Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển xin lỗi Đảng, mong nhận được khoan hồng
Được trình bày trước tòa, cựu Tư lệnh vùng 3 đã gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước…xin lỗi gia đình, quê hương trước những sai phạm của mình đã gây ra và mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Lê Văn Minh (áo đen), cựu Tư lệnh Cảnh sát biển
Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 4 khẳng định không bàn bạc chia tiền buôn lậu
Sau phần luận tội của đại diện Viện kiểm sát, trong phiên tòa chiều 14/7, bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 4) tiếp tục trình bày với HĐXX về việc quen bị cáo Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH TM) nhưng khẳng định, chưa bao giờ bàn bạc chia nhau tiền trong các phi vụ buôn lậu của ông Hữu.
Bị cáo Minh thừa nhận, mỗi lần bị cáo vào TP Hồ Chí Minh, ông Hữu thường cho 150 - 200 triệu đồng. “Tôi mong tòa xem xét, tôi không có tài liệu gì chứng minh. Hữu đưa cũng chỉ bảo “em cho anh mấy đồng tiêu”. Còn bản chất thì tôi thừa nhận là nhận tiền của Hữu, nhưng giữa chúng tôi không có thỏa thuận gì”, bị cáo Minh nói.
Liên quan tới mối quan hệ giữa ông Minh và ông “trùm”Phan Thanh Hữu, cáo trạng thể hiện, năm 2019, Phan Thanh Hữu biết Lê Văn Minh là Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, quản lý vùng biển các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang nên Hữu liên hệ nhờ Minh giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng và được Minh đồng ý.
Phan Thanh Hữu tại phiên tòa
Mỗi khi nhập lậu xăng từ Singapore về vùng biển Việt Nam, Hữu đều gọi điện, nhắn tin báo cho Minh biết để được bảo kê, không bị kiểm tra bắt giữ. Ngoài ra, trả lời xét hỏi tại tòa, khi cựu Tư lệnh Lê Văn Minh nói quen ông Hữu một thời gian dài nhưng không biết Hữu là người buôn lậu xăng dầu..., đại diện Viện kiểm sát tham gia xét hỏi đã truy vấn bị cáo Minh về việc: "Tại các bút lục bị cáo có khai nhắn cho anh Hữu về tọa độ neo tàu…".
Trước đó, khi nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên bị cáo Lê Văn Minh mức án 15 – 17 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Theo đại diện Viện kiểm sát, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát biển Lê Văn Minh thừa nhận cáo buộc nhận tiền từ Phan Thanh Hữu thông qua vợ ông Minh và con gái, tổng số tiền 6,9 tỷ đồng và tại phiên tòa, ông Hữu thay đổi lời khai rằng việc chuyển tiền cho vợ và con gái của Lê Văn Minh là để nhờ họ đi công đức.
Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát nhận định, Phan Thanh Hữu là người có vi phạm pháp luật, bị cáo Minh là người có chức vụ quyền hạn, do đó khoản tiền mà Hữu đưa cho bị cáo Minh đều là tiền đưa hối lộ.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử
Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển vùng 3 gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước
Đối với bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3) đã gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Đồng thời, bị cáo cũng xin lỗi gia đình, quê hương, xin lỗi HĐXX và mọi tất cả mọi người, bị cáo Lê Xuân Thanh nói “Tôi là người Tư lệnh, cá nhân tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vấn đề đã xảy ra. Tôi kính mong quý tòa căn cứ vào tình tiết của vụ án và quá trình công tác của bản thân tôi cũng như nhân thân của gia đình để xem xét lại cho tôi về mức độ truy cứu trách nhiệm hình sự một cách khách quan… cho tôi được hưởng khoan hồng. Kính chúc sức khỏe HĐXX, tôi xin lỗi, một lần nữa xin lỗi”.
Với cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Lê Xuân Thanh, Viện kiểm sát cáo buộc thông qua bị cáo Minh, Phan Thanh Hữu đến gặp, làm quen và nhờ ông Thanh giúp đỡ cho các tàu chở xăng dầu lậu không bị bắt giữ. Sau đó, ông Thanh cung cấp số điện thoại của vợ là Phan Thị Xuân cho Hữu để từ đó, trùm buôn lậu chuyển tiền hối lộ.
Căn cứ hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, Viện kiểm sát cho rằng, họ có đủ chứng cứ xác định vì động cơ vụ lợi, ông Thanh đã nhận của Hữu 1,8 tỷ đồng. Từ đó, tạo điều kiện cho Hữu vận chuyển xăng lậu trong thời gian dài, tần suất nhiều chuyến mỗi tháng mà không bị xử lý. Trong vụ án, bị cáo Phan Thị Xuân giữ vai trò đồng phạm với ông Thanh.
Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Lê Xuân Thanh, áo kẻ nhỏ tối màu hàng thứ hai
Đến nay, Viện kiểm sát quân sự ghi nhận 2 cựu thiếu tướng Cảnh sát Biển đã cùng người thân khắc phục toàn bộ khoản tiền mà họ bị cáo buộc nhận hối lộ.
Trước đó, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt các bị cáo: Phùng Danh Thoại (cựu đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu Cảnh sát Biển) mức án từ 7 - 9 năm tù về tội "Buôn lậu", cấm đảm vụ chức vụ 5 năm; Nguyễn Thế Anh (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng Kiên Giang): tù chung thân vì tội "Nhận hối lộ" và từ 1- 2 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép". Tổng hợp hình phạt chung là tù chung thân.
Đối với nhóm bị cáo bị truy tố tội "Nhận hối lộ", đại diện VKS đề nghị tuyên phạt các bị cáo: Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4) mức án từ 15 - 17 năm tù; Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 3) mức án 15 năm tù; Lưu Thế Đức (cựu thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Trinh sát 2 Bộ tư lệnh Cảnh sát Biển) mức án từ 4 -5 năm tù; Phạm Văn Trên (cựu đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh Trà Vinh)n mức án từ 9 - 11 năm tù; Nguyễn Văn Hùng (cựu thượng tá, cựu Đồn trưởng Biên phòng cảng Trường Long Hòa, tỉnh Trà Vinh) mức án17 năm tù; Nguyễn Thanh Lâm (cựu trung tá, cựu Hải đội trưởng 2 thuộc Biên phòng tỉnh Sóc Trăng) mức án từ 10 - 12 năm tù; Lê Văn Phương (cựu Thượng tá, cựu Phó phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Trà Vinh) mức án từ 3 - 4 năm tù.
Đối với nhóm bị cáo thuộc các đơn vị dân sự, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt: Bị cáo Sơn Hoàng Ngự mức án từ 4 - 5 năm tù; Phan Thị Xuân mức án từ 24 - 36 tháng tù treo; Nguyễn Văn An mức án từ 17 -18 năm tù; Phạm Hồ Hải mức án từ 7 - 8 năm tù về cùng tội "Nhận hối lộ".
Riêng bị cáo Cao Phước Hoài (SN 1996, quê Bình Định, là lao động tự do) nhận mức án từ 6 - 7 tháng tù vì tội "Không tố giác tội phạm".