Đá Cạn - Nghị quyết chưa 'bám rễ' đất nghèo !

PTĐT - 5 năm trước đây, sau  nhiều năm trăn trở với câu chuyện thoát nghèo cho bản người Dao Đá Cạn, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn...

Đa số các hộ dân là hộ nghèo, cuộc sống tự cấp tự túc, kinh tế manh mún cùng tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Đa số các hộ dân là hộ nghèo, cuộc sống tự cấp tự túc, kinh tế manh mún cùng tư tưởng trông chờ, ỷ lại

PTĐT - 5 năm trước đây, sau nhiều năm trăn trở với câu chuyện thoát nghèo cho bản người Dao Đá Cạn, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn; Đảng ủy xã đã bàn bạc, thống nhất có một Nghị quyết chuyên đề dành riêng cho nơi này với mong muốn bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Đá Cạn sẽ sớm vươn lên cùng quyết tâm và sự đồng thuận của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.Nhưng sau 5 năm quay lại nơi đây, câu chuyện thoát nghèo vẫn là một đề tài “thời sự” của lãnh đạo địa phương bởi "lối ra" dường như vẫn chưa được khai thông! Còn tư tưởng trông chờ , ỷ lại

Không như những bản động vùng cao khác của Thanh Sơn, bản người Dao Đá Cạn khá thuận tiện về đường đi. Từ UBND xã, xe ô tô vào tận bản trên tuyến đường khá ổn. Đi cùng đồng chí Đinh Viết Lượng- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hương Cần vào bản, câu chuyện của chúng tôi vẫn xoay quanh vấn đề thoát nghèo ở nơi này.
Nhấn mạnh về " Nghị quyết thoát nghèo" - cách gọi khác đối với Nghị quyết chuyên đề mà Đảng ủy xã đã ban hành riêng cho Đá Cạn, đồng chí Phó Bí thư Thường trực nhớ lại: 5 năm trước, trăn trở trước điều kiện khó khăn của bản, hạ sơn từ lâu mà bao năm vẫn quanh quẩn với chuyện nghèo, Đảng ủy xã đã bàn bạc, quyết tâm vào cuộc để giúp nhân dân nơi đây sớm vươn lên. Làm động lực cho quyết tâm này, Nghị quyết chuyên đề đã được bàn thảo kỹ và thông qua với các chỉ tiêu rất cụ thể cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị xã Hương Cần.

Mô hình nuôi bò thịt duy nhất trong bản của Trưởng khu, đảng viên Triệu Thị Chuyên- người năng động trong việc làm kinh tế

Mô hình nuôi bò thịt duy nhất trong bản của Trưởng khu, đảng viên Triệu Thị Chuyên- người năng động trong việc làm kinh tế

Tuy nhiên, qua 5 năm kiểm điểm lại, thì đến nay, cả bản mới chỉ có 4 hộ thoát được nghèo. Cơ bản các hộ còn lại vẫn đang loay hoay với câu chuyện "miếng ăn, manh áo" hằng ngày. Vẫn Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã kể lại: Thời kỳ mới ban hành Nghị quyết, cả bản có hơn 30 hộ di dân về lập nghiệp từ nhiều nơi trên địa bàn huyện, nhưng đến nay sau 5 năm kiểm lại thì số hộ chỉ còn hơn 20. Lý do duy nhất khiến cho số hộ giảm chắc cũng không ngoài câu chuyện đói nghèo kéo dài, khiến cho nhiều hộ dân lại tiếp tục di chuyển đến những miền đất mới ! Tìm hiểu được biết, là khu thuộc diện 135, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và không phải là không có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhưng dường như với Đá Cạn và người dân nơi này, những cú hích vẫn chưa đủ mạnh để làm cho vùng đất này bật lên! Bí thư Đảng ủy xã Hương Cần, đồng chí Đinh Quang Vận nhớ lại: Năm 2016, bàn kỹ và quyết tâm cao, Đảng ủy ban hành Nghị quyết số 72 dành cho bản trên tinh thần "cầm tay chỉ việc" cùng với huy động cơ sở vật chất, con người của các ban, ngành, đoàn thể xã để " xắn tay" cùng Đá Cạn. Những việc làm cụ thể được đồng loạt triển khai gắn với nhiệm vụ của từng cán bộ, đoàn thể xã. Thậm chí, để đưa Nghị quyết vào nhanh, vào sát với Đá Cạn, Đảng ủy xã còn giao các ngành đoàn thể phụ trách tới tận hộ. Quán triệt tinh thần của Nghị quyết, với quyết tâm cao, cán bộ đoàn thể đã vào nắm từng hộ để tuyên truyền, lắng nghe, bàn bạc và cùng tìm hướng thoát nghèo.

Cán bộ xã thường xuyên đến nhà, trao đổi với người dân về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Cán bộ xã thường xuyên đến nhà, trao đổi với người dân về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo

Vào cuộc cùng bà con, những việc làm cụ thể đã được triển khai tích cực. Cán bộ cùng ăn, cùng ở, bàn với chi bộ, đảng viên nơi đây đồng thời cầm tay chỉ việc cho từng hộ, từ hỗ trợ con giống, cây rau mầu, thậm chí cán bộ còn làm mẫu từ cách đánh luống, trồng rau, nuôi trồng con giống...rất cụ thể với sự kiên trì, tỉ mỉ những mong bà con nhìn thấy, nhận ra rằng, muốn thoát nghèo phải thay đổi nhận thức, phải có kiến thức KH- KT mới và dám nghĩ, dám làm…Nhưng không như mong đợi, cây, con không trụ được ở đất này, nhận thức của bà con vẫn...dậm chân tại chỗ. Bàn tới, bàn lui để đưa nghị quyết " bén rễ" đất này, nhưng câu chuyện không dừng lại ở đây...Cây rau không lên, con dê mang vào chết dần, hàng ngàn con gà giống cũng không biết đi đâu hết…Còn nhận thức của người dân thì vẫn vậy ! Và cái nghèo cứ “bám” Đá Cạn như một “lời nguyền” mấy chục năm nay mà chưa gỡ nổi !

Chi bộ, đảng viên chưa là…đầu tầu!

Theo Bí thư Đảng ủy xã, nhiều năm kiên trì vận động, thuyết phục, giúp đỡ với mong muốn "dựng phong trào, xây cán bộ" - lấy cán bộ, đảng viên làm cốt cán ở khu dân cư, thì chi bộ Đá Cạn đã có 5 đảng viên do đồng chí Lý Văn Phủ làm Bí thư chi bộ. Tuy nhiên, qua nắm bắt, trao đổi thấy rằng, mặc dù có chi bộ nhưng thực tế hoạt động và vai trò đầu tầu của đảng viên nơi đây có nhiều chuyện cần phải tính toán lại để phát huy được vị trí của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở cơ sở, nhất là các chi bộ và đảng viên vùng cao, nơi còn nhiều khó khăn về KT-XH và hạn chế về nhận thức…

Thăm nhà Bí thư chi bộ Lý Văn Phủ, đồng chí cho biết: Chi bộ hiện có 2 đảng viên đi làm ăn xa ở tận Sơn La. Hằng tháng vẫn sinh hoạt vào mùng 5. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ hơn được biết, bản thân Bí thư chi bộ cũng mới chỉ có trình độ lớp 5, được học 1 lớp sơ cấp lý luận sau khi vào đảng; nhiều đảng viên nhận thức còn yếu, việc thấm nhuần và triển khai hiệu quả các chủ trương của cấp trên vẫn chậm và không thống nhất dẫn đến việc đưa nghị quyết vào thực tiễn còn nhiều hạn chế ! Trao đổi về câu chuyện thoát nghèo và vai trò của chi bộ, đảng viên nơi đây, đồng chí Phủ cho biết: Đúng là Đảng ủy, chính quyền xã rất quan tâm đến Đá Cạn, nhất là việc thoát nghèo và có Nghị quyết chuyên đề cho riêng nơi này, nhưng đến nay kiểm điểm lại thì để nghị quyết ở lại và bám rễ cùng bản quả thực còn quá nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính là do nhân dân cơ bản nhận thức không đồng đều, đất canh tác ít, cây lúa, củ khoai đưa vào năng xuất không cao, hiệu quả không đều ! Cũng theo Bí thư Phủ, thì nguồn lực để Đá Cạn phát triển đó là phải có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, mua con giống, vì hiện tại đa số người dân thiếu vốn làm ăn.

Thử nghiệm nuôi tằm ăn lá sắn của hộ bà Triệu Thị Chuyên – Trưởng khu Đá Cạn

Thử nghiệm nuôi tằm ăn lá sắn của hộ bà Triệu Thị Chuyên – Trưởng khu Đá Cạn

Đến thăm nhà trưởng khu Triệu Thị Chuyên- hộ khá giả nhất bản, qua trao đổi được biết, hai vợ chồng đều là đảng viên, ngoài chăm chỉ làm ăn, còn năng động vay vốn mua bò, làm rừng và đang nuôi thử nghiệm con tằm. Do đó, cùng với sức trẻ của đôi vợ chồng này, thì nhận thức, quyết tâm thoát nghèo là động lực để họ thử nghiệm các mô hình mới. Theo Trưởng khu Chuyên, bản có chỗ chăn thả dê, bò…nhưng thực sự nguồn vốn với người dân rất khó khăn bởi cần phải đầu tư lớn và không phải ai cũng có thể tiếp cận được. Trao đổi về vai trò của đảng viên và chi bộ, đồng chí Trưởng khu thừa nhận: Ngoài hạn chế về nhận thức của đảng viên thì nhiều năm nay việc phát triển đảng rất khó khăn do nguồn không có. Thanh niên đi làm ăn xa, nếu ở nhà thì trình độ lại hạn chế, nhận thức yếu.

Đồng chí Đinh Viết Lượng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã thông tin: Không có nguồn và phát triển đảng yếu cùng với nhận thức, trình độ của đảng viên là những hạn chế khiến cho vai trò của đảng viên, chi bộ nơi đây chưa được phát huy. Bên cạnh đó, tình trạng đảng viên đi làm ăn xa, không " bám bản, nêu trách nhiệm" nên cũng bị hạn chế vai trò. Tinh thần “nói đi đôi với làm” của đảng viên còn hạn chế và chưa đủ sức thuyết phục cũng như kéo phong trào chung đi lên cả bản có được sức bật từ nghị quyết thiết thực của Đảng ủy cấp trên. Nhận thức của người dân còn hạn chế và tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn nhiều trong suy nghĩ, thậm chí cán bộ xã vào tận nơi rào vườn, làm luống, cầm tay chỉ việc, đưa cả xóm đi tham quan các mô hình kinh tế tận Xuân Sơn nhưng rồi vẫn không nhân được mô hình. Vì người dân nhìn nhưng không làm theo và nghĩ nhưng không nên việc. Nhớ về những ngày giúp dân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã kể lại: Tâm lý trông chờ, ỷ lại đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân Đá Cạn. Cán bộ cứ làm, người dân thì ngồi xem hoặc ngó ra với ánh mắt thờ ơ. Đánh luống, trồng rau, mang cả gà, dê, lợn vào tận bản, giao tận hộ, cầm tay chỉ việc tưởng chừng hết cách rồi mà đâu vẫn... hoàn đấy. Rau vẫn hỏng, lợn gà dê chết dần chết mòn làm cho cán bộ nản chí. Không chỉ vậy, dù muốn người dân thoát nghèo nhưng ngay cả đảng viên cũng diện hộ nghèo. Theo đồng chí Đinh Quang Vận, Phó Bí thư Thường trực đảng ủy xã Hương Cần thì sở dĩ Nghị quyết khó vào Đá Cạn vì vai trò của đảng viên chưa được phát huy, việc nắm bắt, truyển tải và cụ thể hóa nghị quyết còn hạn chế. Bên cạnh đó, “đầu tầu” là các đảng viên vẫn còn yếu về kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn nên không “kéo” được hoạt động chi bộ lên; tình trạng đảng viên đi làm ăn xa vì mưu sinh khiến cho hoạt động của chi bộ chưa phát huy hết vai trò cũng là một khó khăn cản trở Đá Cạn đi lên.

Quốc Hội

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/202009/da-can-nghi-quyet-chua-bam-re-dat-ngheo-172973