Đa dạng chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, nhất là các dự án đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số (DTTS) và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn trên địa bàn huyện Yên Lập đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của đồng bào DTTS, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển, đời sống của đồng bào ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Từ các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Yên Lập ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Từ các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, đời sống vật chất, tinh thần của người dân huyện Yên Lập ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Huyện miền núi Yên Lập là nơi sinh sống của hơn 80% đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 74%, dân tộc Dao chiếm hơn 5,1%. Xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là phát triển vùng DTTS gắn với đổi mới cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất; quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết thành đề án, kế hoạch, chương trình hành động, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn, từng nhóm đối tượng.

Để tạo động lực nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, huyện tích cực triển khai các chương trình, dự án, chính sách dành riêng cho bà con. Trong giai đoạn 2019-2024, huyện đã triển khai dự án đầu tư hạng mục công trình kỹ thuật tạo chỗ ở ổn định cho 94 hộ dân tại 2 điểm định cư là Cây Dừa, khu Sơn Tình, xã Lương Sơn, giá trị đầu tư 1,1 tỷ đồng và điểm định cư khu Xuân Thắng, xã Mỹ Lung, giá trị đầu tư 2,1 tỷ đồng. Huyện cũng đã thực hiện rà soát, phê duyệt hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho 70 hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo sinh sống trên địa bàn đặc biệt khó khăn theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, đã có 14 nhà xây dựng xong, 28 nhà khởi công, còn 28 nhà dự kiến khởi công và hoàn thiện trong năm 2024.

Bên cạnh đó, huyện đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng 117 công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, thủy lợi... triển khai sửa chữa, nâng cấp 2 chợ thuộc địa bàn 2 xã đặc biệt khó khăn; đầu tư hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, lịch sử gắn với phát triển du lịch tại 3 xã Mỹ Lung, Minh Hòa, Xuân An; lập và phê duyệt thực hiện Dự án liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ, gắn với tiêu thụ nếp Gà Gáy theo chuỗi giá trị tại xã Mỹ Lung... Trong 2 năm 2024, 2025, huyện tiếp tục đầu tư xây dựng 2 công trình hạ tầng bố trí ổn định dân cư tại xã Lương Sơn và Mỹ Lương cho trên 50 hộ tại các vùng có nguy cơ thiên tai.

Đồng thời, huyện đẩy mạnh thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ đồng bào về nhà ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo quỹ đất sản xuất, làm dịch vụ hoặc làm các nghề khác, giúp tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con. Huyện đã giao các xã, thị trấn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiến hành rà soát, lập dự án, tạo điều kiện cho các hộ thuộc diện được tiếp cận nguồn vốn và đã có 175 lượt hộ được hỗ trợ vay vốn với dư nợ hơn 6,7 tỷ đồng.

Một số chính sách an sinh xã hội khác trên địa bàn cũng được triển khai tích cực như chính sách về giáo dục, huyện đã thực hiện nghiêm túc, công khai việc miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa đối với học sinh là người DTTS, học sinh con hộ nghèo, học sinh bán trú và một số chính sách dành cho học sinh khuyết tật... Trong 5 năm đã hỗ trợ hơn 93 tỷ đồng cho trên 50.000 lượt học sinh. Về y tế, huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế vùng đồng bào DTTS; tăng cường khám, chữa bệnh, sắp xếp cán bộ y tế về các xã, thôn, bản nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà con. Đã cấp trên 6.100 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo thuộc hộ DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng, gắn với tiêu chí nông thôn mới, các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng bảo tồn và phát huy...

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm; thường xuyên bổ sung, đưa vào quy hoạch những cán bộ là người DTTS có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn cao, có uy tín trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc quy hoạch được thực hiện đồng bộ, liên thông giữa huyện và xã, giữa các cơ quan, đơn vị... vừa bổ sung, vừa tạo nguồn cán bộ hợp lý. Hiện cấp huyện có 88/164 đồng chí lãnh đạo là người DTTS, chiếm 53,66%; cấp xã có 277/342 đồng chí lãnh đạo là người DTTS, chiếm 81%.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Đinh Hải Nam khẳng định: Những chủ trương, chính sách lớn dành cho đồng bào DTTS đã tiếp thêm động lực, nhân lên niềm tin của bà con với Đảng, Nhà nước. Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã biết tự vươn lên, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách thu nhập, giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; xóa bỏ các tập quán lạc hậu, đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, cùng chung tay xây dựng quê hương Yên Lập ngày càng giàu đẹp.

Phương Thảo

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/da-dang-chinh-sach-ho-tro-dong-bao-dan-toc-thieu-so-221898.htm