Đa dạng các hình thức bồi thường cho người dân bị thu hồi đất
Luật Đất đai năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất. Hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương.
Khu tái định cư thôn Tiến Thắng, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) là nơi ở mới của các hộ dân có đất ở phải thu hồi để thực hiện Dự án tuyến đường bộ ven biển đoạn qua Nga Sơn - Hoằng Hóa. Ảnh: Việt Hương
Tuyến đường Thịnh - Đông qua địa bàn xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) dài 2,8km đã cơ bản được hoàn thành với diện mạo của tuyến đường đô thị rộng rãi, khang trang, dải phân cách giữa trồng hàng cây xanh ấn tượng. Đây được xem là tuyến giao thông quan trọng, kết nối giữa Quốc lộ 1A với đường bộ ven biển và Khu du lịch Hải Tiến, góp phần giảm tải lưu lượng giao thông cho các tuyến đường trong huyện.
Để góp phần hình thành con đường rộng rãi ấy, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chịu nhiều áp lực nặng nề khi có hàng trăm hộ dân có đất bị ảnh hưởng. Đặc biệt, tại xã Hoằng Thịnh có tới 76 hộ dân có đất ở liên quan đến công tác GPMB. Khoảng năm 2022-2023, công tác GPMB tại địa phương này từng có thời điểm gặp vướng mắc liên quan đến đất ở của hơn 10 hộ dân trong số đó. Lý do chủ yếu là các hộ dân có diện tích đất ở phải GPMB lớn (nhưng không thuộc diện được tái định cư) không muốn nhận bồi thường bằng tiền mà đề nghị Nhà nước bồi thường bằng đất.
Để giải quyết vướng mắc, trên cơ sở ý kiến, nguyện vọng của người có đất ở bị thu hồi, UBND huyện Hoằng Hóa đề xuất, xin ý kiến của cấp trên. Sau khi nhận được sự thống nhất của cơ quan có thẩm quyền, hơn 10 hộ dân xã Hoằng Thịnh đã được nhận bồi thường theo hình thức: đất đổi đất. Việc kịp thời điều chỉnh, thay đổi hình thức bồi thường cho các hộ dân đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ GPMB thi công hoàn thiện dự án. Điều quan trọng hơn nữa là đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của những hộ dân có phần lớn diện tích đất ở phải thu hồi, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân.
Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu đồng thuận trong công tác bồi thường GPMB các dự án. Một trong số đó có nguyên nhân liên quan đến việc chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân có đất bị thu hồi khi lựa chọn hình thức, phương án bồi thường.
Tháo gỡ vướng mắc liên quan đến vấn đề này, Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất. Hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở phù hợp với nhu cầu của người có đất bị thu hồi và quỹ đất của từng địa phương.
So sánh với các quy định của Luật Đất đai 2013, Luật sư Vũ Văn Trà, Công ty Luật TNHH Sơn Trà, Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Khoản 2, Điều 74, Luật Đất đai 2013 quy định: “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”. Theo đó, Luật Đất đai 2013 nêu ra 2 hình thức bồi thường với thứ tự ưu tiên là giao đất có cùng mục đích sử dụng và chỉ khi không có đất để bồi thường mới được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể (ngoại trừ đất ở).
So với luật cũ, Luật Đất đai 2024 có điểm mới quan trọng, thể hiện sự tiến bộ khi quy định theo hướng có lợi cho các cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất và góp phần đảm bảo tốt hơn quyền công dân. Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 91 Luật Đất đai 2024 không còn giới hạn phương án bồi thường chỉ với hai hình thức giao đất và giao tiền, cũng như không bắt buộc áp dụng thứ tự áp dụng. Thay vào đó, người dân có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì kể cả khi quỹ đất, quỹ nhà ở vẫn còn, người dân vẫn sẽ được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đồng thời, quy định mới không giới hạn loại đất bồi thường bắt buộc phải có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi. Người dân nếu có nhu cầu có thể nhận bồi thường bằng loại đất khác với loại đất thu hồi. Ví dụ, người bị thu hồi đất nông nghiệp nhưng lại mong muốn nhận bồi thường bằng đất phi nông nghiệp, đất dịch vụ để sử dụng trong chuyển đổi nghề nghiệp thì sẽ được giao đất theo nguyện vọng của mình với điều kiện quỹ đất phi nông nghiệp, đất dịch vụ của địa phương vẫn còn. Tương tự, nếu người dân có nhu cầu được bồi thường bằng nhà ở thì sẽ được bồi thường bằng nhà ở nếu quỹ nhà ở của địa phương còn đảm bảo.
Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã quy định đa dạng hóa các hình thức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, bao gồm 4 hình thức: Bằng đất cùng mục đích sử dụng; bằng tiền; bằng nhà ở; bằng đất khác mục đích sử dụng. Quy định mới đã tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, giảm ngân sách khi phải chi trả bằng tiền. Đồng thời, đảm bảo quyền lợi cho người có đất thu hồi khi được ưu tiên lựa chọn hình thức bồi thường, đáp ứng theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong quá trình ổn định nơi sinh sống và làm việc khi Nhà nước thu hồi đất.
Luật sư Vũ Văn Trà chia sẻ thêm: Quá trình áp dụng quy định mới trên thực tế có thể sẽ phát sinh một số vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ. Đơn cử, thứ tự ưu tiên khi có nhiều người đăng ký cùng một nguyện vọng bồi thường sẽ như thế nào? Đối với người có đất thu hồi mong muốn được giao đất khác mục đích sử dụng có cần thỏa mãn những điều kiện nhất định không? Giá trị mỗi loại đất là khác nhau, có sự chênh lệch nhất định, thậm chí là chênh lệch rất lớn thì có nên giới hạn diện tích các loại đất khi bồi thường?...
Rất nhiều vấn đề có thể phát sinh vướng mắc, do đó, vẫn phải chờ các bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để việc áp dụng các quy định mới của Luật Đất đai năm 2024 đảm bảo được sự công bằng và thống nhất ở các địa phương trong cả nước.