Đã đến lúc các startup cần thay đổi thói quen 'đốt tiền'
Một Uber và một Wework đã là quá đủ, sắp tới người ta sẽ quay trở lại với những Facebook, Google… đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, nhưng không cần đốt quá nhiều tiền.
Nếu như 2018 là năm "hoàng kim" của giới startup trong và ngoài nước, khi các quỹ đầu tư đua nhau rót tiền vào hàng loạt những cái tên đình đám, đánh cược vào cuộc chơi mà người thắng sẽ có tất cả, thì 2019 chắc hẳn cũng là một năm đáng nhớ không kém với những sự kiện nổi bật: Uber IPO vào hồi tháng 5/2019 với định giá ngất ngưởng (76,5 tỷ USD), Elizabeth Holmes cuối cùng cũng bị kết án, Masayoshi Son - nhà đầu tư vĩ đại nhất thời đại đã phải thừa nhận sai lầm trong cú ngã ngựa Wework, cùng hàng loạt các vụ rửa tiền đình đám thông qua các quỹ đầu tư…
Tại Việt Nam, chúng ta cũng phải đón nhận những tin tức không mấy vui vẻ vào dịp cuối năm, như: Adayroi đóng cửa, một startup gọi vốn tới vòng series D vẫn phải cắt giảm lượng lớn nhân sự, một số cái tên đã từng rất "hot" chấp nhận vòng gọi vốn sau thấp hơn vòng trước. Không ai lấy làm vui vẻ, nhưng đã đến lúc chúng ta cần nghĩ nghiêm túc về việc: đừng đốt tiền thêm nữa.
Khái niệm "đốt tiền" chủ yếu dùng cho giới quỹ đầu tư và startup, bắt nguồn từ Silicon Valley những năm 1970 để chỉ lượng tiền "đốt" hàng tháng của startup. Sở dĩ gọi là đốt vì bao giờ mức chi tiêu này cũng cao hơn doanh thu thu về, có khi lên đến cả chục lần.
Điều đó đồng nghĩa với việc: tiền chúng ta kiếm ra chưa đủ nuôi mình, đành đi "mượn" người khác tiêu tạm, và ở đây startup mượn các quỹ đầu tư thông qua các đợt gọi vốn.
Sẽ chằng phải vấn đề quá to tát nếu đó chỉ là mượn tạm và startup có thể đạt điểm hòa vốn trong thời gian ngắn và sau đó phát triển nhanh chóng, đem về khoản lợi nhuận lớn, lúc ấy các quỹ đầu tư sẽ thu lợi ddwwojc nhiều lần, nhưng 99,99% các startup chẳng bao giờ tính được đúng điểm hòa vốn.
Từ những lần ngã ngựa của nhiều gã khổng lồ (Uber, Wework…), giờ đây nhà đầu tư không còn quá mặn mà với các chỉ số (GMV, số lượng users, merchants…). Họ rồi sẽ chỉ quan tâm doanh thu của startup là bao nhiêu? Lợi nhuận bao nhiêu %? Một tháng có phải bỏ ra nhiều tiền hay không, tiêu hết chỗ tiền gọi vốn lần này thì ra được gì, không gọi thêm được vòng nữa thì startup có phá sản không?
Vậy nên trong lúc chẳng có gì chắc chắn về điểm hòa vốn, hãy hạ tốc độ "đốt tiền" xuống thấp nhất có thể, và cách tốt nhất để làm việc này là hạ chỉ số CAC (chi phí để có thêm một khách hàng mới).
Đừng bắt chước những "ông lớn" trong làng E-commerce, Fintech… đốt tiền. Cuộc chơi của các ông lớn là phải đốt, và thực chất đó là cuộc chơi của các quỹ lớn đằng sau, họ bỏ vào cả trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD, đâu có lựa chọn khác ngoài đi tiếp, dừng lại là mất tiền, đồng nghĩa với việc chấp nhận thua cuộc, và chẳng có mấy quỹ lớn sẵn sàng hạ lòng tự trọng.
Ngay cả với Softbank, dù thừa nhận sai lầm với Wework, nhưng họ cũng không thể buông xuôi. Mặc dù vậy chúng ta đều biết rằng tất cả những trường hợp trên, một khi nhà đầu tư ngừng rót tiền… công ty lớn mấy cũng chết.
Vậy là mạng sống của chúng ta, nhưng chính ta không quyết định được. Vậy nên khi startup, bạn phải nghĩ đến việc làm thế nào có những đồng tiền đầu tiên, những đồng tiền tiếp theo, làm thế nào để tự mình nuôi được mình trước.
Trong những năm tới đây, sẽ có sự dịch chuyển đáng kể về khẩu vị của các quỹ, phần lớn sẽ không còn quá mặn mà với những con số "bề nổi". Họ sẽ thực tế hơn rất nhiều, sẽ quan tâm đến doanh thu, CAC, retention rate, DAU/MAU… Bởi họ không muốn bạn "đốt tiền" một cách vô tội vạ.
Ngày tôi đi phỏng vấn vào một startup, nhà sáng lập thằng thắn nói rằng anh không muốn gọi vốn, và cũng không để sự sống còn của công ty phụ thuộc vào điều đó. Trong suốt mấy năm qua, startup này luôn cố gắng đi trên đôi chân của chính mình, có gọi vốn xong cũng để trong ngân hàng, không cần động đến, vì lúc ấy dòng tiền đã dương.
Tôi cũng gặp một người anh khác rất giỏi và đã xây dựng công ty trở thành tay chơi số 1 trên thị trường với cùng quan điểm: startup phải tự nuôi sống mình đã, sống được rồi mọi thứ sẽ đến. Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của việc gọi vốn, nhưng chúng ta cần tránh tối đa tư duy đốt tiền: đốt tiền để có thêm khách hàng, đốt tiền để chiếm lấy thị trường, đốt tiền để…. giành lấy tăng trưởng.
Một Uber và một Wework đã là quá đủ, sắp tới người ta sẽ quay trở lại với những Facebook, Google… đạt được tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc nhưng không cần đốt quá nhiều tiền.
Nextrans là một đơn vị tư vấn tài chính và đầu tư khởi nghiệp với mục tiêu hỗ trợ phát triển các startup thực hiện được tầm nhìn của mình tại thị trường Hàn Quốc, Việt Nam và Mỹ trong suốt 15 năm qua. Tính đến thời điểm hiện tại, Nextrans đã hộ trợ trên 50 công ty kêu gọi thành công 400 triệu USD từ những quỹ như Bon Angels, Access Ventures, Futureplay, GSShop, KB Investment, LineVentures and Naver,…
Nextrans đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ 2014, và đã đầu tư vào 10 startup sau khi đánh giá 600 hồ sơ. Một số cái tên trong danh mục đầu tư của Nextrans là Leflair, Ecotruck, Base.vn, Ecomobi,…