Cyprus - nơi nhập tịch bí mật lý tưởng của giới nhà giàu Trung Quốc

Theo điều tra của kênh Al Jazeera (Qatar), có trên 500 công dân Trung Quốc được cấp hộ chiếu Cyprus trong khoảng thời gian từ 20172019.

 Hộ chiếu Cyprus được coi là "tấm vé" vào châu Âu của nhiều người Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Hộ chiếu Cyprus được coi là "tấm vé" vào châu Âu của nhiều người Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), điều tra của Al Jazeera mang tên Hồ sơ Cyprus với thông tin về 2.500 cá nhân tham gia chương trình chi trên 2,5 triệu USD để nhận quốc tịch Cyprus phần nào hé lộ về kế hoạch nhập cư bí mật của giới nhà giàu Trung Quốc.

Al Jazeera không công bố chi tiết danh sách những cá nhân được xét duyệt qua chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP) của Cyprus, còn được gọi là “hộ chiếu vàng”. Tuy nhiên, trong số đó có trên 500 công dân Trung Quốc được xét duyệt.

Al Jazeera đã tiết lộ tên của 8 công dân Trung Quốc trong đó có nữ tỷ phú Yang Huiyan – sở hữu công ty phát triển bất động sản Country Garden. Tạp chí Forbes (Mỹ) xếp bà Yang Huiyan là người phụ nữ giàu thứ 6 thế giới trong năm 2020 với tổng tài sản 20,3 tỷ USD. Tài sản của bà Yang chủ yếu thừa hưởng từ người cha Yeung Kwok Keung – ông là thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Theo tài liệu, bà Yang nhận quốc tịch Cyprus vào ngày 23/10/2018.

Trong 8 công dân Trung Quốc mà Al Jazeera nêu tên, có 5 người được coi là “giữ chức vụ chính trị quan trọng”. Trong đó có ông Lu Wenbin là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Thành Đô. Ông này nhận hộ chiếu Cyprus vào tháng 7/2019. Ông Lu Wenbin còn là chủ tịch công ty Công nghệ Thông tin Sichuan Troy.

Trung Quốc không chấp nhận tình trạng 2 quốc tịch do vậy một khi công dân nước này nhận quốc tịch nước ngoài thì họ tự động mất tư cách công dân Trung Quốc. Năm 2019, một đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Bắc đã bị tước danh hiệu sau khi lộ tẩy ông này có thêm hộ chiếu quốc đảo Saint Kitts và Nevis từ năm 2011.

Theo Al Jazeera, công dân Trung Quốc là nhóm đông thứ hai tham gia chương trình “hộ chiếu vàng”. Trong khi đó, công dân Nga chiếm phần đông đảo nhất với 1.000 trường hợp. Đã có công dân từ hơn 70 quốc gia tham gia vào chương trình đầu tư nhận quốc tịch tại Cyprus, trong đó có Nga, Trung Quốc, Mỹ, Mali, Maroc, Israel, Palestine, Nam Phi, Hàn Quốc và Saudi Arabia.

Đối với giới nhà giàu Trung Quốc, hộ chiếu thứ hai tạo điều kiện đi lại, chuyển tiền ra nước ngoài hoặc thậm chí bỏ trốn khi xảy ra biến cố. Hộ chiếu Cyprus được ưa chuộng bởi nó cho phép người sở hữu đi lại, làm việc và giao dịch ngân hàng tại 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Ủy ban châu Âu hồi tháng 1/2019 từng cảnh báo rằng “hộ chiếu vàng” có thể tạo điều kiện để các nhóm tội phạm có tổ chức xâm nhập vào châu Âu, gây rủi ro về rửa tiền, trốn thuế và tham nhũng. Chính phủ Cyprus cho biết đã thắt chặt quy định và mỗi cá nhân nộp đơn cho chương trình đầu tư nhận quốc tịch đều tuân thủ theo quy định tại thời điểm đó.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế ngày 26/8 đã đề nghị Ủy ban châu Âu có động thái dứt khoát với chương trình đầu tư nhận quốc tịch (CIP) còn được biết đến với cái tên “hộ chiếu vàng” của các nước thành viên trong khối.

Trước đó, kênh Al Jazeera (Qatar) đã tiến hành điều tra và đưa ra Hồ sơ Cyprus – hàng loạt dữ liệu cho thấy trong khoảng thời gian từ 2017-2019 có trên 1.400 cá nhân đã bỏ ra số tiền lớn 2,5 triệu USD để họ và gia đình có thêm hộ chiếu Cyprus.

Trong số này có khoảng 30 cá nhân đang bị khởi tố và 40 nhân vật giữ chức vụ quan trọng trong chính phủ một số quốc gia. Một ví dụ là khi mua hộ chiếu Cyprus năm 2019, cựu lãnh đạo tập đoàn Gazprom - Nikolay Gornovskiy đang nằm trong danh sách truy nã của Nga vì tham nhũng.

Với khoản đầu tư tối thiểu 2,5 triệu USD, một cá nhân có thể trở thành công dân Cyprus đồng nghĩa với việc là công dân EU và được di chuyển, sống và làm việc tại 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Các nhà điều tra của Al Jazeera còn nhận diện được một số cá nhân nhận hộ chiếu Cyprus ngay trước khi bị khởi tố tại quê hương.

Điều tra của Al Jazeera cho thấy chương trình đầu tư nhận quốc tịch của Cyprus có sơ hở đối với rửa tiền và tham nhũng. Hồ sơ Cyprus còn là bằng chứng cho thấy các nước thành viên EU chưa cải tổ đủ đối với chương trình đầu tư nhận quốc tịch để tránh việc bị lợi dụng.

Theo Báo Tin tức

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/the-gioi/tin-nhanh/cyprus-noi-nhap-tich-bi-mat-ly-tuong-cua-gioi-nha-giau-trung-quoc-357492.html