Đã có 14 ngân hàng tiết lộ kết quả kinh doanh quý I/2023

Bức tranh lợi nhuận quý I/2023 của ngành ngân hàng đang dần lộ diện. Tính đến ngày 23/4, đã có 14 ngân hàng tiết lộ về kết quả kinh doanh quý đầu năm.

Vietcombank vững vàng ở vị trí dẫn đầu lợi nhuận quý I/2023. Ảnh: BNEWS phát

Vietcombank vững vàng ở vị trí dẫn đầu lợi nhuận quý I/2023. Ảnh: BNEWS phát

Trong đó, hầu hết các số liệu công bố đều cho thấy mức tăng trưởng dương, thậm chí có ngân hàng còn ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt đến cả vạn tỷ đồng.

Cụ thể, vững vàng ở vị trí dẫn đầu vẫn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lợi nhuận riêng lẻ trong quý I đạt 11.050 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 11.200 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 26% kết hoạch năm 2023.

Ngoài ra, tín dụng của Vietcombank đến hết quý I tăng 2,5%, huy động vốn tăng hơn 3,2%, cao hơn mặt bằng chung của hệ thống. Biên lãi ròng (NIM) cải thiện so với cuối năm ngoài, tăng khoảng 0,04 điểm %.

Với lợi nhuận vạn tỷ như vậy, Vietcombank bỏ xa ngân hàng đang đứng liền kề là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Lợi nhuận trong quý đầu năm 2023 của ACB đạt 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch cả năm. Huy động vốn tăng trưởng 2,1% so với cuối năm trước; dư nợ tín dụng giảm nhẹ 0,6%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 của một số ngân hàng. Tổng hợp: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Lợi nhuận trước thuế quý I/2023 của một số ngân hàng. Tổng hợp: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Còn tại Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh tiết lộ tính riêng ngân hàng mẹ VPBank trong quý I đã thu về lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 7% và huy động là 11,5%. Còn công ty tài chính FE Credit không có lãi và không hoàn thành kế hoạch.

Trong khi đó, số liệu từ VPBank tại thời điểm kết thúc quý I/2022 cho thấy lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, nếu so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận quý này của VPBank còn kém xa.

Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lợi nhuận trước thuế quý đầu năm tăng nhẹ 12% lên mức 3.600 tỷ đồng. Đây là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý I tại Đại hội cổ đông diễn ra vào nửa đầu tháng 4 vừa qua.

Với kết quả này, SHB đã thực hiện được khoảng 35% so với kịch bản lợi nhuận cả năm từ 10.200-10.600 tỷ đồng. Tăng trưởng huy động vốn của SHB đạt trên 8%, tăng trưởng tín dụng khoảng 6%.

Kế sau đó là 3 ngân hàng có lợi nhuận quý I trên 1.000 tỷ, gồm: Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với 1.765 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với 1.566 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với 1.500 tỷ đồng.

Trong đó, riêng LienVietPostBank giảm 13% lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ năm 2022. Lý giải cho bước thụt lùi này, LienVietPostBank cho biết do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế trong đó có ngành ngân hàng.

Song song đó, thực hiện theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, LienVietPostBank triển khai các chính sách, gói hỗ trợ lãi suất cho vay khách hàng. Trong khi đó, lãi suất đầu vào huy động tăng cao nên biên lợi nhuận (NIM) bị ảnh hưởng một phần dẫn đến thu nhập lãi của ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiến gần hơn với mốc lợi nhuận nghìn tỷ, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) ghi nhận 900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I, tăng 11% so với cùng kỳ. Ông Trần Tấn Lộc, Tổng giám đốc Eximbank kiên định sẽ có những phương án để đạt được mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ đồng trong năm nay.

Còn tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), lợi nhuận quý I đều tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt 612 tỷ đồng và 105 tỷ đồng.

Khách hàng giao dịch tại ABBank. Ảnh: ABBank

Khách hàng giao dịch tại ABBank. Ảnh: ABBank

Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) quý I ghi nhận 335 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng đến 36% so với cùng kỳ năm 2022 và là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong quý tính đến thời điểm hiện tại.

Tuy tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao nhất, nhưng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này lại nằm trong nhóm thấp nhất hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu tại BacABank vào thời điểm cuối tháng 3 chỉ ở mức 0,57%.

Thêm một ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận khá trong quý vừa qua là Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) với mức tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 153 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tuy chưa công bố con số lợi nhuận cụ thể nhưng lãnh đạo Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng tiết lộ lợi nhuận sau quý đầu năm đáp ứng được tốc độ tăng trưởng đặt ra.

Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Trần Minh Bình cho biết tổng tài sản ngân hàng sau quý I tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước, tương đương với hơn 16.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 4,6%, là một trong những ngân hàng thuộc nhóm tăng trưởng tín dụng tốt nhất quý đầu năm; tăng trưởng huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đảm bảo thanh khoản.

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank tại đại hội cổ đông ngày 22/4. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank tại đại hội cổ đông ngày 22/4. Ảnh: Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Tương tự tại Techcombank, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng khẳng định các chỉ tiêu kinh doanh quý I/2023 đang vượt kế hoạch dù chỉ tiêu cả năm khá khiêm tốn. Năm 2023, Techcombank chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 22.000 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022.

Nói về con số 22.000 tỷ đồng, ông Hồ Hùng Anh cho biết ngân hàng có nhiều phương án lợi nhuận có thể là 28.000 tỷ đồng hoặc 22.000 tỷ đồng. Nhưng với kinh nghiệm ứng phó những đợt khủng hoảng trong quá khứ, Techcombank chọn phương án thận trọng nhất để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra.

Nhìn lại kết quả quý I/2022, lợi nhuận trước thuế của VietinBank và Techcombank lần lượt là 5.822 tỷ đồng và 6.785 tỷ đồng.

Trước đó, Trung tâm phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) từng đưa ra dự báo rằng VietinBank có thể đạt khoảng 6.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế tăng 3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lợi nhuận của Techcombank lại dự kiến giảm do chịu ảnh hưởng kém tích cực từ NIM giảm và chi phí tín dụng cao hơn dự kiến.

Trong báo cáo về triển vọng ngành ngân hàng năm 2023, nhóm phân tích Công ty CP Chứng khoán VNDirect đánh giá tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại, chỉ ở mức khoảng 10-11%, thay vì mức 32% của năm 2022, do tăng trưởng tín dụng chậm lại, NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.

Và đặc biệt, theo Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) sự phân hóa lợi nhuận giữa các ngân hàng sẽ trở nên rõ nét nhất trong nửa sau năm 2023. Trong đó, các ngân hàng có chất lượng dư nợ tín dụng tốt và số dư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản chiếm tỉ lệ thấp trong cơ cấu tổng dư nợ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực./.

Lê Phương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/da-co-14-ngan-hang-tiet-lo-ket-qua-kinh-doanh-quy-i-2023/288900.html