầm thế giới, anh sẽ cân nhắc.
Sẽ về nước khi điều kiện phù hợp
Với Phan Mạnh Tân (năm 2), ở hiện tại, việc sinh sống tại Australia là lựa chọn tốt hơn cho gia đình anh. "Giờ con còn nhỏ, tôi không muốn thay đổi nhiều quá. Các cháu sinh ra ở Australia cũng được hưởng nền giáo dục tương đối tốt".
Mạnh Tân không cho rằng Việt Nam phải thay đổi, phát triển gì hơn để thu hút quán quân trở về, mà tùy thuộc thời điểm nào họ cảm thấy điều kiện cá nhân, gia đình phù hợp cho việc hồi hương.
Quán quân năm 2 cho hay khoảng 10 năm nữa, khi con thứ 2 khoảng 18 tuổi, anh sẽ cân nhắc trở về Việt Nam sinh sống.
Đang theo đuổi chương trình tiến sĩ ngành Kinh tế tại Đại học Swinburne (Australia), Phan Minh Đức (năm 10) nói việc ở lại xứ sở chuột túi thuận lợi và đỡ tốn thời gian cho anh hơn là về Việt Nam.
Chàng trai sinh năm 1992 chia sẻ anh từng về nước trong một thời gian và giảng dạy ở một trường đại học.
"Tôi nghĩ khi bản thân làm điều gì đó tốt cho mình và mọi người đã là đóng góp cho đất nước rồi. Khi làm, không cần thiết phải nói cho tất cả biết hay khoe ra", anh nói.
Cựu quán quân này chia sẻ thêm vấn đề sức khỏe của bản thân và tình hình môi trường ở Hà Nội cũng là lý do anh chưa trở về.
"Tôi mong Hà Nội sẽ đỡ bụi hơn một chút. Tôi chưa về chỉ vì vấn đề môi trường, chứ bản thân tôi thích cuộc sống ở Việt Nam, vì ở đó có gia đình và chiếc xe máy của tôi. Những thứ đơn giản như vậy thôi", Minh Đức nói.
Theo nhà báo Tạ Bích Loan, một trong những người đầu tiên xây dựng chương trình Đường lên đỉnh Olympia, nhiều người luôn mong ước Việt Nam phải bằng Australia. Tuy nhiên, chị cho rằng tại sao không nghĩ ngược lại là sau này có nhiều sinh viên Australia sang nước ta học tập và thích ở lại, chứ không phải các tài năng của Việt Nam ra đi, tìm thấy môi trường tốt hơn cho học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.
Trước đó, trong bài chia sẻ với Zing, Nhà sử học Lê Văn Lan, cố vấn môn Lịch sử cho Olympia 20 năm qua, bày tỏ: "Bản chất của chương trình Olympia là vui mà học, học mà vui, rồi từ đó các em có thêm các kỹ năng sống. Chúng tôi làm chương trình vì rất nhiều mục tiêu như thế. Chuyện các em quán quân không về là đúng, các vị trách cứ cũng đúng nhưng phải thông cảm vì đây là tình hình chung".
Bên cạnh những lời chỉ trích quán quân không về nước, nhiều khán giả cũng cho rằng hãy cứ để họ và những người tài nói chung được lựa chọn cống hiến và làm việc ở đâu. Bởi khi thế giới đã phẳng, một người ngồi ở Việt Nam chưa chắc đã làm được nhiều cho đất nước bằng một người ở Anh, Pháp, Mỹ.