Cứu trợ hiệu quả, an toàn
Từ bao đời nay, cứ khi mưa lớn xảy ra thì vùng 'rốn lũ' huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là nơi đầu tiên bị ngập và lập tức, các nhóm, đội cứu trợ khắp nơi trong và ngoài tỉnh khẩn trương chở hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nước uống đến tiếp tế bà con. Đó là hoạt động xã hội mang ý nghĩa lớn theo đạo lý truyền thống 'tương thân tương ái' của dân tộc ta, giúp nhau vượt qua hoạn nạn.
Năm nay, khi các đoàn cứu trợ liên hệ để giúp đỡ nhân dân vùng lũ, lãnh đạo chính quyền địa phương tại Quảng Bình rất cảm kích, gửi lời cảm ơn chân thành và đề nghị tạm dừng việc cứu trợ của các nhóm để bảo đảm an toàn cho các đoàn cứu trợ. Bởi vì nước lũ đang dâng cao, những nhóm cứu trợ từ xa đến thường không quen quy luật con nước và địa hình, đường đi lối lại, dễ dẫn đến mất an toàn. Trên thực tế từng xảy ra tình huống chính quyền địa phương phải điều động lực lượng, phương tiện tổ chức cứu hộ, cứu nạn các nhóm, đội đi cứu trợ bị lâm nạn.
Từ đây có thể hiểu rằng, việc tổ chức cứu trợ, tiếp tế khẩn cấp cho người dân khi thiên tai, bão lụt đang diễn ra không thể chỉ là một hoạt động tự phát hoàn toàn mà phải cần có công tác tổ chức, điều hành chặt chẽ, khoa học của chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng nhằm bảo đảm an toàn, đồng thời tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Để vừa huy động được hoạt động cứu trợ của người dân vừa bảo đảm an toàn và hiệu quả, chính quyền các địa phương cần áp dụng các biện pháp tổ chức, điều phối chặt chẽ như thiết lập một trung tâm điều phối cứu trợ hoặc một kênh thông tin thống nhất để quản lý và điều phối tất cả hoạt động cứu trợ.
Mọi tổ chức, cá nhân có ý định hỗ trợ đều cần liên hệ và đăng ký tại đây để được hướng dẫn, phân bổ một cách khoa học. Điều này giúp tránh tình trạng trùng lặp nguồn lực, tránh ách tắc giao thông và giảm nguy cơ mất an toàn do thiếu kinh nghiệm. Địa phương nên bố trí lực lượng chuyên trách, có kiến thức về địa hình khu vực thiên tai để hướng dẫn các nhóm cứu trợ.
Lực lượng này sẽ hỗ trợ các đội cứu trợ về đường đi, cách thức di chuyển và phân bổ hàng hóa sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh thực tế. Để tránh việc cứu trợ ùn ứ tại một số khu vực trong khi các khu vực khác vẫn thiếu thốn, cần sắp xếp lịch trình cứu trợ theo từng giai đoạn và địa bàn cụ thể. Nhờ vậy, nguồn lực được phân bổ đều và hiệu quả, đồng thời làm giảm tình trạng hỗn loạn hoặc khó khăn trong vận chuyển. Đối với các đội tình nguyện từ xa đến, chính quyền có thể cung cấp tài liệu, huấn luyện nhanh về cứu trợ cơ bản và các quy tắc an toàn tại địa phương. Việc trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp người cứu trợ tự bảo vệ mình và hỗ trợ hiệu quả hơn.
Mặt khác, chính quyền cần thông tin kịp thời về tình hình lũ lụt, các khu vực nguy hiểm và thông báo rõ ràng về quy trình tham gia cứu trợ. Qua đó, người dân và các tổ chức có thể cập nhật tình hình thực tế và điều chỉnh hoạt động cứu trợ của mình sao cho phù hợp, an toàn. Nhờ các biện pháp trên, chính quyền không chỉ tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ dân sự mà còn bảo đảm rằng sự hỗ trợ này đến được với người dân một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực xã hội.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/cuu-tro-hieu-qua-an-toan-800995