Cứu rừng vùng giáp ranh - phải xử lý lâm tặc 'chúa'

Để hạn chế tình trạng phá rừng tự nhiên, ba tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk - Phú Yên đã ký kết quy chế phối hợp, trao đổi thông tin về bảo vệ rừng. Tuy nhiên, thực tế vùng rừng giáp ranh vẫn bị mất và liên tục trở thành điểm nóng, cần thiết phải xử lý các lâm tặc 'chúa' (đầu nậu chuyên mua bán, vận chuyển gỗ) mới hy vọng giữ được rừng.

Số gỗ khai thác trái phép tại khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Ba, thuộc huyện Krông Pa. Ảnh T.A

Số gỗ khai thác trái phép tại khu vực rừng phòng hộ Nam Sông Ba, thuộc huyện Krông Pa. Ảnh T.A

5 năm, khởi tố hình sự hàng chục vụ phá rừng nghiêm trọng

Ông Nguyễn Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Gia Lai - cho biết, vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk - Phú Yên còn nhiều loại gỗ có giá trị kinh tế cao nên đã xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng. Lâm tặc đe dọa, chống đối lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng khi bị phát hiện, bắt giữ gỗ lậu. Các vụ việc không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng diễn biến phức tạp.

Từ năm 2017 đến nay, 3 tỉnh vùng giáp ranh đã tổ chức tổng cộng 309 đợt tuần tra, truy quét, phát hiện 252 vụ việc vi phạm, gồm 36 vụ phá rừng trái pháp luật, 4 vụ khai thác rừng trái pháp luật, 89 vụ tàng trữ lâm sản trái pháp luật và 123 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Tại vùng giáp ranh với tỉnh Phú Yên, Kiểm lâm đã tổ chức 56 đợt tuần tra, truy quét, phát hiện, xử lý 32 vụ vi phạm (28 vụ hành chính, 4 vụ hình sự). Tại vùng giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk, tổ chức 253 đợt tuần tra, kết quả phát hiện, xử lý 220 vụ vi phạm (194 vụ hành chính, 26 vụ hình sự).

Vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh trải dài hơn 200km, tập trung nhiều loại gỗ quý hiếm, giá trị kinh tế cao. Đường giao thông thuận lợi, hệ động thực vật đa dạng nên rừng dễ bị xâm hại. Trong khi đó, nhiều nơi không có điện lưới, sóng điện thoại di động, không đường đi lại nên gây khó khăn cho lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng.

Rừng các huyện như Krông Pa (Gia Lai), huyện Sông Hinh (Phú Yên) và huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có gỗ và hệ động thực vật đa dạng như: Trắc, Cẩm, Hương, Gõ, Giổi, Căm xe, Quế, Sâm đất, Mật nhân, Nấm Linh chi, Hoàng đẳng sâm, Voi, Rắn hổ mang chúa, Cheo cheo... Chính vì vậy, rừng trở thành điểm nóng và lâm tặc luôn manh động, sẵn sàng dùng vũ lực chống trả lại lực lượng chức năng.

“Lương bổng thấp, lấy đâu ra liêm khiết để giữ rừng”...

Ông Đỗ Xuân Dũng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk - cho biết, 5 năm qua điểm nóng phá rừng vùng giáp ranh diễn ra liên tục, báo chí đưa tin nhiều cho thấy tình trạng phá rừng đang rất nóng. Nếu rừng vẫn liên tục bị xâm hại như đã diễn ra thì tới đây lực lượng liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng tiếp tục bị kiểm điểm, bị quy trách nhiệm cho lãnh đạo các cấp, người đứng đầu đơn vị.

Theo ông Dũng, các tỉnh đã có cơ chế phối hợp rồi nhưng tại sao rừng vẫn bị mất, phải chăng cơ chế phối hợp còn có vấn đề thiếu sót. “Ở Đắk Lắk, quan điểm của tỉnh là bảo vệ rừng không chỉ trách nhiệm của xã, huyện, kiểm lâm mà của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Để giữ rừng tốt hơn cần có chế độ, chính sách cho lực lượng bảo vệ rừng tại gốc. Đời sống của họ tốt hơn thì việc giữ gìn màu xanh của rừng cũng sẽ đảm bảo hơn” - ông Dũng nói.

Ông Hồ Văn Thảo - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, Gia Lai - cho biết, trong các nhiệm vụ tại địa phương thì nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng là khó nhất, phức tạp nhất. Bởi lâm tặc "chúa" theo như cách gọi dân dã của người dân, vẫn còn tồn tại. Quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa các tỉnh thì có rồi nhưng vấn đề kiểm lâm, công an, bảo vệ rừng thực hiện như thế nào cho hiệu quả, truy quét, xử lý cho bằng được các lâm tặc “chúa”. Tính trách nhiệm trong cơ chế phối hợp thông tin cũng rất quan trọng, có thông tin là phải xử lý nhanh, kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất phá rừng xảy ra.

“Tại huyện Krông Pa, nhiệm vụ giữ rừng ngoài trách nhiệm của kiểm lâm còn có chính quyền cấp xã với tư cách chủ rừng, UBND huyện có trách nhiệm cung cấp nhân lực, vật lực, tài chính để chính quyền xã giữ rừng hiệu quả. Ngoài ra, cần có chế độ, chính sách cho bảo vệ rừng, hiện lực lượng bán chuyên trách này lương bổng rất thấp nên lấy gì để họ phải trong sạch, liêm khiết giữ rừng cho được” - ông Hồ Văn Thảo chia sẻ.

Để bảo vệ tốt vùng khu vực rừng giáp ranh, Chi cục Kiểm lâm ba tỉnh Gia Lai - Đắk Lắk - Phú Yên cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm trong sạch nội bộ, phòng chống các biểu hiện bao che, dung túng, thiếu trách nhiệm của lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Khởi tố, xử lý nghiêm các vụ phá rừng nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm.

Theo ông Trương Thanh Hà - Trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, người dân vùng giáp ranh đời sống còn nhiều khó khăn, tập quán canh tác chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp là chính. Do vậy xảy ra tình trạng phá rừng, lấn, chiếm đất rừng để sản xuất nương rẫy, chặt cây rừng đốt lấy than... Các đối tượng xấu lợi dụng địa hình phức tạp, xa xôi, đi lại khó khăn, sự thiếu hiểu biết về pháp luật và đời sống kinh tế khó khăn của người dân để lôi kéo thực hiện các hành vi phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua, bán, tàng trữ lâm sản trái pháp luật. Các đối tượng vi phạm hoạt động lén lút, bố trí người theo dõi, canh chừng hoạt động của lực lượng chức năng. Hoạt động có tổ chức (tập trung theo nhóm đông người), sử dụng các loại cưa xăng, luồn lách trong rừng để cắt, hạ gỗ, sử dụng sức người, các loại xe máy độ chế để vận chuyển gỗ trái phép ra khỏi rừng cất giấu...

https://laodong.vn/xa-hoi/cuu-rung-vung-giap-ranh-phai-xu-ly-lam-tac-chua-1062232.ldo

Theo THANH TUẤN (LĐO)

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12381/202206/cuu-rung-vung-giap-ranh-phai-xu-ly-lam-tac-chua-5781642/