Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để đưa pháp luật vào cuộc sống

Khu vực biên giới tỉnh Nghệ An có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí vẫn còn hạn chế, không ít người dân vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Bên cạnh đó, hoạt động của các loại tội phạm còn phức tạp. Từ thực tiễn địa bàn, BĐBP Nghệ An đã sáng tạo nhiều cách làm, mô hình mới để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tới người dân.

BĐBP Nghệ An triển khai nhiều hình thức tuyên truyền nhằm đưa pháp luật đến với người dân trên địa bàn. Ảnh: Hải Thượng

BĐBP Nghệ An triển khai nhiều hình thức tuyên truyền nhằm đưa pháp luật đến với người dân trên địa bàn. Ảnh: Hải Thượng

Mỗi mô hình một đối tượng

Đều đặn, hằng tháng, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo các chủ điểm khác nhau, có tính thời sự, phù hợp với nhu cầu thông tin của phụ nữ. Sau đó, cán bộ công tác địa bàn sẽ hướng dẫn Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” của các thôn thuộc xã Thanh Thủy tuyên truyền cho các hội viên. “Với cách làm này, hội viên phụ nữ trên địa bàn được trang bị kiến thức pháp luật và trở thành những tuyên truyền viên pháp luật tích cực tới người thân trong gia đình và bạn bè” - Thượng tá Nguyễn Ngọc Tú, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy chia sẻ.

Triển khai từ tháng 9/2022, đến nay, Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” đã được nhân rộng ra 3/5 thôn của xã Thanh Thủy. Để đưa pháp luật đến với các tầng lớp nhân dân, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy còn tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, PBGDPL khác nhau. Trong đó, mô hình “Tiết học vùng biên” sẽ giới thiệu về các quy định pháp luật cho học sinh trung học cơ sở trên địa bàn.

Tiết đầu, cán bộ Biên phòng sẽ giới thiệu tập trung cho học sinh tại trường. 2 tiết sau, khối học sinh lớp 9 sẽ được đưa lên cửa khẩu, mốc quốc giới để nghe giới thiệu về các quy định, văn bản pháp luật liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy còn xây dựng mô hình “Quản lý, giáo dục người lầm lỗi, tái hòa nhập cộng đồng” để tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, cung cấp thông tin bổ ích cho những người từng vi phạm pháp luật hoàn lương suy nghĩ tích cực, làm lại cuộc đời.

Nỗ lực đưa pháp luật vào cuộc sống

Chúng tôi được biết, khu vực biên giới tỉnh Nghệ An gồm 11 huyện, thị xã với 61 xã, phường. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đời sống của nhân dân nơi đây từng bước được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản ổn định. Tuy nhiên, đến nay, ở khu vực biên giới, một số tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ; trình độ dân trí, nhận thức về pháp luật của người dân vẫn còn hạn chế.

Trong khi đó, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép và di cư trái phép qua biên giới; tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số ở một số địa bàn biên giới có thời điểm diễn ra tương đối phức tạp. Trên tuyến biển, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không khai báo, tranh chấp ngư trường trên biển vẫn còn xảy ra.

Trước thực trạng trên, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã đa dạng hóa hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Trước hết, phải kể đến mô hình “Bản tin vùng biên”.Với nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú; hình thức truyền tải linh hoạt, dễ tiếp cận, “Bản tin vùng biên” đã khắc phục được rất nhiều yếu tố đặc thù của địa bàn biên giới (phong tục, tập quán sinh hoạt, điều kiện cơ sở vật chất, địa hình, thời tiết, trình độ dân trí, nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân...) phát huy hiệu quả thiết thực.

Thực hiện mô hình này, cán bộ Biên phòng biên tập các nội dung về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phối hợp với chính quyền địa phương đọc trên loa truyền thanh bằng hai thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số). Tại các khu vực hệ thống truyền thanh chưa vươn tới, việc tiếp cận thông tin qua truyền hình, mạng internet gần như không thể, cán bộ Biên phòng sử dụng xe máy chở loa di động tới phát thông tin tuyên truyền. Đối với những ngư dân thường xuyên bám biển dài ngày, các đơn vị Biên phòng gửi nội dung tuyên truyền pháp luậtvào các trang, nhóm mạng xã hội.

Trên cơ sở phân tích, hiểu rõ đặc điểm tâm lý, trình độ nhận thức của người dân, BĐBP Nghệ An xây dựng các mô hình tuyên truyền, PBGDPL phù hợp với các đối tượng khác nhau. Trong đó, mô hình “Giáo dục pháp luật cho học sinh lớp 9 các trường trung học cơ sở trên địa bàn biên giới” chủ yếu là các văn bản luật có liên quan đến dân tộc, tôn giáo, sức khỏe, giới tính, hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới, an toàn giao thông và Luật Nghĩa vụ quân sự... cho học sinh.

Hướng tới đối tượng phụ nữ, các đơn vị BĐBP Nghệ An tham mưu phối hợp với địa phương thành lập các Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”. Theo đó, cán bộ Biên phòng phối hợp với Hội Phụ nữ các xã, thôn, bản để duy trì hoạt động của câu lạc bộ; tuyên truyền cho hội viên về chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ biên giới.Từ đó, các chị vận động chồng, con chấp hành nghiêm pháp luật về biên giới quốc gia, tích cực cùng BĐBP tham gia quản lý, bảo vệ biên giới.

Một trong những cách làm sáng tạo của BĐBP Nghệ An là mô hình “Tuyên truyền pháp luật qua các làn điệu dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh”. Thực hiện mô hình này, những người lính Biên phòng đã chuyển thể các nội dung luật thành các câu hát, bài hát dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh; phối hợp với các nhà trường trên địa bàn mở lớp dạy cho học sinh; phát trên hệ thống truyền thanh; chia sẻ lên các nền tảng mạng xã hội. Đây là hình thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ. Mô hình này vừa góp phần PBGDPL, vừa khuyến khích truyền thụ dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh. Ngoài ra, BĐBP Nghệ An còn chuyển thể các nội dung tuyên truyền trực quan qua các hoạt động sân khấu hóa, biểu diễn trực tiếp hoặc ghi hình đưa lên các nền tảng xã hội...

Trong quá trình tuyên truyền, PBGDPL, BĐBP Nghệ An luôn chú trọng việc phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo để phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Già làng Xồng Vả Tu, ở bản Huổi Nhao, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn chia sẻ: “Tôi tham gia đầy đủ các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Thông qua đó, tôi và người dân đã hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Chúng tôi cũng nhận thức được việc xuất nhập cảnh trái phép, di cư sang bên kia biên giới là vi phạm pháp luật. Tôi sẽ tích cực vận động bà con chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước”.

Có thể khẳng định, với nội dung phong phú, hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với nhiều loại đối tượng, công tác tuy ên truyền, PBGDPL của BĐBP Nghệ An đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Thu Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/da-dang-hoa-hinh-thuc-tuyen-truyen-de-dua-phap-luat-vao-cuoc-song-post459854.html