Cựu Tổng Giám đốc Công ty Dược Cửu Long nói gì về việc 'ỉm' 3,8 triệu USD?
Sáng (21/11), sau khi VKS công bố cáo trạng, HĐXX bắt đầu xét hỏi các bị cáo trong vụ án 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' và 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ' xảy ra tại Bộ Y tế, Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long (Công ty Dược Cửu Long) và các đơn vị liên quan.
Theo đó, là người đầu tiên trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Lương Văn Hóa (cựu Tổng Giám đốc Công ty Dược Cửu Long) cho biết, thời điểm năm 2015, doanh nghiệp gặp khó khăn. Công ty Dược Cửu Long là doanh nghiệp Nhà nước, ít vốn, phải đi vay ngân hàng nên đã giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD, chiếm dụng vốn để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Sau khi giữ lại số tiền trên, Công ty Dược Cửu Long không báo cáo lên Bộ Y tế. Khi đoàn thanh tra của Bộ và Thanh tra Chính phủ vào làm việc, Công ty Dược Cửu Long đã đề nghị được tạm giữ lại hơn 3,8 triệu USD này lại để khi nào phía Công ty Mambo (đơn vị cung cấp dược liệu sản xuất thuốc Oseltamivir) đòi thì trả cho họ.
Bị cáo Hóa cũng thừa nhận, phía Công ty Mambo đã có văn bản xác nhận việc Công ty Dược Cửu Long không phải trả số tiền hơn 3,8 triệu USD cho Công ty Mambo.
“Thế bị cáo giữ lại hơn 3,8 triệu USD để làm gì?”. Trước câu hỏi này của HĐXX, ông Hóa cho hay, đã dùng trả lãi ngân hàng, bổ sung vốn cho công ty. Bị cáo khẳng định, không che giấu những thứ mình sai, bởi khi đứng ở đây là có lỗi.
Còn bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải (cựu Kế toán trưởng Công ty Dược Cửu Long) cho biết, giữ chức vụ Kế toán trưởng từ tháng 4/2006, có nhiệm vụ theo dõi xuất nhập khẩu hàng hóa, thu chi cho các hợp đồng của công ty.
Hải khai nhận, có biết các hợp đồng mua bán dược liệu của Công ty Dược Cửu Long sản xuất thuốc Oseltamivir với Bộ Y tế. Tổng giá trị hợp đồng khoảng 145 tỷ đồng nhưng không nhớ rõ phía Bộ đã thanh toán bao nhiêu tiền cho Công ty Dược Cửu Long.
Theo Hải, phải đến năm 2013, bị cáo mới biết Công ty Dược Cửu Long giữ lại số tiền hơn 3,8 triệu USD. “Bị cáo có biết số tiền ấy là tiền gì không?". Bị cáo Hải trả lời, đó là khoản tiền Bộ Y tế chi cho việc sản xuất thuốc và số tiền này Công ty Dược Cửu Long chưa trả cho Công ty Mambo (đơn vị cung cấp dược liệu).
Ngoài ra, bị cáo Hải cũng thừa nhận là người ký báo cáo tài chính nhưng lại không biết việc Công ty giữ lại số tiền nêu trên. Song, lời khai này của Hải bị Chủ tọa chất vấn: “Bị cáo là người ký báo cáo tài chính mà lại không biết về số tiền này, bị cáo thấy có hợp lý không?”.
Trong khi đó, bị cáo Ngô Hiếu Nghĩa (cựu Giám đốc Chi nhánh TP HCM, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất nhập khẩu Công ty Dược Cửu Long) cho hay, nhiệm vụ, quyền hạn của bị cáo là quản lý việc tiêu thụ sản phẩm; làm các thủ tục nhập nhiên liệu từ đối tác, ký kết các hợp đồng giao cho công ty và kế toán.
Đối với hợp đồng giữa Công ty Mambo và Công ty Dược Cửu Long, bị cáo Nghĩa thừa nhận chính là người đề xuất để ông Hóa ký. Hợp đồng này, ông Nghĩa xem xét rất kỹ. Sau khi hợp đồng ký kết, việc thanh toán như thế nào, ông Nghĩa không nắm rõ, đây là nhiệm vụ của kế toán.
Về số tiền hơn 3,8 triệu USD Công ty Dược Cửu Long giữ lại, từ năm 2013, bị cáo Nghĩa có nghe phong phanh từ dư luận đồn đoán nhưng không nắm rõ, Công ty Dược Cửu Long giữ lại với mục đích gì.
Cũng tại phần xét hỏi buổi sáng, bị cáo Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Vụ kế hoạch - Bộ Y tế) cho rằng, với dự án mua nhiên liệu sản xuất thuốc Oseltamivi, ông nắm giữ vai trò là Vụ trưởng, chỉ tham gia vào giám sát. Các hợp đồng của dự án, ông Liệu có tham gia ký kết nhưng việc ký này thực hiện theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Y tế.
“Trên phân công tôi ký thì tôi cứ ký thôi, còn có Ban quản lý dự án họ đảm nhiệm tất mọi công việc”, ông Dương Huy Liệu nói.
Theo ông Liệu, do quá tin tưởng vào các quyết định của Ban Quản lý dự án nên mới có sai phạm hôm nay. Đồng thời, bị cáo cũng thừa nhận có sơ suất trong kiểm tra các hợp đồng nên phải chịu một phần trách nhiệm với sai phạm.
Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2005, dịch cúm A (H5N1) diễn biến phức tạp, được Chính phủ giao nhiệm vụ nên Bộ Y tế chọn Công ty Dược Cửu Long tham gia sản xuất thuốc Oseltamivir.
Quá trình mua nhiên liệu của Công ty Mambo và sản xuất thuốc, bị cáo Lương Văn Hóa đã chỉ đạo cấp dưới đề nghị Mambo "bớt" số tiền hơn 3,8 triệu USD và việc "bớt" này ông Hóa không báo cáo Bộ Y tế.
Năm 2007, khi thanh quyết toán kinh phí phòng chống dịch, ông Dương Huy Liệu và nhóm bị cáo là các cựu cán bộ, chuyên viên thuộc Bộ Y tế đã không rà soát, không phát hiện Công ty Dược Cửu Long được đối tác giảm giá hơn 3,8 triệu USD.
Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang là Trưởng ban chỉ đạo các vấn đề liên quan thuốc đã thiếu trách nhiệm khi không chỉ đạo làm rõ, không có biện pháp thu hồi tài sản, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 3,8 triệu USD.